Chúa Sẽ Lo Mọi Sự
Tôi nhớ đến đoạn sách Sáng thế chương 22 mà tôi vừa cầu nguyện buổi chiều hôm đó. Hình ảnh người cha Abraham đưa người con một của mình là Isaac lên núi để hiến tế theo lời yêu cầu của Chúa. Một cuộc hành trình im lặng leo núi, người cha không nói gì, chỉ có tiếng người con Isaac hỏi: “Cha, có lừa, có củi đây, còn chiên để làm lễ toàn thiêu đâu?” Người cha Abraham đáp: “Chiên làm lễ toàn thiêu, chính Thiên Chúa sẽ liệu, con ạ”. Không khí và mọi sự nặng trĩu. Không phải nặng vì gánh củi, mà nặng vì gánh yêu thương, thứ tình yêu đòi hỏi phải trả giá!
Tôi nhận ra mình chính là Isaac. Tôi không hiểu hết con đường mình đi. Nhưng tôi được mời gọi để tin tưởng đặt trọn đời mình trong bàn tay yêu thương của Chúa, để chấp nhận rằng có những lúc, tình yêu của Thiên Chúa vượt quá khả năng trí hiểu của tôi.
Và tôi cũng nhận ra mình là Abraham. Người cha phải bước đi trong bóng tối, dù trong lòng gào thét. Có những lần tôi đã đặt Chúa lên bàn thờ lý trí của mình, đòi hỏi Chúa phải hợp lý, phải theo điều tôi hiểu. Nhưng hôm nay, tôi nhận ra: đức tin không phải là hiểu, mà là dâng hiến. Trong thinh lặng, tôi thầm thì với Chúa: “Lạy Chúa, xin cho con đừng giữ lại cho mình một “Isaac” nào mà con chưa muốn trao dâng cho Chúa.”
Mỗi lần rước Thánh Thể Chúa, Chúa ngự vào lòng tôi, chạm vào mọi ngóc ngách trong con người tôi. Chúa sống động trong tôi, mời gọi tôi dâng hiến tất cả cho Chúa. Như người cha Abraham, tôi được mời lên núi, ngọn núi của đức tin, của từ bỏ, của tín thác tuyệt đối. Trên núi đó, tôi không chỉ gặp chính mình, mà tôi gặp được Chúa Giêsu Kitô, Con Chiên hiến tế để chuộc tội cho nhân loại. Tưởng rằng tôi sẽ dâng lên Chúa nhiều thứ, nhưng không, lễ dâng chính Thiên Chúa đã liệu, là Người Con duy nhất được hiến tế trên bàn thờ mỗi ngày cho tôi rước Người vào lòng, được tham dự vào sự sống thần linh của Chúa. Thiên Chúa xuống thế làm người, mặc lấy xác phàm, trở nên nô lệ và thấp hơn nữa là trở nên con chiên để sát tế. Cuộc đời tôi phải cúi xuống từ từ khi tháp nhập đời mình với Thiên Chúa. Tôi có dám để người khác ăn uống cuộc đời của tôi như Chúa Giêsu không? Tôi nhận ra mình chỉ cần tham dự vào còn mọi sự Chúa sẽ làm. Chúa chỉ cần tôi buông lỏng đời mình để Chúa uốn nắn tôi thành người như ý Chúa muốn.
Tôi tạ ơn Chúa đã cho tôi cảm nhận được một dòng chảy vô hình của sự hiệp thông trong Giáo hội. Tôi không cầu nguyện một mình nhưng quanh tôi luôn có chị, có em đang cầu nguyện. Có biết bao tâm hồn đang chầu, đang khấn, đang đau khổ, đang hy sinh. Tôi được đỡ nâng bởi Hội Thánh Chúa, những người đã khuất, những vị thánh âm thầm, và cả những người đang bước đi bên tôi. Đây là sự hiệp thông trong Hội thánh, một thực tại sống động giúp tôi nhận ra mình thật hạnh phúc. Chúa luôn lo liệu cho tôi mọi sự. Khi nhìn lại hành trình ơn gọi của tôi, tôi không thể không cất lên lời tạ ơn vì tình yêu và sự quan phòng kỳ diệu của Chúa dành cho tôi. Từ những ngày đầu chập chững bước theo tiếng gọi thiêng liêng, tôi mang trong lòng biết bao lo âu, sợ hãi và cả những nghi ngờ về chính mình. Tôi tự hỏi: “Liệu tôi có đủ sức, đủ can đảm để theo Chúa trọn đời? Liệu tôi có thể từ bỏ mọi sự để chỉ sống cho Chúa và tha nhân?”
