Bài giảng tĩnh tâm mừng bổn mạng lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương - Lm. JB. Nguyễn Quốc Hưng
16/08/2024
335
SỐNG TÌNH GIA ĐÌNH THEO GƯƠNG ĐỨC MẸ
Năm ngoái, chúng ta đã cùng nhau suy niệm hình ảnh Đức Mẹ trong Tin mừng theo thánh Gioan. Đoạn văn mà chúng ta đã cùng nhau suy niệm là trình thuật Chúa làm dấu lạ hóa nước thành rượu tại tiệc cưới ở Cana (2,1-12). Trong giờ tĩnh tâm hôm nay, theo gợi ý của sr Tổng Phụ trách, chúng ta sẽ suy niệm hình ảnh Đức Mẹ dưới chân thập giá ở đồi Golgôtha. Đề tài mà chúng ta cùng nhau suy nghĩ là sống tình gia đình trong Cộng đoàn theo gương Mẹ Maria.
Trong giờ chia sẻ này, chúng ta chủ yếu phân tích và gợi lên vai trò và những thái độ đức tin của Đức Mẹ. Từ đó, mỗi người chúng ta có thể tự rút ra những sứ điệp, những lời mời gọi của Chúa đối với chính mình, trong hoàn cảnh sống của riêng mình.
Nhưng trước hết, chúng ta cần suy nghĩa về ý nghĩa của biến cố.
1. Một biến cố tạo dựng gia đình
Như chúng ta vừa nghe, trước khi từ giã cõi đời, Chúa Giêsu từ trên thập giá, nói với Đức Mẹ rằng: « Thưa bà, đây là con của bà », rồi Người nói với người môn đệ Chúa yêu : « Đây là mẹ của con » (Jn 19,25-27). Những lời Chúa nói với Đức Mẹ và người môn đệ Chúa yêu không chỉ đơn thuần biểu lộ tấm lòng hiếu thảo của một người con, lo lắng cho tương lai và hạnh phúc của Mẹ bằng cách bảo đảm cho Mẹ có người con thay thế mình để bảo vệ và chăm sóc Mẹ trong cuộc sống sau khi mình từ giã cõi đời.
Bằng những lời này, Chúa Giêsu thiết lập gia đình mới của Người, trong đó người môn đệ Chúa yêu, khi trở thành con của Đức Mẹ, thì trở thành anh em của Chúa Giêsu, và như thế, trở thành con của Thiên Chúa. Đây là điều mà Lời Tựa của tin mừng đã loan báo: “những ai đón nhận Người… thì người ban cho họ quyền trở nên con cái của Thiên Chúa.” (1,12). Toàn bộ cuộc sống của Chúa Giêsu là sự dấn thân thực hiện công trình tạo dựng gia đình này.
Mặt khác, Đức Mẹ và người môn đệ Chúa yêu là hình ảnh thu nhỏ của cộng đoàn Hội thánh mà Chúa thiết lập để tiếp tục sứ mạng của Người: đó là quy tụ tất cả con cái của Thiên Chúa đang tản mạc khắp nơi về một mối, để họ nên một với nhau trong gia đình của TC, có Chúa là Cha, và tất cả là anh em.
Đây là sứ mạng căn bản của người môn đệ. Chúa kêu gọi các tông đồ cũng để các ngài góp phần mở rộng gia đình của Thiên Chúa, trong đó mối liên hệ anh em thiêng liêng vượt trên tình anh em huyết nhục. Theo các sách Tin mừng Nhất Lãm, các môn đệ từ bỏ nhà cửa, gia đình, ruộng đất mà đi theo Chúa để Chúa biến đổi họ thành những kẻ chài lưới người, tức là quy tụ và kết nối mọi người trong tình yêu của Chúa Giêsu, để họ cũng thuộc về gia đình của Thiên Chúa.
