Đức Maria Trong Cựu Ước Bài XVII


ĐỨC MARIA TRONG CỰU ƯỚC BÀI XVII
               HÌNH TƯỢNG ĐỨC MA-RI-A
II NHỮNG BIỂU TƯỢNG ĐẸP NHẤT VỀ MẸ 


 
2. Mẹ Maria, “Cửa Ngõ của Thiên Chúa” hay “Cổng Thiên Đàng” 
Các bạn thân mến,
Trước khi tìm hiểu biểu tượng Mẹ Maria, “Cổng Thiên Đàng”, thiết tưởng ta phải biết đôi điều về biểu tượng Mẹ Maria “Cổng Phía Đông Đền Thờ”, còn được gọi là “Cổng Vàng” hay “Khu Vườn Đóng Kín” - một biểu tượng tuy khá tối nghĩa và gây không ít thắc mắc, nhưng lại rất ý vị. 
 
Vì muốn nhấn mạnh vai trò của Mẹ Maria trong chương trình cứu độ và sự liên kết giữa Đức Kitô với Mẹ Maria - nơi Đức Kitô đã đi qua để gặp gỡ thụ tạo của mình, người ta đã triển khai biểu  tượng trên như hình ảnh tiên trưng trong Cựu Ước để chiêm niệm, suy ngắm mầu nhiệm Nhập Thể. Theo truyền thống Do Thái, Đấng Thiên Sai sẽ tiến vào Giêrusalem qua Cổng Phía Đông (đối diện núi Ôliu phía đông thành phố Giêrusalem cũ), căn cứ vào sách ngôn sứ Êdêkien: “Người ấy đưa tôi đi tới cổng, cổng quay về phía đông, và này, vinh quang của Thiên Chúa Ít-ra-en từ phía đông tiến vào. Bấy giờ có tiếng như tiếng nước lũ và đất rạng ngời vinh quang Đức Chúa. Thị kiến này giống như thị kiến tôi đã thấy khi Người đến để hủy diệt thành, đồng thời cũng giống như thị kiến tôi đã thấy bên sông Cơ-va. Bấy giờ, tôi sấp mặt xuống đất.Vinh quang Đức Chúa tiến vào Đền Thờ qua cổng quay về phía đông. Thần khí đưa tôi lên và dẫn tôi vào sân trong, và này vinh quang Đức Chúa tràn ngập Đền Thờ” (Êdêkien  chương 43 câu 1-5).
 
Người Kitô hữu cũng tưởng niệm ngày Chúa Giêsu tiến qua Cổng phía Đông vào Giêrusalem trong ngày Chúa Nhật Lễ Lá (Luca chương 19 câu 35-38) mà sách Tông Đồ Công Vụ gọi là “Cổng Đẹp” (chương 3  câu 2-10). Cổng này mang tên như thế không chỉ vì nó được trang hoàng lộng lẫy, nhưng còn vì – theo đạo lý Do Thái- đây là nơi “vinh quang Thiên Chúa” tiến vào Đền Thờ. Cổng này cũng sẽ là nơi diễn ra cuộc phán xét chung. Do đó, người Do Thái, người Kitô hữu và cả người Hồi Giáo đều có chung truyền thống chôn kẻ chết bên ngoài Cổng này kể từ khi có Đền Thờ đầu tiên. Người ta tin rằng khi Chúa đến, Người sẽ tiến vào cổng này, và những người đã chôn cất ở phía Đông sẽ có hy vọng được sống lại trước nhất. (xin ghi chú: cho đến nay có khoảng 150 ngàn người đã  được chôn ở đây, giá khoảng 50 đến 60 ngàn đô la một lô đất chôn). 
 
Trong Kinh Cầu Đức Bà (thường đọc trong tháng năm và tháng mười), có câu “Đức Bà như Hòm Bia Thiên Chúa vậy. Đức Bà như Cửa Thiên Đàng”. Điều này quả không sai vì Chính Bà là Cửa, mà qua đó Đức Kitô xuống thế làm người, cũng như  qua Bà mà chúng ta đến được với Đức Kitô. Mẹ chí thánh - là “Đấng trung gian”- trao Thiên Chúa cho chúng ta và trao chúng ta cho Thiên Chúa. Thánh Ambrôsiô thì cho rằng “Cổng vườn địa đàng bị đóng lại do Evà, nhưng nhờ Maria lại được mở ra”.
 
 Sách ngôn sứ Edêkien viết :“Người ấy dẫn tôi trở lại cổng ngoài thánh điện, cổng quay về phía đông. Bấy giờ cổng đóng. Đức Chúa phán với tôi: Cổng này sẽ đóng. Người ta sẽ không mở và không ai được vào, qua cổng này, vì Đức Chúa, Thiên Chúa Ít-ra-en, đã tiến vào qua cổng ấy. Vì thế cổng này đóng” (Êdêkien chương 44 câu1-2). 
 
