Làm lại cuộc đời - Kừu Kumi - CĐ Học viện Sài Gòn, MRP
Từng đoàn xe cảnh sát hú còi inh ỏi chạy vội vào xóm đạo. Cánh cổng nhà em mở toang, cảnh sát ùa vào vội vã… chẳng mấy chốc căn phòng đầy ắp những chiến sĩ trong bộ đồng phục màu xanh lá. Căn nhà em chưa bao giờ phải tiếp đón “những vị khách không mời mà đến” như thế. Nhanh như chớp, những chiến sĩ cảnh sát bắt tay vào công việc: Một vị vội còng tay em, một người đọc lệnh truy nã trước sự ngơ ngác của các thành viên trong gia đình. Không ai tin nổi được điều mình đang nghe, đang thấy: “Anh Phạm Nguyên Vũ, sinh năm 2001 bị bắt vì tội buôn bán chất ma túy”.
Trời! Ai cũng ngỡ ngàng quá đỗi, ánh mắt của ông bà, cha mẹ và cậu em nhìn người cháu, người con, người anh Hai trong gia đình. Từng dòng nước mắt bắt đầu tuôn rơi, từ bị cáo trẻ, người mẹ, người cha, ông bà, cậu em, hàng xóm chạy vội qua... Tất cả, chỉ trừ những người thi hành công vụ. Người cha chỉ vội lấy cho con cái khăn mặt trước khi bị áp giải. Người con bước đi vội vã để lại trong lòng những người ở lại một sự trống vắng, nhớ nhung, tan nát cõi lòng và cả sự ân hận vì đã không quan tâm và thiếu đồng hành để nhận ra con đã làm gì những ngày tháng qua đến nỗi xảy ra cớ sự này vào những ngày cận kề Tết …
Những gì gia đình đã trang trí và chuẩn bị đón Tết, giờ còn ý nghĩa gì!… Nếu không muốn nói đó là cớ để cứ mỗi lần nhìn vào đó, cha mẹ và mọi người trong gia đình cảm thấy đôi mắt đo đỏ, ươn ướt và lòng đau như thắt. Những ngày tiếp theo đó, không ai còn tinh thần để nói chuyện. Chuông nhà thờ vẫn đổ, thánh lễ vẫn có những con chiên ngoan đạo trong gia đình này tham dự nhưng sao lòng ai cũng trĩu nặng khó tả! Lễ xong, chẳng ai bảo ai chỉ thấy trong nhà thờ, Nhà Chầu, Đài Đức Mẹ, Thánh Giuse và Thánh Antôn được bao quanh bởi những người thân của em đến thầm thĩ khấn xin hồi lâu! Có lẽ, ai cũng xác tín rằng chỉ có Chúa và các Đấng mới an ủi và giải gỡ khó khăn mà gia đình họ đang phải gặp phải lúc này.
Một tuần vắng con cứ ngỡ dài cả mấy năm! Cuối cùng, em cũng được gọi điện về nhà. Giọng em nghẹn lại:
- Alo,… Mẹ ơi, con đây.
- Con… hả? Con… khỏe… không? Từng lời Mẹ thốt ra cũng thật khó khăn.
- Con… xin… lỗi ba mẹ!!!. Hôm nay, cán bộ cho con mượn điện thoại gọi một xíu… Mẹ ơi, Mẹ mua cho con ít đồ với được không ạ?
- Con cần gì? Khi nào thì mẹ thăm con được? Thăm ở đâu? Con cần gì cứ nói mẹ nghe?
Đang nói tới đó thì điện thoại tắt đột ngột. Mẹ liền gọi lại, tưởng rằng phía đầu dây bên kia hết tiền… nhưng nào ngờ, cán bộ chỉ cho gọi có chừng ấy giây. Muốn gọi thì gia đình phải gọi lại. Đấy là “luật”!
Thật, có phải em là người đầu tiên đi trại đâu, trước em cũng có nhiều người trong xứ bị bắt nhốt trong đó với ngàn lẻ một lý do: nào đánh bạc có tổ chức, nào buôn bán ma túy, nào phá rừng phòng hộ, nào cố ý gây thương tích… Ba mẹ nghe người ta kể lại mỗi khi thăm nuôi thì phải có “thủ tục đầu tiên” là gởi phong bì cho cán bộ, rồi chỉ được thăm nuôi hai tuần một lần, mỗi lần mười lăm phút với cái giá một ngày công… Đau lòng nhất vẫn là con mình chỉ nhận được một phần năm trong số lương thực được gửi vào đã là may!… Bây giờ, đến lượt con mình trong cảnh ngộ đó, sao chị thấy nghẹn ngào và đau lòng quá đỗi!