Vì thế, xây dựng tình huynh đệ quan trọng không chỉ vì nó cần thiết cho sự bình an và hạnh phúc của mỗi người chúng ta, trong gia đình, trong cộng đoàn hay trong một dân tộc, mà còn vì công việc này là một khía cạnh căn bản của đời sống đức tin, một hành động nói lên rằng chúng ta thuộc về Chúa Giêsu, bởi chính để làm cho tình huynh đệ trong Thiên Chúa được lên ngôi trong cộng đoàn nhân loại mà Chúa Giêsu đến thế gian và chấp nhận cái giá phải trả là chính mạng sống của Người.
Sống huynh đệ trong tinh thần của Chúa là khả năng đầu tiên và nền tảng nhất mà Chúa chờ đợi mỗi người chúng ta thể hiện trong cuộc sống hằng ngày. Nếu không có khả năng này thì mọi khả năng khác chẳng có ý nghĩa gì. Cho nên, chúng ta được mời gọi nhìn lại cuộc sống và cách thế hiện diện của mình trong tương quan với người khác. Tình huynh đệ phải được đặt lên trên mọi giá trị khác. Điều này giúp chúng ta khoan dung quảng đại hơn khi người khác làm công việc không được như mình mong muốn.
Chúng ta được mời gọi làm chứng, nhưng chứng từ đầu tiên không phải là địa vị cao thấp, hay nhờ công việc này kia, nhưng là phẩm chất của đời sống. phẩm chất này không tùy thuộc vào số lượng công việc, cũng không tùy thuộc vào công việc lớn hay nhỏ, nhưng tùy vào trái tim, vào tình yêu của chúng ta…
2. Kiến tạo gia đình của Thiên Chúa theo gương Mẹ Maria
Trong việc thiết lập gia đình của Thiên Chúa, vai trò khởi xướng luôn thuộc về Chúa Giêsu. Tin mừng trình bày sự kiện này khi nói rằng chính Chúa thấy Đức Mẹ và người môn đệ Chúa yêu đứng gần, chứ không nói rằng Đức Mẹ thấy Chúa, và chính Chúa lên tiếng hành động. Chúa công bố sự khai sinh gia đình Thiên Chúa giữa lòng nhân loại, và điều Ngài công bố thành sự ngay lập tức.
Nhưng Đức Mẹ là người góp phần quan trọng trong công trình này. Mẹ xuất hiện như một tín hữu đặc biệt mà Chúa yêu thương và giao phó sứ mạng bảo đảm mối tương quan anh em giữa Chúa Giêsu và người môn đệ và giữa các môn đệ với nhau. Mỗi người chúng ta cũng được Chúa tin tưởng và trao phó sứ mạng làm cho gia đình tình yêu của Thiên Chúa được mở rộng qua chứng tư của chúng ta trong Cộng đoàn theo gương Mẹ Maria. Đức Mẹ là mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta trong việc sống lời mời gọi của Thiên Chúa: xây dựng Cộng đoàn của mình sao cho nó thực sự là gia đình của Thiên Chúa, gia đình của tình huynh đệ trong Chúa Giêsu. Vậy chúng ta học được nơi Mẹ những thái độ quan trọng nào? Mẹ góp phần như thế nào trong việc tạo sinh gia đình của TC? Ngài góp phần bằng cách nào?
2.1. “Đứng gần thập giá”
Điều đầu tiên mà Tin mừng cho phép chúng ta ghi nhận, đó là Đức Mẹ có mặt ở đó dưới chân thập giá, và có mặt với tư cách là Mẹ của Chúa Giêsu: “mẹ của Người”. Như chúng ta đã phân tích năm ngoái, Đức Mẹ trong Tin mừng Gioan không bao giờ được gọi bằng tên riêng, mà chỉ được xác định bằng kiểu nói nhấn mạnh mối tương quan của Mẹ với Chúa Giêsu. Ngài luôn có mặt trong tư cách một người thuộc về Đức Giêsu, có mặt đó để làm rạng danh Giêsu chứ không phải làm rạng danh mình. Chúng ta thuộc về Đức Giêsu hay thuộc về thế gian? Chúa là ai trong suy nghĩ, chọn lựa và quyết định của chúng ta?