Thế nhưng, càng bước đi, tôi càng nhận ra: Chúa đã, đang và sẽ lo liệu cho tôi tất cả. Chúa không đòi hỏi tôi phải hoàn hảo, mà chỉ cần tôi phó thác đời mình cho Chúa. Tôi nhớ những lúc tưởng chừng không còn đủ sức để tiếp tục, thì chính Chúa đã nâng đỡ tôi qua lời cầu nguyện, qua ánh mắt cảm thông của những người chị em, qua sự quan tâm âm thầm của bề trên, hay qua một lời Kinh Thánh vang lên thật đúng lúc.
Chúa đã dạy tôi biết sống đơn sơ, biết đặt trọn niềm tin vào sự quan phòng của Chúa. Không có điều gì là nhỏ bé mà Chúa không chăm sóc. Từ chỗ ăn, chỗ ngủ, công việc hằng ngày, cho đến những điều thầm kín trong tâm hồn tôi, Chúa đều lo liệu cách yêu thương và dịu dàng. Tôi cảm nghiệm sâu sắc rằng: ai đã chọn Chúa là phần gia nghiệp, người đó sẽ không thiếu chi.
Giữa đời sống tu trì, với những hy sinh, từ bỏ và cám dỗ không ngừng, tôi vẫn thấy lòng mình an bình, vì tôi biết Chúa có đó, luôn đồng hành và không để tôi lẻ loi. Qua việc phục vụ tha nhân, đặc biệt những người bé mọn, tôi cảm nhận được niềm vui sâu xa, một niềm vui không đến từ thành công hay tiếng khen, mà từ việc tôi được trở nên khí cụ trong tay Chúa. Tôi thầm dâng lời cầu nguyện lên Chúa: “Lạy Chúa, con chỉ biết cúi đầu tạ ơn. Con muốn sống tâm tình biết ơn mỗi ngày, biết ơn vì ơn gọi dâng hiến, vì từng người con gặp, từng công việc con làm, từng giây phút con sống. Con tạ ơn Chúa vì qua những khó khăn thử thách, con đã nhận ra đó là cơ hội để con lớn lên trong đức tin và tình yêu dành cho Chúa. Lạy Chúa, trước sự thinh lặng đầy yêu thương của Chúa. Con không hiểu hết những điều Chúa làm, nhưng hôm nay, con học được cách để tin. Xin ban cho con một đức tin đủ mạnh để bước đi, cả khi không thấy đường, biết dâng, cả khi tim con muốn giữ lại. Xin dạy con đặt mọi “Isaac” của đời con lên hy tế của Chúa, để Chúa thánh hóa, để Chúa làm mới, và để con được tự do trong chính tình yêu của Chúa. Xin cho con sống Thánh Thể mỗi ngày, nghĩa là sống hiến trao đời mình cách quảng đại không tính toán. Xin cho con biết gắn bó với Hội Thánh, biết sống mầu nhiệm hiệp thông, để con không cô đơn trên hành trình đức tin, và để cuộc đời con cũng trở nên tấm bánh bẻ ra cho anh chị em trên đường lữ hành hy vọng tiến về Quê Trời. Trên núi, Chúa đã liệu. Giờ đây, giữa thung lũng đời thường, con tin Chúa vẫn đang lo liệu cho con từng ngày.”
Mong sao sau những ngày tĩnh tâm, tôi quyết tâm sống tốt hơn mỗi ngày, trung thành hơn trong cầu nguyện, nhiệt thành hơn trong phục vụ, và khiêm nhường hơn trong mọi tương quan. Xin Chúa cho đời tôi trở thành lời ca tạ ơn không ngừng, để mọi người nhận ra tình yêu của Chúa là thật, là sống động và đầy ắp trong cuộc đời những ai biết cậy trông nơi Chúa. Ước mong sau những ngày tĩnh tâm, dù là xuống núi, nhưng tôi mang trong con tim ánh sáng của Tình Yêu Chúa bị đóng đinh vì tôi và là lễ dâng cho tôi mỗi ngày; mang trong mình niềm hy vọng tràn đầy để tôi cũng dám bẻ tấm bánh đời mình cho những ai đang cần đến qua đời sống yêu thương phục vụ của tôi.
MKY, MRP