Sau lần gặp mẹ đầu tiên này, em lại thấy mắt mình cay sè, em hồi tưởng lại những ngày tháng trước, khi em còn là một lễ sinh ngoan hiền, sớm hôm phục vụ bàn thánh. Em cũng có cha mẹ như bao nhiêu trẻ khác và cả ông bà nội là những người sống đạo gương mẫu trong giáo xứ. Nhà em lại gần nhà thờ, đi bộ vài phút là đến nên nhiều người biết em lắm. Sự tự hào vì được ở gần nhà thờ ngày xưa bao nhiêu thì bây giờ sao em lại thấy xấu hổ cho mình và thương gia đình bấy nhiêu. Em hình dung ra những gì gia đình đang phải đối mặt mà trong lòng thấy ray rứt không nguôi.
Nhắm mắt, hít một hơi thật sâu, em thấy mình như sống chậm lại, từng ngày lạnh lùng nơi nhà giam, em hối hận, hối hận và lại hối tiếc!
Chơi với bạn bè xấu, yếu đuối có và tò mò cũng có … đã làm tan nát những giấc mộng lành trong em.
Cuối cùng điều em lo ngại nhất cũng đến, sau hai tháng kể từ ngày em bị bắt, người ta tổ chức phiên tòa xét xử tại Ủy Ban Xã, sát vách nhà thờ. Ôi thôi, em cùng với đồng phạm là chẳng xa lạ gì với ba mẹ em. Tòa đang xử thì tiếng chuông nhà thờ đổ. Lúc này em cúi mặt và khóc tức tưởi như thể xin lỗi Chúa và xin lỗi mọi người. Bản án năm năm là một hình phạt khá nghiêm khắc khi em vừa tròn 18 tuổi.
Em vẫn nhớ như in những ngày trong trại, em thấy nó thật trống vắng, tối đen, hôi hám… từng hồi trằn trọc trở mình, tiếng thở dài đằng đẳng… Không ít lần em giật mình thức giấc với chiếc bụng đói meo, nhớ lại bao kỷ niệm xum vầy trong gia đình… và không ít lần em tưởng rằng: đây chỉ là giấc mộng!
Có một lần được thăm nuôi, em mới thú nhận với mẹ: ban đầu em bị bạn bè rủ rê thử hút thuốc lá, rồi dần dần nâng cao cấp độ với thuốc “xịn” hơn. Khi đã trở thành nghiện ngập, em bị bạn bè ép bán thuốc. Với những lần đầu trót lọt, em nhận được 500 ngàn. Được đâu hai lần thì em bị bắt. Chỉ mấy tép trong tay, em đã phải trả giá bằng tuổi thanh xuân trong hàng song sắt. Cùng với sự hối tiếc đó, em lên quyết tâm cải tạo thật tốt để sớm trở về làm lại cuộc đời và phụng dưỡng cha mẹ. Chưa bao giờ em thương ba mẹ như lúc này, dù ở trong khung sắt, nhưng em cũng đã biết chuyện ba mẹ phải cố gắng xoay sở “chạy án” để em được giảm án một năm!
Khuôn mặt em khá xinh xắn, đôi mắt sáng, tính tình nhanh nhẹn nên rất có thiện cảm của mọi người. Em cải tạo tốt nên được khoan hồng thêm nửa năm! Biết tin này, ai cũng mừng cho em. Ngày em ra trại, cả gia đình đi đón em. Thật khó tả tâm trạng em lúc này! Buồn vui lẫn lộn, nhất là sự xấu hổ với mẹ cha, với người thân. Em vẫn nhớ như in, đó là một ngày hè đầu tháng Bảy.
Trở lại với cuộc sống, em giã từ góc khuất cũ của cuộc đời, em không còn lơ mơ bay bổng như ngày nào: mắt em thôi lờ đờ, tiếng ngáp dài đan lẫn những cơn nghiện lên cũng không còn… Em bây giờ mới nhận ra mình đã được Chúa và gia đình tha thứ sau bí tích hòa giải em lãnh sáng nay. Chưa bao giờ, tâm hồn em cảm thấy nhẹ nhõm và có nội lực đến vậy! Em cũng nói với ba mẹ kế hoạch sắp tới, em muốn thực hành những nghề mà em đã được học hỏi và thực tập trong đó.
Ngày ngày chăm chỉ theo ba mẹ ra rẫy, dáng người nhỏ nhắn và gầy của em làm ba mẹ thương lắm, ai cũng nhận ra nhu cầu muốn giúp đỡ và chuộc lỗi của em. Em còn theo cậu làm cơ khí, chăm chỉ lao động và tận tình giúp đỡ mọi người. Tết này cả nhà em vui lắm, vui nhất vẫn là cảnh gia đình đoàn viên, cả nhà chơi hội chợ mỗi đêm trên nhà thờ.
Nhìn em, tôi khám phá lòng thương xót của Chúa đối với tất cả mọi người, không trừ ai. Tôi tin tất cả những ai cậy trông và hy vọng vào Chúa sẽ không phải thất vọng. Đặc biệt vì Đức Thánh Cha đã mở cửa Năm thánh Hy vọng nơi một nhà tù, tôi tin em cũng đã bước vào một cuộc đời mới với bước chân của người lữ hành hy vọng.
Kừu Kumi - CĐ Học viện Sài Gòn, MRP