Người tường thuật miêu tả sự hiện diện của Đức Mẹ dưới chân thập giá mà không cho biết bằng cách nào Đức Mẹ đến đó. Điều Tin mừng bận tâm, đó là Mẹ có mặt ở đó với Chúa đúng vào lúc Chúa thiết lập gia đình mới, trong một hoàn cảnh rất khó khăn. Cách trình bày câu chuyện như thế cho phép chúng ta thấy Đức Mẹ trung tín gắn bó với Chúa bất chấp nghịch cảnh, và sẵn sàng để Chúa sử dụng mình như khí cụ kiến tạo gia đình mới của Chúa. Đức Mẹ không chọn nơi chốn bình an có sẵn. Ngài chọn Chúa Giêsu, sẵn sàng có mặt ở nơi đâu Chúa cần, để góp phần thiết lập những mối tương quan Giao ước trong tình yêu.
Trong cảnh tượng dưới chân thập giá, Đức mẹ chẳng nói lời nào, cũng chẳng làm gì ngoài việc có mặt, lắng nghe và thi hành mệnh lệnh của Chúa. Điều được nhấn mạnh là tư thế hiện diện của Đức Mẹ trong đức tin, trong tương quan với Chúa và bên cạnh những tín hữu khác. Điều này mời gọi mỗi người chúng ta lưu ý đến cách thế hiện diện của chúng ta giữa cộng đoàn. Làm sao để sự hiện diện của chúng ta là một sự hiện diện chất lượng. Chất lượng này không tùy thuộc trước hết vào khả năng làm công này chuyện kia, nhưng tùy vào thái độ và tâm tình của chúng ta.
Phẩm chất sự hiện diện của Đức Mẹ được xác định bởi hành động “đứng gần”. Trước hết là gần thập giá Chúa Giêsu. Đây là sự gần gũi không chỉ trên bình diện không gian, mà còn là sự gần gũi trong đức tin. Đó là sự gần gũi diễn tả sự liên kết thẳm sâu trong tình yêu với Chúa và thuộc trọn về Chúa, hiệp thông và nên một trong tinh thần với Chúa, Đấng đón nhận cái chết trong tâm tình hiền lành và nhân hậu thẳm sâu.
Sự gắn bó hiệp thông với Chúa Giêsu ảnh hưởng đến thái độ của Đức Mẹ đối với kẻ làm điều ác. Đối diện với những kẻ đóng đinh và nhục mạ Con mình, Đức Mẹ không tỏ ra cay cú, oán giận, hay nổi giận, không phải vì Đức Mẹ vô cảm, nhưng vì có sự hiệp thông sâu xa trong tâm hồn và ý chí giữa Đức Mẹ và Chúa Giêsu. Đức Mẹ nhìn mọi thứ bằng con mắt đức tin. Mẹ chấp nhận mọi sự với tinh thần tha thứ như Con của Mẹ. Thái độ của Đức Mẹ dạy chúng ta biết chấp nhận đau khổ mỗi ngày với tinh thần đức tin đích thực.
Đứng gần thập giá của Chúa Giêsu, Mẹ cũng đứng gần những người khác trong cộng đoàn: đó là Maria em họ của Mẹ, Maria vợ ông Clêôpas, và Maria Magđala. Họ khác nhau về tên gọi, về nguồn gốc gia đình: có người là họ hàng với Mẹ và có những người không có liên hệ họ hàng gì cả. Sự gần gũi của Mẹ với họ là sự gần gũi trong đức tin, vượt lên trên mối liên hệ huyết nhục. Cộng đoàn này là hình ảnh của gia đình Thiên Chúa, của Cộng đoàn Hội Thánh mở ra với mọi dân tộc, bao gồm những con người khác biệt, nhưng hiệp nhất với nhau trong niềm tin vào Chúa Giêsu.
