Đức Maria Trong Tân Ước VIII


ĐỨC MARIA TRONG TÂN ƯỚC VIII
    ĐỨC MARIA VÀ “NGƯỜI BẠN TRĂM NĂM” THÁNH GIUSE


 

Các bạn thân mến,
Có thể quả quyết thánh Giuse là vị gia trưởng mẫu mực nhất cho mọi gia trưởng. Khi đón Đức Maria về nhà, ngài đã cứu mạng vợ mình vì tội “chửa hoang”, đồng thời tránh cho Chúa Giêsu khỏi mang tiếng “con hoang”; và như thế, ngài trở thành vị “đại ân nhân” cho Thánh Gia Thất. Ngài là vị thánh của lòng khiêm nhường và bác ái nên cũng là vị thánh đầy quyền năng trên thiên đàng (dĩ nhiên không ai có thể bì với Đấng Thánh Vô Nhiễm Nguyên Tội đã được tiền định từ thuở đời đời). Đó chính là lý do khiến Giáo Hội không ngừng ca tụng, tôn vinh “người bạn đường” của Đức Maria.Thánh Giuse đáng kính vì ngài có nhiều nhân đức xuất chúng. Ngài là một người cha sáng ngời trong đức tin, luôn nêu cao niềm phó thác cậy trông vào Thiên Chúa, và tận tình chăm lo cho Con Thiên Chúa và Mẹ của Người. Thánh Giuse làm chủ gia đình với tinh thần đầy trách nhiệm, và siêng năng cần cù lao động, trong làng quê nghèo Nagiarét. Ngài luôn tuân thủ lệnh truyền của Chúa cách triệt để, đến nỗi người ta cho rằng ngài ra như không hiểu, không biết, cũng không hỏi, nhưng một mực tin và làm theo lời Chúa, vì ngài chỉ được báo tin hay được đặt vào hoàn cảnh khi “mọi sự đã rồi”! Chẳng hạn lúc Thiên thần báo mộng “Đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần...”, thì hẳn là ngay lúc đó, thánh Giuse chưa hiểu được kế hoạch của Thiên Chúa, kể cả công việc của Chúa Thánh Thần.

Khi biết vợ mình mang thai, chắc chắn thánh Giuse đã phải thảng thốt. Càng nghĩ hẳn ngài càng sợ hãi. Sợ hãi vì đứng trước một trách nhiệm quá to lớn : rước vợ về để chăm sóc cho đến ngày sinh nở thì được, nhưng bảo trợ, nuôi nấng Con Thiên Chúa, Ðấng vô cùng cao sang, quyền uy, thì thử hỏi làm sao một người thợ mộc nghèo nàn như ngài lại xứng đáng với vinh dự này! Hai trọng trách đè nặng lên vai thánh Giuse một lúc, nên ngài toan tính rời bỏ vợ mình cách kín đáo, nhường chỗ lại và tránh ra để chính Chúa ra tay xếp đặt việc trọng đại này. Hiểu như thế thì việc thánh Giuse dự tính rời bỏ Maria cách kín đáo không phải là vì ngài đau khổ trước cái "tin sét đánh" về việc vợ mình mang thai trước, nhưng là một thái độ đức tin. Thánh Giuse tin rằng đây chính là việc Chúa làm và vì thế, tự rút lui để Chúa được rảnh tay thi hành chương trình của Người. Thế nhưng, một khi được sứ thần giải thích qua giấc mộng, thánh Giuse đã sẵn lòng đón nhận Con Thiên Chúa vào trong gia tộc của mình. Ngài tuân theo mà không chút nghi ngờ, cũng chẳng hỏi lại lấy một câu. Sau này nữa, khi được mộng báo đem con trẻ trốn sang Ai-cập, ngài đã tức tốc lên đường, không chút chần chừ, dù phải đi sang một nước xa lạ. Rồi khi được báo tin đem con trẻ trở về cũng vậy, ngài chỉ một mực thi hành.

Thánh Giuse quả là công chính hơn tất cả những người công chính - công chính được hiểu theo nghĩa của Abraham, tổ phụ các kẻ tin. Hẳn là ở nơi thánh Giuse, có một đức tin "thần thánh", một tâm hồn hết sức trong sáng, bình dị, hết lòng kính sợ Thiên Chúa, một trái tim độ luợng, một nhân cách khiêm tốn lạ lùng. Cả đời, ngài cặm cụi chăm lo làm lụng để nuôi nấng, phục vụ vợ con như là cách diễn tả đức tin sâu đậm của mình. Thánh Giuse đã sống một cuộc đời ẩn dật, thầm lặng khác thường, đến nỗi không một tác giả nào của bốn cuốn Tin Mừng ghi lại được lời phát ra từ miệng ngài.

