[Vui bước Tin Mừng] Dấu ấn ân sủng qua dòng thời gian



Nhà thờ giáo họ Đồng Nai Thượng nằm sâu giữa núi rừng và sông suối, ôm ấp một vùng rộng lớn bao la, và cả một quá khứ dày đặc, khi tất cả vẫn còn hoang dại: cái thuở mới chỉ có hai ba gia đình của bon Bu Jrah qua lại với các làng khác và được nghe biết về Thiên Chúa, nhưng “làm sao mà nghe nếu không có ai rao giảng” (Rm 10,14). Tìm đâu ra người dẫn đường chỉ lối giữa đại ngàn?


Mục Vui bước Tin Mừng là sự cộng tác giữa Vatican News Tiếng Việt và Uỷ ban Loan báo Tin Mừng của Hội đồng Giám mục Việt Nam với những chia sẻ kinh nghiệm sống động của những người đặt bước chân mình trên "cánh đồng".

Không phải đợi lâu, đúng vào thời gian này, bên cánh đồng Đăk Nông bắt đầu khai mở vụ mùa ngày 8/12/1993 và chính thức ấn định ngày lên đường là mồng 1/1/1994. Tại Bon Bù Jrah thuộc xã Đạo Nghĩa, có Bắp Nghé đã được đào tạo trước kia như thầy giảng và truyền giáo cùng với các anh chị em vừa theo học khóa giáo lý 8 ngày nhận lệnh lên đường tới Đăk Sinh.

Ngày đầu tiên, Bắp Nghé đã dẫn anh em qua Đăk Sinh tới cầu 7. Xe gắn máy đưa anh em tới đây rồi bỏ về, anh em trọ tại nhà Mẹ Trăk, cơm trưa xong, nghỉ ngơi rồi chia nhau thăm bà con ở rải rác trong rẫy.

Hôm sau anh em được Bắp và Mẹ Trắc dẫn qua nhà chị của Mẹ Trăk là Mẹ Jăk bên Bù Jrak, Đồng Nai Thượng. Phải đi bộ tới bờ sông, kết bè qua sông, rồi lại đi bộ thêm 2 tiếng nữa mới tới nơi, “lúc đó là giờ thứ mười”.

Sau cơm chiều, cả nhóm cùng gia đình họp nhau lại đọc kinh, có chú Lót và chú Ngooc và một số hộ chung quanh cũng tới dự, bắp Nghé đọc lời Chúa và giải thích những thắc mắc của bà con, hai cô gái cùng với hai anh trai cất kinh và hát dòn dã, sau đó tập cho bà con làm Dấu Thánh giá.

Thêm một đêm trên đường loan truyền Danh Thánh, sáng hôm sau, cả nhóm được dẫn đi thăm bà con sống rải rác trong rẫy, gặp mấy người bệnh, nhóm không có một viên thuốc, mà chỉ có lời cầu nhân danh Giê-su. Chiều về lại họp nhau cầu nguyện. Hôm sau nữa, thêm những làng mới mời tới, nhưng thật không may, Bắp Nghé bị cảm lạnh, thế là cả nhóm phải quay đầu trở về, một nửa ngày để tới được nhà Mẹ Trăk bên Cầu Bảy, rồi lại nghỉ đêm lại đây, để sáng hôm sau tiếp tục đi thăm vùng chung quanh, rồi phải lội bộ về nhà, chứ giai đoạn đó đâu đã có điện thoại di động để mà gọi người tới đón. Về tới được Bù Jrah nhà mình “10 giờ rưỡi khuya”, giờ của thợ săn.

Đêm nay, lời kinh của người được sai đi đưa tất cả vào giấc ngủ êm đềm:

“Vì con muốn làm men, muốn làm muối ướp cho cuộc đời, vì con muốn liều thân đem Tin Mừng đi khắp nơi”.

Bắp Nghé sẽ còn dẫn nhóm anh chị em trên đường trở lại hai lần nữa.