Hình ảnh Đức Mẹ mời gọi chúng ta vượt lên trên cảm tính tự nhiên, để có thể sống với mọi người trong tình gia đình, gần gũi và đón nhận, bất kể người đó cùng quan điểm với mình hay không.
Cộng đoàn của Đức Mẹ được gợi lên ở c. 25, một cộng đoàn gồm bốn người phụ nữ, trong đó Đức Mẹ là người đứng đầu, là một cộng đoàn của tình yêu giao ước, đối lập hoàn toàn với nhóm 4 tên lính, những kẻ nô lệ bạo lực và gươm giáo. Cộng đoàn của Đức Mẹ là cộng đoàn hiền lành và nhân hậu như Chúa Giêsu.
Còn cộng đoàn chúng ta thì sao? Những lời chúng ta nói với nhau có phải là những lời làm nảy sinh tình gia đình, hay giống như những mũi giáo đâm thủng cạnh sườn người khác?
Trong Cộng đoàn dưới chân thập giá, Đức Mẹ không hiện diện như một ốc đảo, các chị em khác cũng không. Tất cả mọi người đều có chung một hành động là “đứng gần thập giá”. Đức Mẹ sống cuộc khổ nạn của Con mình trong sự hiệp thông với các chị em của mình và với người môn đệ Chúa yêu. Sự hiệp thông, liên đới này hẳn đã mang lại cho Mẹ Maria và các bạn đồng hành của Mẹ sự khích lệ và sức mạnh để mỗi người có thể trung thành với Chúa Giêsu ngay giữa nghịch cảnh và đau khổ. Đức Mẹ có mặt đó như một người chị nâng đỡ, khích lệ, liên kết chị em trong tình huynh đệ. Đó là sự hiện diện của người làm chứng cho mầu nhiệm tình yêu của Chúa Giêsu tự hiến.
Mỗi chúng ta đều có những khó khăn, đau khổ riêng. Để sống ơn gọi tu trì một cách trung thành, chúng ta cần có nhau, cần yêu thương nâng đỡ nhau. Có rất nhiều Kitô hữu, linh mục, tu sĩ nam nữ đã bỏ đạo chỉ vì họ không tìm được sự hỗ trợ yêu thương từ các bạn đồng hành của mình. Có rất nhiều người đã bỏ tu chỉ vì không tìm được trong cuộc đoàn một bầu khí yêu thương. Hình ảnh Đức Maria đứng cùng các bạn đồng hành dưới chân thập giá mời gọi chúng ta nâng đỡ và khích lệ nhau trong đời sống đức tin, đồng lao cộng khổ với nhau, chia sẻ, mang gánh nặng cho nhau, thay vì tị nạnh, so đo, thoái thác hoặc un đẩy trách nhiệm. Đó là cách chúng ta cho thấy cộng đoàn của chúng ta thực sự là một cộng đoàn được sinh ra trong mầu nhiệm thập giá, với giá máu của Chúa Giêsu, bởi vì mầu nhiệm thập giá là mầu nhiệm hiệp thông của Thiên Chúa với con người.
2.2. Đức Mẹ, khí cụ của tình huynh đệ trong Chúa Giêsu
Trong biến cố Chúa thiết lập gia đình thiên linh được miêu tả ở câu 26-27, Đức Mẹ xuất hiện như một tín hữu đặc biệt mà Chúa tin tưởng và giao phó sứ mạng bảo đảm mối tương quan gia đình và huynh đệ giữa Chúa Giêsu và các môn đệ, và giữa các môn đệ với nhau.
