Đức Maria Trong Tân Ước XI


ĐỨC MARIA TRONG TÂN ƯỚC XI
BIẾN CỐ TRUYỀN TIN: ĐIỂM HẸN VÀ ĐẤT HỨA
 
Các bạn thân mến,
2. Lời Xin Vâng vô điều kiện…                                             
Mẹ đã nói tiếng “Xin vâng” cách thật tự nhiên và vô điều kiện, trước một biến cố gây sững sờ chưa từng xảy ra, và sẽ không bao giờ tái diễn trong lịch sử nhân loại. Đó là việc một trinh nữ sinh con, mà lại sinh ra Con Thiên Chúa. Lời Xin Vâng, như thế, biểu lộ lòng vững tin của Mẹ đặt nơi Thiên Chúa. Cách nói khác của Xin vâng là “Tôi tin”. Mẹ tin vững vàng, cho dù lúc nhận lời đề nghị của Thiên Chúa, Mẹ chưa biết Người sẽ đưa cuộc đời mình đi tới đâu hoặc theo cách thức nào (sau này Mẹ mới từ từ hiểu ra). Lời “Xin Vâng”, biểu lộ một đức tin sắt đá và lòng tuân phục chân thành, đã khiến Mẹ trở nên người nữ diễm phúc hơn mọi người nữ. Nhà Thần học Karl Rahner diễn giải thật sâu sắc: 
“Lời Xin vâng đã tạo nên một biến cố lịch sử linh thiêng đưa con người vào ơn thánh, bởi đó lời ấy tồn tại mãi muôn đời. Lời của Mẹ Maria là lời  của nhân loại, và tiếng Xin vâng của Mẹ là tiếng AMEN (ước được như vậy) của muôn loài thụ tạo. Giờ đây, Mẹ vẫn còn đọc lên lời AMEN bất tận, lời Xin vâng muôn thuở đối với những gì Thiên Chúa muốn”.
Nhờ Mẹ mà ơn thánh tuôn tràn cho nhân loại; vì thế, chúng ta tất sẽ được lãnh nhận ơn thánh, khi biết cùng Mẹ nói tiếng Xin vâng. Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, khi nói về Mẹ Maria, đã giải thích: “Lời Xin Vâng trong biến cố Truyền Tin mở đầu cho Giao Ước Mới giữa Thiên Chúa và loài thụ tạo: khi lời này kết hợp Chúa Giêsu vào trong bản tính nhân loại, thì đó cũng là lúc nó kết hợp Mẹ Maria vào Người theo ân sủng”.
Trong biến cố Truyền Tin, khi Mẹ trả lời “Xin vâng”, theo thánh Augustinô, chính niềm tin của Mẹ đã làm cho Mẹ trở thành Mẹ của Chúa Cứu Thế, hơn là vì cưu mang thân xác Con Thiên Chúa. Thái độ của Mẹ đã nói lên ước muốn và sự sẵn sàng, trông đợi ở mức độ cao nhất. Giáo phụ Origen cho rằng khi thưa Xin vâng, thì chẳng khác gì Đức Maria nói với Thiên Chúa thế này: “Vâng, con là mảnh giấy để Chúa viết lên. Cũng như một tác giả viết lên giấy bất cứ điều gì người ấy thích thì Chúa hãy viết lên đây bất cứ điều gì Người muốn”. Việc Origen so sánh Mẹ Maria với mảnh giấy sáp để Thiên Chúa viết trên đó bất cứ những gì Người muốn giúp ta hình dung Mẹ như một bức thư sống động của Người (bức thư Maria chuyển tải, cưu mang Lời). và khi đọc “bức thư” này, hẳn chúng ta sẽ hiểu được văn phong độc đáo của Thiên Chúa.
 
Như thế, phải nghiền ngẫm thật kỹ “bức thư Maria”, ta mới thấy được cái đẹp, sự huy hoàng đến vô biên của Tình yêu Thiên Chúa. Từ Fiat gốc Latin có nghĩa là “Let it be done” (“để cho điều đó được thực hiện”, lời mà chính Mẹ đã nói; hay có nghĩa một mệnh lệnh “Let there be” (“Hãy xảy ra”, lời mà Thiên Chúa đã phán khi tạo dựng vũ trụ. Thí dụ trong sách Sáng Thế, Ngài phán: "Fiat Lux”, nghĩa là “Let there be light”, tạm dịch “Hãy có ánh sáng” tức thì có ánh sáng. Như thế, từ “Fiat” mà Mẹ nói mang ý nghĩa tròn đầy, tích cực hơn từ “xin vâng”, theo nghĩa tiếng Việt ta thường hiểu.

.…của người Nữ Tỳ Chúa
Khi xét đến những hệ lụy của lời Xin vâng, ta mới thấy được lòng tin của Mẹ thật lạ lùng. Khi truyền tin, sứ thần Gáp-ri-en đề nghị Mẹ hãy sinh cho Thiên Chúa một người con. Dĩ nhiên Mẹ đã lường trước được sức nặng của lời đề nghị, đã mường tượng trước câu chuyện đau thương thập giá. Theo sách Đệ nhị luật, nếu sinh con mà không do quan hệ vợ chồng thì người phụ nữ sẽ bị ném đá đến chết. Nói cách khác, khi sứ thần đề nghị Mẹ sinh con, thì cũng có nghĩa là trao cho Mẹ một thứ “bản án tử hình”! Sau khi hỏi lại sứ thần cho tường tận, Mẹ đã - trong tư thế của một nữ tỳ-can đảm chấp nhận  “án tử” đó, khi thưa “Xin vâng.”  Người nữ tỳ hạnh phúc vì được phục vụ ông chủ mà mình hết lòng kính trọng, yêu thương, và sẵn lòng cam chịu mọi nhọc phiền, đau khổ, cả đến cái chết!
 