Ngài đáng kính vì khiêm nhuờng và bác ái đến độ hoàn toàn thinh lặng. Ngày xưa ở Do Thái, người ta trọng nam khinh nữ, người cha hay người chồng mới làm chủ gia đình. Tuy vậy, khi tìm thấy Chúa sau ba ngày bị lạc, dù thật buồn phiền lo lắng, thánh Giuse vẫn im lặng, chỉ có Đức Maria lên tiếng. Hai nhân đức khiêm tốn và bác ái đúng là nhân đức mẹ của các nhân đức. Nhân đức khiêm tốn khó thực hành đến nỗi chúng ta không thể tự mình làm được.

Thánh Anthony Mary Claret ví von :
“Để một móng tay trên tấm ván, Tự nó có thể di chuyển xuyên sâu vào tấm ván cho dù nó sắc bén đến mấy không ? Không thể. Bạn chỉ làm cho nó xuyên sâu vào ván bằng cách dùng cái búa đập vào nó. Chúng ta cũng giống y như vậy, chỉ có cách bằng những nhát búa Thiên Chúa làm cho chúng ta trở nên khiêm tốn, bất luận bản chất tính khí chúng ta tốt lành cỡ nào.”

Các bạn thân mến,
Sống ơn gọi gia đình, người giáo dân chúng ta mới cảm nhận được việc sống ơn gọi độc thân vì nước trời của các linh mục, tu sĩ nam nữ là điều không dễ dàng tí nào. Việc thánh Giuse sống chung trong một nhà –dù trên nguyên tắc pháp lý là vợ chồng- với cô thôn nữ xinh đẹp, nhưng giữ mãi nhân đức trong sạch là điều làm cho nhiều người băn khoăn, nghi hoặc. Họ nghi ngờ, vì cho rằng đó là trong toàn bộ Thánh kinh. Ngài đúng là con nguời thầm lặng đến diệu kỳ. điều không thể làm được đối với bản tính tự nhiên của con người. Tuy nhiên, là người có đức tin, ta phải xác tín rằng với sức người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không có gì là không thể. Theo các nhà tâm lý học, con người có hai bản năng mạnh mẽ nhất là tôn giáo (religion) và tính dục (sex). Họ cho rằng khi bản năng tôn giáo thắng thế người ta có thể khống chế nhu cầu tính dục mặc dù không hoàn toàn dễ dàng. Vì thế, ta cũng có thể hiểu được là một khi lý do khi tôn giáo mất đi sự thu hút, trân trọng trong xã hội thì tính dục sẽ thắng thế, thống trị, và từ đó, tội lỗi lan tràn.

Theo tôi, sự thanh sạch nơi thánh cả Giuse còn khác thường và tuyệt vời hơn nhiều. Trong Tin mừng của mình, thánh Mat-thêu kể lại câu chuyện người đàn bà bị bệnh băng huyết đã 12 năm, chỉ lén đụng vào gấu áo Chúa Giêsu thì tức khắc được lành bệnh. Người đàn bà bịnh hoạn ấy chỉ đụng vào gấu áo tức thì sự ô uế kinh niên của bà biến mất; phương chi, ở đây, thánh Giuse đã trực tiếp ẵm bồng, chăm sóc, nuôi nấng và dạy dỗ Đấng Toàn Năng. Xưa kia vào thời Cựu Ước, Giô-suê, trong một lần đánh nhau với liên minh của năm vua người Ê-mô-ri, đã cầu xin Thiên Chúa cho mặt trời dừng lại, hầu quân Ít-ra-en có đủ thời gian tiêu diệt quân thù. Lạ lùng thay, mặt trời, mặt trăng lập tức dừng quay gần một ngày tròn. Ðúng là Thiên Chúa đã ban quyền năng xuống trước lời cầu xin của tôi tớ mình. Còn hơn cả Giô-suê, thánh Giuse không cầu xin với mặt trời trong vũ trụ, nhưng ngài lại thao diễn quyền hành của mình trên "Mặt Trời Công Chính" - Ðấng đã tạo thành mặt trời và muôn loài tinh tú. Như thế, ta có thể cùng với A. Wirth, mạnh dạn quả quyết : chính Thiên Chúa đã phải “phục tùng” và “đón nhận sự dạy dỗ” của thánh Giuse !
Mời nghe tiếp bài IX