Đức Maria Trong Tân Ước XVI


             ĐỨC MARIA TRONG TÂN ƯỚC XVI               
BIẾN CỐ TRUYỀN TIN: ĐIỂM HẸN VÀ ĐẤT HỨA

Một hành trình trong thinh lặng và tín thác

 
Các bạn thân mến,Có một điều lạ lùng đến khó hiểu đó là Mẹ luôn luôn thinh lặng! Trong những chương đầu tôi có lưu ý rằng với các Tông phụ (Apostolic Fathers), thì sự im lặng của các ngài về con người và cuộc đời của Mẹ Maria dường như là một thói quen, nếu không muốn nói là một nguyên tắc. Dĩ nhiên chúng ta phải công nhận Mẹ vốn là người khiêm tốn và thầm lặng lạ lùng, đến nỗi vào những thời điểm hay biến cố thật quan trọng, lẽ ra phải lên tiếng ít nhiều, thì Mẹ vẫn lặng thinh.

Thí dụ khi ông Si-mê-on ca ngợi Con Mẹ trong đền thờ, Mẹ không nói một lời nào; rồi ở đỉnh cao của đau khổ, khi thương tâm chứng kiến cảnh Con Mẹ bị treo trên Thập gíá, Mẹ cũng chỉ im lặng; khi ôm xác Con mình dưới chân thập giá, Mẹ cũng vẫn lặng thinh! Tại sao vậy?

Theo cha Marie-Dominique Philippe thì trong mầu nhiệm Truyền Tin, dức tin của Mẹ được tỏ bày cho chúng ta qua hành vi tin của Mẹ: hành vi tin này tách biệt và giữ Mẹ thoát khỏi tất cả những gì không thuộc về Thiên Chúa, nhằm giữ Mẹ trong Người và kết hợp Mẹ với Người bằng một cách thế mới mẻ. Giữa Mẹ và Thiên Chúa có một giao ước bí mật, và do vậy, Mẹ im lặng với hết mọi người, kể cả thánh Giuse - hôn phu của Mẹ. Lẽ ra, Mẹ đã phải tỏ bày bí mật đầu tiên của mình cho thánh Giuse, vì thánh nhân có liên quan đến sứ mạng Mẹ lãnh nhận từ Thiên Chúa. Như thế, ở đây, chúng ta ra như thấy được một “nguyên tắc” của Thiên Chúa: khi Thiên Chúa hành động trực tiếp, nghĩa là chia sẻ bí mật riêng tư của Người với Đức Maria, thì Thiên Chúa yêu cầu Mẹ chấp nhận sự tách biệt, và sống trong bí mật này. Đây là một phần của hành động đức tin mà Thiên Chúa kết hợp Mẹ với Người trong một cách thế rất riêng tư.
               
Quả vậy, đức tin kéo chúng ta vào trong mầu nhiệm riêng tư với Thiên Chúa. Tuy không nói ra, nhưng cách nào đó, chúng ta cũng cảm nghiệm được một sự liên hệ qua giao ước bí mật giữa ta với Người. Điều này khiến chúng ta giữ kín bí mật Ba Ngôi để được sống nhờ đó. Việc  hướng chúng ta đến Phúc kiến, thì điều này cũng bao bọc chúng ta trong Ba Ngôi Cực Thánh. Đương nhiên, đức tin trong khía cạnh thiêng liêng nhất, hẳn luôn có cùng một đòi hỏi.
Chắc chắn Mẹ đã đồng ý để được bao bọc, và nhờ đó, để được “nói”, qua Thiên Chúa, trong một sự im lặng mới. Vì chia sẻ bí mật của Người với Mẹ, Thiên Chúa muốn Mẹ phải giữ kín nó hết sức trong tâm hồn Mẹ, để hoa trái có thể nảy sinh trong Mẹ. Mẹ phải chấp nhận sự thinh lặng, không nói gì cả, chấp nhận trở nên “cổng vườn khóa kín” chỉ dành riêng cho Thiên Chúa. Sau khi đón nhận sự dâng hiến của Mẹ, Thiên Chúa trao Mẹ cho thánh Giuse chăm sóc; thế nhưng, Người vẫn giữ Mẹ lại hoàn toàn cho Người trong mầu nhiệm này, trong bí mật này. Thiên Chúa muốn Mẹ sống cho Người. Thiên Chúa muốn sự ràng buộc bí mật hiện hữu giữa Mẹ và Người, là một sự ràng buộc tách biệt Mẹ khỏi mọi người. Qua vai trò làm Mẹ Thiên Chúa, Thiên Chúa muốn Mẹ đi vào tận chiều kích thâm sâu nhất của đời sống Ba Ngôi.
 