Trong biến cố này, điều được nhấn mạnh là cái nhìn của Chúa hướng về Đức Mẹ và người môn đệ Ngài yêu: “Đức Giêsu thấy Mẹ và người môn đệ Ngài yêu đứng gần”. Đây là hai con người yêu Chúa cách đặc biệt, theo Chúa đến tận Golgôtha và gặp nhau ở đó. Nhưng nhìn từ một góc độ khác, chúng ta có thể nói chính Chúa Giêsu quy tụ các ngài dưới bóng thập giá. Và giờ đây, Chúa nhìn các ngài bằng cái nhìn yêu thương và liên kết. Chúa nhìn Mẹ như người mà Chúa có thể cậy nhờ để thiết lập gia đình của Người, và làm cho mối dây huynh đệ với Chúa được trải rộng. Chúa nhìn người môn đệ như người phải trở thành anh em của Chúa, để cùng với mình làm cho Lời Chúa tiếp tục được vang vọng trong thế giới, để qua chứng từ của người môn đệ này, người ta có thể gặp được Chúa là nguồn sự sống địch thực.
Chính trong cái nhìn đó mà Chúa nói với Đức Mẹ: “Thưa bà, đây là con của bà”. Thật ngạc nhiên vì ngay cả trong giây phút mà người ta chờ đợi sẽ nghe một lời chất chứa tình mẹ-con, thì Chúa vẫn xưng hô với Mẹ của mình bằng kiểu nói có vẻ lạnh lùng và xa cách như trong tiệc cưới tại Cana, giống như khi Chúa nói với những người phụ nữ khác trong Tin mừng: người phụ nữ Samaria, người phụ nữ ngoại tình, và Maria Magdala.
Thật ra, khi gọi Đức Mẹ là “bà”, Chúa Giêsu cho thấy Người đang ngỏ lời với Mẹ không phải với tư cách một người con trong gia đình huyết nhục, nhưng với tư cách của Đấng Mạc Khải. Những lời Ngài nói diễn tả tâm tư, ý muốn và chương trình của Thiên Chúa. Đó là những lời tạo dựng mối tương quan giao ước, những lời làm nảy sinh một cộng đoàn cứu độ và huynh đệ trong Thiên Chúa. Cách xưng hô “thưa bà” trở thành một lời mời gọi Đức Mẹ xóa mình trong vai trò làm mẹ tự nhiên để trở thành người mẹ của Giao ước.
Khi nói “đây là con của bà », Chúa vừa mời Đức Mẹ nhìn người môn đệ như người em của Chúa Giêsu, và công bố sự thật rằng Mẹ là mẹ của người môn đệ, bởi vì Đức Mẹ hoàn toàn ở trong tư thế vâng phục lời Chúa. Mẹ nhận người môn đệ Chúa yêu làm con ngay giây phút Chúa nói, và trong tư cách là mẹ, Mẹ nuôi dưỡng đức tin của người môn đệ này, để anh trở thành Giêsu con của Mẹ, thành người cùng với Mẹ làm nên một gia đình mang chở tình yêu của CGS cho thế giới.
Chúng ta là những người được Chúa quy tụ. Chúa cậy nhờ mỗi người góp công xây dựng Cộng đoàn sống đúng căn tính của mình: một cộng đoàn của tình huynh đệ trong Chúa GS, một cộng đoàn mang chở tình yêu Chúa qua chứng từ sống động của mỗi người. Mỗi cộng đoàn nơi chúng ta đang sống và phục vụ là hình ảnh thu nhỏ của gia đình của Chúa, trong đó mỗi người được mời gọi nhìn người và nhìn nhau bằng cặp mắt của Chúa và của Mẹ Maria, nhìn nhau như người trong một gia đình, trong tinh thần bao dung, đón nhận, nối kết.
Chúng ta nhìn những người đang sống bên mình bằng cặp mắt nào? Như những người để yêu thương, để nối kết, hay như đối thủ cần phải hạ bệ, loại trừ mỗi khi có cơ hội? Chúng ta nói với nhau, đối xử với nhau theo tinh thần nào?