Lần thứ hai, số người xin trở lại đã hình thành được 4 tổ, và lần thứ ba thì Bắp Nghé chọn được 5 người là chú Lót, Bắp Khuất, anh Khui, anh  Khách và anh Sĩ, đứng ra phụ giúp đời sống đạo của bà con thuộc Bon Voi và Bon Bù Jrah, đồng thời lên chương trình để mỗi tháng, 5 anh em này qua bên nhà Bắp Nghé một tuần để học giáo lý, học kinh và tập hát.

Trong khi đó, hàng tuần Bắp Nghé cùng với 4 anh chị em vẫn tới Đăk Sinh và Cầu Bảy, và khi Cầu Bảy đã tương đối vững vàng thì lại cử người qua giúp bên Đồng Nai Thượng.

Vùng Đăk Nông từ năm 1975 cho tới nay không có nhà thờ, cũng không có linh mục hay tu sĩ. Thế nhưng trước đó, phải nói rằng khi rời bỏ vùng này, các cha thừa sai đã để lại một thế hệ “các giáo lý viên” có khả năng đứng ra dẫn dắt và giảng dạy trong các cộng đoàn bà con sắc tộc: Bắp Nghé là một trong số này, đảm nhận bon Bù Jrah, hàng tuần tập trung bà con đọc kinh cầu nguyện trong một gia đình. Các bon làng người Mạ có lợi thế là sẵn kinh và bài hát bằng tiếng K’ho, hơn nữa người Mạ vùng này cũng sẵn lòng đạo hạnh, từ Bù Jrah tới bon Phi-Nao có bắp Đức; Cầu Gãy và Đăk-Nia có Y Krông và Y Tar; Đăk Hà có Bắp Joi, Quảng Sơn có Bắp Mông… Tất cả đều một lòng tín trung và giữ cho lòng đạo của bà con được nguyên vẹn.

Trở lại với Bù Jrah, giờ kinh hàng đêm được đọc tại nhà của Già Làng. Khi từng người bước vào để cất tiếng nguyện cầu, ngôi nhà bỗng trở thành linh thiêng. Thì ra chốn linh thiêng diễn ra từ lòng của từng con người chứ ngoại cảnh không mấy quan trọng. Thật tuyệt vời vì Thiên Chúa hằng đêm thấm thía nỗi lòng của từng con người, vâng, chính tại nơi đây, Thiên Chúa vui thích ở với dân Người.

Năm anh em hàng tháng qua học, các anh được rèn luyện về lòng đạo, với tâm tình sốt mến: Băp Nghé dạy giáo lý, chị Kê dạy đọc kinh, Chị Pưt tập hát, đêm đêm tham dự giờ kinh. Cứ thế, các anh được dẫn vào chính cung lòng Thiên Chúa, đấng yêu thương thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một, và người Con ấy, Đức Giê-su Ki-tô trong phận người hôm nay, đã bước vào cuộc đời của mỗi con người, có mặt trong cuộc sống từng nhà.

Về lại làng, các anh dẫn dắt bà con theo những gì đã học và đã sống. Vui lắm! Những con người bao đời như mất hút giữa đại ngàn, đêm tới chẳng biết làm gì, điện không có, thì chỉ còn biết lo ngủ sớm; nay hàng đêm lại họp nhau, cùng nhau tập hát, chuyện trò, tiếp theo là giờ kinh tràn đầy niềm tin yêu hy vọng.

Năm 2001, bà con dắt dìu nhau tìm về dòng suối thanh tẩy, phải đi hai ngày đêm, vượt qua ba cánh rừng mới tới được nhà thờ Đạ Tẻh. Trước những con người đến từ miền đất lạ, cha xứ vui mừng giúp bà con hiểu thêm giáo lý. Và cuối cùng, gần 50 gia đình, những gia đình đầu tiên của Đồng Nai Thượng, đã được lãnh nhận các bí tích khai tâm Ki-tô giáo, vĩnh viễn thuộc về đại gia đình dân Thiên Chúa.

Cả giáo đường vang khúc hoan ca: Hôm nay là ngày Thiên Chúa dựng nên… hôm nay đáng ghi muôn đời, hôm nay Chúa thương dân Người, hôm nay Chúa đem dân của Người lên núi thánh của tình yêu và sự sống.

Đaminh Trần Văn Tân, SJ.
Nguồn: 
https://www.vaticannews.va/