Các bạn thân mến,
Theo Đức Hồng Y Carlo M.Martini, khi trả lời cho sứ thần "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." (Lc 1:38), Mẹ xác nhận thân phận của mình trước mặt Thiên Chúa: chỉ là nô lệ, tôi đòi của Người. Câu trả lời của Mẹ như họa lại câu nói của ngôn sứ Isaia: “Đây là người tôi trung ta nâng đỡ, là người ta tuyển chọn và quý mến hết lòng” (Is 42:1). Phần đầu trong câu trả lời của Mẹ “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa” song đối với phần đầu câu nói của ngôn sứ Isaia. Câu nói của sứ thần “vì bà đẹp lòng Thiên Chúa” (Lc 1:30) tương ứng với phần hai của câu nói của Isaia. 
 
Mẹ xác định mối quan hệ giữa mình với Thiên Chúa, bởi vì chính Thiên Chúa đã lựa chọn cách quan hệ với Mẹ: Người chọn Mẹ, nâng đỡ Mẹ, hài lòng về Mẹ. Lời sứ thần nói với Mẹ “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà” (Lc 1:35) tương ứng cách lạ lùng với lời của ngôn sứ Isaia xưa kia: “Ta cho Thần Khí Ta ngự trên nó” (Is 42:1b).  Như thế, khi trả lời “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa” Mẹ đã đặt mình vào trong khuôn khổ của ân sủng và sứ mệnh sứ mệnh của người Tớ nữ, nhọc nhằn không kém sứ mệnh của Người Tôi Tớ đau khổ trong sách ngôn sứ Isaia. 
 
Mẹ ý thức rằng là người Tớ nữ bí ẩn, Mẹ được Thiên Chúa yêu thương, tuyển chọn trước và được đầy tràn Thánh Thần. Sự sủng ái này không chỉ dành cho riêng Mẹ, nhưng cho cả dân tộc của Mẹ. Vì thế, khi thưa “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa”, Mẹ phát biểu với danh nghĩa của cả dân tộc mình (dĩ nhiên không ai xứng đáng bằng Mẹ). Có thể tìm thấy trong sách ngôn sứ Isaia lời Thiên Chúa phán với Gia-cóp, trong tư cách của cả một dân tộc: “Nhưng phần ngươi, hỡi Ít-ra-en, tôi tớ của Ta, hỡi Gia-cóp, kẻ Ta tuyển chọn, dòng dõi Áp-ra-ham, bạn của Ta, Ta đã nắm chặt lấy ngươi, đưa ngươi về từ tận cùng cõi đất, kêu gọi ngươi từ những miền xa thẳm. Ta đã nói với ngươi: "Ngươi là tôi tớ Ta, Ta đã chọn ngươi, Ta đâu ruồng bỏ. Đừng sợ hãi: có Ta ở với ngươi” (Is 41:8-10).
 
Theo nhà chú giải Danieli, khi Mẹ nói “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa” thì những lời này rõ ràng nhắc ta nhớ đến lời ngôn sứ Isaia - liên quan đến “Người Tôi Tớ của Giavê”, tức Đấng Thiên Sai. Thực ra, nếu dịch cho sát câu nói của Isaia thì đúng ra ta phải viết “người Tôi Tớ nữ (người Tớ nữ) của Chúa”, thay vì “Tôi đây là Nữ tỳ…”.  Sự song đối này nói lên hai sự thật quan trọng: trước tiên, sự kết hiệp mật thiết giữa “Nữ tỳ của Chúa” với“ người Tôi Trung của Đức Chúa”; và thứ hai, “người Tôi Tớ đau khổ” cũng đứng trước những biến cố khổ đau, sẵn lòng hiến tế cho công cuộc cứu chuộc nhân loại (Is 53:2tt) như “người Nữ tỳ của Chúa”. Đức Trinh Nữ Maria, qua những lời trên, đã không dám nhận là mình góp phần vào công việc cứu chuộc. Mẹ khiêm tốn không dám liên kết với “Đấng đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm…” (Is 53:3-5).
 
Thiên sứ nói với Mẹ: “Mừng vui lên...Đức Chúa ở cùng bà.... Xin đừng sợ” (Lc 1:28-30). Mẹ đã mau mắn đáp lời, và lời đáp “Xin vâng” của Mẹ đã minh họa cách rõ nét, sự bắt đầu, sự tiếp tục, và đỉnh cao của cuộc sống người Kitô hữu. Tiếng“Xin vâng” bao gồm sự định hướng toàn bộ cuộc sống của Mẹ với Thiên Chúa và chấp nhận trước mọi lựa chọn của Chúa Kitô, từ Bêlem đến Núi Sọ. Nói cách khác, viễn tượng thập giá đã hàm chứa ngay trong biến cố Truyền tin.
Mời nghe tiếp bài XII.