Thánh Ambrôsiô còn triển khai thêm :“Bà đóng kín bởi vì bà là một trinh nữ. Bà là cửa cổng, bởi vì Đức Kitô đã tiến vào thế gian qua Bà… Cửa này quay mặt về hướng đông, bởi vì Bà sinh ra Con mình, Đấng lớn lên là mặt trời công chính”. Ngoài ra, nhiều giáo phụ khác cũng hoàn toàn đồng ý về biểu tượng “Cửa Thiên Đàng” và sự đồng trinh trọn đời của Mẹ Maria. Thí dụ thánh Giêrônimô, vào thế kỷ V, đã lên tiếng khi người ta chối bỏ sự trinh khiết của Đức Maria : “Cần nhấn mạnh đến sự hiểu biết về cửa đóng kín này, chỉ một mình Giavê Thiên Chúa của Ít-ra-en qua Cổng này…giống như Đức Trinh Nữ Maria, vẫn đồng trinh trước và sau khi sinh con. Thật ra, Bà luôn luôn là một Trinh Nữ, khi Thiên sứ Truyền Tin (Luca chương 1 câu 35) và khi Con Thiên Chúa được sinh ra”. 
 
Các bạn thân mến,
Nhà chú giải Kinh Thánh lừng danh Hesychius thành Giêrusalem vào thế kỷ V, khi giải thích biến cố Dâng Chúa Giêsu vào đền thờ đúng theo quy định của Luật Môsê "Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa" (Luca chương 2 câu 23), đã viết rằng : Đức Kitô “đúng là Nhà Lập Pháp đã kiện toàn và thực thi chính Điều Luật của mình một cách siêu việt : thực sự Người đã không mở, nhưng vẫn đóng kín Cửa trinh khiết, Người đã không đụng chạm đến sự nguyên tuyền tự nhiên, không làm tổn thương đến Mẹ Thiên Chúa, nhưng để nguyên vẹn danh dự trinh khiết cho Bà”.
 
Điều này cũng dễ hiểu, vì chúng ta phải tin rằng Thiên Chúa phải làm đủ mọi cách, thực hiện bất kỳ phép lạ nào để gìn giữ cái đẹp tinh tuyền thánh khiết cho Mẹ Người. “Cửa ngõ của Thiên Chúa”, “Cổng Thiên Đàng” phản ánh quyền năng tuyệt đối của và sự thành toàn cho kế hoạch từ ngàn xưa của Người. Chính qua “Cửa-Cổng” đó mà có sự Nhập Thể và cứu chuộc, cũng như nhân loại có thể tiến vào Thiên quốc. Các Giáo phụ trong nhiều thế kỷ cũng đã dùng hai đoạn văn Cựu Ước ám chỉ về Mẹ Maria : "Nơi này đáng sợ thay! Đây là nhà của Thiên Chúa, là Cửa trời, chứ không phải là gì khác." (Sáng thế chương 28 câu 17) và : “Đây là Cửa dẫn vào nơi Chúa ngự, chỉ những người công chính mới được qua” (Thánh vịnh 118 câu 20). 
 
Rõ ràng, biểu tượng “Cửa-Cổng” muốn ám chỉ vừa sự khiết trinh của Mẹ Maria để diễn tả mầu nhiệm Nhập Thể (thông qua phép lạ thụ thai trinh khiết và người Mẹ đồng trinh), vừa ám chỉ chính con người Mẹ Maria, là mầu nhiệm của ân sủng, và là “Cửa Thiên Đàng” thật, vì qua “Cửa” đó mà Đấng Cứu Thế đến với chúng ta, và nhân loại đến được với Thiên Chúa. Ngoài ra, ba điệp ca dùng trong Thánh Lễ ngoại lịch mừng kính “Đức Thánh Trinh Nữ Maria Cửa Thiên Đàng” cũng cho ta có một cái nhìn thần học rõ nét. Điệp ca thứ nhất cũng là điệp ca mở đầu, công bố : “Ôi ! Maria… Mẹ đem Thiên Chúa vào thế gian, Mẹ đã mở khóa cho chúng con cánh cửa Thiên Đàng”. Đìệp ca thứ hai, ám chỉ Mẹ là “Cổng  vườn Địa đàng” khi công bố Tin Mừng :” Đã đóng lại do tội của Evà, nhờ Mẹ lại được mở ra”. Điệp ca thứ ba, lúc Hiệp lễ :“Ôi Maria, Mẹ đầy ân phúc, Mẹ là cửa cổng lộng lẫy của ánh sáng: xuyên qua Mẹ, Đức Kitô, ánh sáng của thế gian đã đến, và tỏa sáng trên chúng con”.
 
 Tóm lại, qua các biểu tượng tuyệt đẹp ám chỉ Mẹ Maria trên đây, chúng ta thấy được rằng Thiên Chúa luôn cần Mẹ để thành toàn kế hoạch cứu độ đầy yêu thương và nhân hậu của mình -một kế hoạch vượt quá trí hiểu của con người-, cho dù bạn hay tôi có biết đến điều đó, có tin hay có cần đến Mẹ hay không ! Chúng ta có thể xác tín với nhau một cách chắc chắn rằng : qua Mẹ và nhờ Mẹ mà tất cả chúng ta có thể tiến vào Thiên Đàng, giống khi xưa, qua Mẹ và nhờ Mẹ mà Thiên Chúa đã đến gặp gỡ và sống với con người. Chính khi cảm nhận cách sâu xa Mẹ là “Cửa cổng Thiên Đàng” -cửa hay cổng: nên Mẹ không bao giờ giữ lại thứ gì cho riêng mình cả-, chúng ta còn nghiệm được sức “thu hút” kỳ lạ (của một kỳ công của Thiên Chúa), vô cùng thân thiết của “Cửa” này, chứ không chỉ thuần túy là một “Cửa cổng” vô tri, bất động.
Tạm biệt các bạn.