Các bạn thân mến,
Sự thinh lặng của Mẹ về biến cố Truyền Tin đáng để chúng ta lưu ý. Nó là biểu hiệu của cuộc sống chiêm niệm của Mẹ, đặc biệt của tình thâm giao giữa Mẹ và Thiên Chúa. Thiên Chúa có một chương trình nhiệm mầu để cứu độ con người. Nhân loại chỉ có thể hiểu thấu những bí mật của  chương trình này vào từng thời điểm của nó. Thiên Chúa, qua biến cố Truyền tin, đã ký thác chúng cho Mẹ, như ký thác cho một người bạn thân tín. Sự thường, khi được bạn ký thác bí mật, ta không có quyền tỏ lộ nó cho bất cứ ai. Vì thế, việc Mẹ giữ thinh lặng về biến cố Truyền tin là hệ quả của tình bạn thâm giao giữa Mẹ và Thiên Chúa. Bằng tiếng “Xin vâng”, Mẹ chí thánh hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Qua bí mật được ký thác, Thiên Chúa ẩn mình trong Mẹ và Mẹ ẩn mình trong Thiên Chúa cách nhiệm mầu. Mẹ giữ thinh lặng trong và qua tình yêu ; và điều này đã giúp Mẹ càng lúc càng ý thức được sự hiện diện yêu thương đến vô biên của Thiên Chúa. Đây là sự thinh lặng không do cưỡng bức hay thúc ép, giống như trường hợp Gia-ca-ri-a (im lặng do bị trừng phạt, để sửa chữa),  nhưng là sự thinh lặng trong tự do và yêu thương. Có thể nói rằng khi Lời Thiên Chúa được tỏ bày cho chúng ta, dường như Lời đó luôn đòi hỏi sự thinh lặng. Nếu chúng ta đón nhận Lời cùng với yêu sách đó, chúng ta hẳn sẽ được ẩn mình trong quyền năng, cũng như trong tình yêu của Lời ấy. Nếu chúng ta tuân thủ yêu sách đó cách hời hợt hoặc thiếu nghiêm chỉnh, Lời sẽ khiến chúng ta bị câm nín như một phương cách để sửa chữa chúng ta. Vì thế, nếu chúng ta cũng biết mở lòng đón nhận Lời, trong thinh lặng và khiêm tốn như Mẹ, Mẹ sẽ là điểm hẹn, là đất hứa không ồn ào, không văn tự, cho mỗi chúng ta và Con Mẹ. Chúng ta cũng sẽ được ẩn mình trong quyền năng và tình yêu của Chúa Con.
 
Theo Cha Marie-Dominique Philippe, sự thinh lặng này - vốn là dấu chỉ và hệ quả của yêu sách một đức tin yêu thương - đã tách biệt Mẹ khỏi thánh Giuse. Về phương diện này, nó bao hàm một thử thách thiêng liêng nào đó đối với Mẹ và thánh Giuse. Nó là một phương tiện Thiên Chúa dùng để gia tăng đời sống kết hợp với Người, đồng thời tách rời một cá nhân “ra khỏi mọi cộng đồng nhân loại”, dù có thể đó là một cộng đồng thánh thiện. Cần lưu ý là tôi nói "ra khỏi mọi cộng đồng nhân loại" chứ không nói là “ra khỏi những khí cụ của Thiên Chúa”, theo nghĩa chính xác của những khí cụ Thiên Chúa, tức những kẻ được Thiên Chúa sai đến để chuyển tải thông điệp của Người, như thiên sứ Gáp-ri-en hay một tư tế. Thánh Giuse chỉ có thẩm quyền ở “diễn đàn” bên ngoài (external forum). Ngài thuộc về cộng đồng nhân loại, và nắm giữ thẩm quyền trong cộng đồng ấy. Thiên Chúa muốn Mẹ giữ kín bí mật của Người, kể cả việc chỉ đơn thuần kể lại cho thánh Giuse những lời thiên sứ nói với mình. Điều đó hẳn là quá cẩn thận theo cái nhìn của nhân loại chúng ta. Nhưng chính bằng cách ấy, Mẹ tỏ ra tin tưởng thánh Giuse hơn, tôn trọng thẩm quyền của ngài hơn. Chúa Thánh Thần lại nghĩ theo cách khác, vì vậy mà cả hai ngài đã được dẫn dắt đi theo những con đường thiêng thánh và anh hùng hơn. Khi chấp nhận giữ thinh lặng như thế, Mẹ đã tỏ ra tin tưởng thánh Giuse hơn rất nhiều ; đó là sự tin tưởng của kẻ biết thánh Giuse rất mực yêu thương mình và mình có thể yêu cầu ngài bất cứ điều gì.
Mời nghe tiếp bài XVII.