Đức Mẹ và người môn đệ Chúa yêu là hai con khác biệt nhau về nguồn gốc gia đình, về phái tính nhưng đều có mối quan hệ thân thiết và gắn bó với Chúa Giêsu. Cả hai đều có mặt trong cuộc đời để làm rạng rỡ danh Giêsu. Cả hai cùng vâng theo Lời Chúa để làm nên một gia đình trong đó mỗi người đều có mặt đó trong tình trạng không có tên riêng, hoàn toàn ẩn danh, xóa mình, để danh Đức Giêsu nổi lên và được người khác nhận biết qua con người và cuộc sống của các ngài. Đó là thái độ được đề nghị với từng thành viên trong cộng đoàn.
2.3. Đức Mẹ trong Cộng đoàn “những kẻ thuộc về Người”
Cảnh tượng Chúa thiết lập gia đình của Người kết thúc với ghi nhận rằng “từ giờ đó người môn đệ đón nhận bà về nhà mình”. Cụm từ “nhà mình” (ta idia, giống trung, số nhiều) dĩ nhiên ám chỉ con người và cuộc sống của người môn đệ. Tuy nhiên, cụm từ “nhà mình” cũng là kiểu nói được Tin mừng Gioan dùng ngay trong lời Tựa để chỉ cộng đoàn những người nhà của Chúa Giêsu: “Người đã đến trong nhà của Người, nhưng người nhà của Người đã không tiếp nhận Người.” (1,12). Vì thế, ‘nhà mình’, nơi Người môn đệ đón nhận Mẹ về, ám chỉ cộng đoàn các môn đệ, những người từ nay trở thành người nhà của Đức Giêsu, thành những anh chị em của Chúa Giêsu, nơi mà Maria Magdala được Chúa sai đến loan báo Tin mừng Phục Sinh: “Hãy đi và nói với các anh em của Thầy: Thầy về với Cha của Thầy cũng là Cha của anh em” (20,17).
Người môn đệ Chúa yêu vừa đón nhận Mẹ vào trong đời sống của mình, vừa đón nhận mẹ vào trong cộng đoàn của mình. Sự đón nhận này là một hành vi đức tin, diễn tả đức tin vào Chúa Giêsu, bởi vì chính Người yêu cầu làm như vậy. Từ nay, trong đời sống cá nhân cũng như trong cộng đoàn của người môn đệ, Mẹ là dấu chỉ và là người bảo đảm mối liên hệ anh em giữa các môn đệ và Chúa Giêsu. Nếu không đón Mẹ, người môn đệ không thể trở thành người em của Chúa Giêsu, cộng đoàn của người môn đệ cũng không phải là cộng đoàn thuộc về gia đình của Chúa Giêsu.
Nhưng thế nào là đón nhận Mẹ Maria? Chúng ta đã biết rằng Đức Mẹ trong Tin mừng Gioan là người mẹ luôn tin tưởng vào Con mình và kêu gọi mọi người làm theo những gì Con nói (2.5). Khi đón nhận Mẹ, người môn đệ chấp nhận rằng cuộc sống của mình được lời Chúa Giêsu truyền cảm hứng, lắng nghe và vâng phục Lời Chúa theo gương Mẹ Maria, Đấng dạy anh sự ngoan ngoãn hoàn hảo đối với lời của Con Mẹ. Nhờ sự ngoan ngoãn của mình, Người ngày càng trở nên giống Chúa Con. Toàn bộ sứ mệnh của “Mẹ” là dẫn dắt người môn đệ ngày càng trở nên “con” của Thiên Chúa hơn.
Tất cả đều được mời gọi trở nên con người thuộc về Chúa Giêsu để xây dựng một cộng đoàn thực sự thuộc về Thiên Chúa. Trong lời cầu nguyện trước lúc chịu khổ nạn, Chúa Giêsu đã nói rõ: môn đệ không thuộc về thế gian, nhưng thuộc về Chúa Giêsu. Chúng ta thuộc về ai?
Chỉ có thể có một cộng đoàn thuộc về Chúa khi mỗi người trong cộng đoàn đón nhận và sống tâm tình của mẹ Maria, trở nên giống Mẹ Maria.
Lm. JB. Nguyễn Quốc Hưng
Lm. JB. Nguyễn Quốc Hưng
TIN LIÊN QUAN