Bài giảng: Lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương - Lm. Gc. Phạm Xuân Lương
29/08/2024
147
LỄ ĐỨC MARIA - TRINH NỮ VƯƠNG - 2024
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ
- Lịch sử thiết lập Lễ Đức Maria – Trinh Nữ Vương
Ngược dòng lịch sử các biến cố trong Giáo Hội, chúng ta nhận thấy từ ngày mồng 01 tháng 11 năm 1953 tới ngày mồng 01 tháng 11 năm 1954, Giáo Hội Công Giáo đã cử hành Năm Thánh Đức Mẹ nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Đức Thánh Cha Pi-ô IX công bố Tín Điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Vào ngày mồng 01.11.1954 (là ngày bế mạc Năm Thánh Đức Mẹ) Đức Pi-ô XII đã công bố việc thiết lập ngày Lễ Đức Mẹ, Trinh Nữ Vương, và ấn định Giáo Hội Công Giáo sẽ cử hành lễ này vào ngày 31 tháng 05, ngày cuối cùng trong Tháng Hoa kính Đức Mẹ. Sau đó, Đức Thánh Cha Phaolô VI vào năm 1969, chuyển lễ này sang ngày 22 tháng 08, đúng 8 ngày sau Đại Lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, và được cử hành trong Giáo Hội với bậc Lễ Nhớ. Khi thực hiện việc thay đổi này, Giáo Hội đã có một lời giải thích như sau: “Để sự liên kết giữa phẩm hàm Trinh Nữ Vương của Đức Maria với việc Mẹ được cung rước về Thiên Đàng trở nên rõ ràng hơn.”
+ Ngày 01 tháng 11 năm 1954, đúng bốn năm sau khi tuyên bố tín điều Đức Maria hồn xác về trời, Đức Thánh Cha Piô XII đã long trọng tôn vinh Đức Trinh Nữ là: ”Sự cứu rỗi của dân thành Rôma và toàn thế giới”. Đức Thánh Cha cầm những vòng vàng dát đá quí từ khắp thế giới gởi về, để đặt trên đầu tượng Chúa Giêsu và Mẹ Maria kèm với lời nguyện: ”Xin Mẹ cai quản trên Giáo Hội, trên mọi trí khôn, mọi cõi lòng, mọi cá nhân, mọi gia đình cũng như mọi xã hội và mọi quốc gia. Trên mọi cộng đoàn, những người quyền thế. Xin Mẹ hãy cai trị trên mọi nẻo đường và mọi quảng trường, trong thành thị và chốn thôn quê, trên nền trời, trên mặt đất và cả biển khơi”. Ngài còn nói: ”Vương quyền của Đức Maria là một thực tại siêu vượt thế trần, đồng thời lại thấm nhập vào mọi cõi lòng và chạm tới phần cốt yếu sâu thẳm nhất có tính cách siêu nhiên và bất tử”. (tổng hợp internet)
+ Trong truyền thống và lịch sử Giáo Hội, chúng ta thấy xuất hiện những lời kinh cổ xưa nhất ca ngợi Mẹ, và cũng thể hiện niềm tin Mẹ là Nữ Vương Vũ Trụ : ”Kính chào Đức Nữ Vương, Bà là Mẹ xót thương, Ngọt ngào cho cuộc sống, Kính chào lẽ cậy trông” (Salve Regina). Rồi, lời kinh “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng…” (Regina caeli)… Niềm tin Mẹ là Nữ Vương phát xuất từ Mặc Khải Kinh Thánh. Lời Kinh Thánh mang tính thần bí của thánh Gioan trong Sách Khải Huyền 12,1 cho chúng ta thấy rõ phẩm vị nữ hoàng vũ trụ của đức mẹ: ”Một điềm lạ xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12,1). Và như một lẽ tất yếu, Triều Thần Thiên Quốc đồng thanh tung hô: ”Kìa bà nào xuất hiện như rạng đông, diễm kiều như vầng nguyệt, lộng lẫy tựa thái dương, oai hùng như đạo binh chỉnh tề hàng ngũ?” (Dc 6,10); Thánh Vịnh 44 diễn tả: ”Hàng cung nữ, có những vì công chúa, bên hữu ngài, hoàng hậu sánh vai, trang điểm vàng Ô-phia lộng lẫy” (Tv 44, 10).
+ Trong Bài Đọc II (Gl 4, 4-7) thánh Phaolô xác định:
"Thiên Chúa đã sai Con Ngài sinh hạ bởi người phụ nữ". Và trong Bài Tin Mừng (Lc 1, 26-38), “Này Bà sẽ thụ thai, sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao”. Chúng ta xác tín trong đức tin tông truyền: Mẹ chính là nữ hoàng vì Mẹ là Mẹ của Con Thiên Chúa, Chúa Cứu Thế.
- Mừng Lễ Đức Mẹ - Trinh Nữ Vương hôm nay, người tín hữu Ki-tô thánh hiến cần phải NHÌN LẠI quá khứ và NHÌN TỚI tương lai để thể hiện một lối sống hiện sinh với Mẹ: tràn đầy niềm vui và tình yêu.
+ Mừng Lễ Mẹ,Trinh Nữ Vương trong đời sống thánh hiến
* Cần phải NHÌN LẠI:
- Nhìn Lại > Nhìn về phía bên trong – Kiểm Điểm đời sống.
- Mừng Lễ Mẹ, tôi có vui không? “Chúa đã làm cho dân tộc nên vĩ đại, há chẳng làm vĩ đại niềm vui? Họ sẽ vui mừng trước nhan Chúa”. (BĐ I: (Is 9, 2-4. 6-7) Mức độ niềm vui nội tâm của tôi như thế nào? - mãnh liệt? phôi pha - nhạt nhòa? Tình yêu của tôi đối với Mẹ như thế nào? Trong mối tương quan đối với Mẹ, niềm vui và tình yêu nội tâm của tôi ra sao? (đòi hỏi của tình yêu là kết hiệp nên một với người yêu, Mẹ đáng yêu vô cùng) …tôi đã đạt tới trình độ kết hiệp thần bí nào (unio mystyca / mystical union / union mystique) với Chúa, với Mẹ, là Nữ Vương các thánh đồng trinh? Tôi là người vô cảm? Tôi không thể nhạy cảm, rung động trước vinh quang và tình yêu của Chúa và Mẹ? Chỉ số trí tuệ cảm xúc của tôi (EQ = emotional quotient) thế nào? [thấp= dưới 84 / trung bình = từ 85 – 115 (68% quần thể người) / cao = từ 116 – 130 / xuất sắc = từ 130 trở lên (2%)]. Nhờ Ơn Chúa và tập luyện linh thao … – con người có thể đạt tới chỉ số trí tuệ cảm xúc cao, dạt dào tình yêu … Cần phải NHÌN LẠI, nhìn về phía bên trong để chấn chỉnh, để làm mới lại (refresh) tình yêu của tôi đối với Chúa, đối với Mẹ.
* Cần phải NHÌN TỚI:
- Nhìn Tới > Nhìn về phía đằng trước – Định hướng cuộc đời.
- Cùng với Mẹ tạ ơn Chúa: ”linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa”.
- Tái thánh hiến đời sống thánh hiến cho Mẹ mỗi ngày: “Lạy Mẹ Maria là Mẹ của con, toàn thân con thuộc về Mẹ”.
- Từ nay, mời Mẹ hiện diện trong mọi sinh hoạt thường ngày: Mẹ ơi, mời Mẹ đọc kinh với con, dâng lễ với con, mời Mẹ làm việc với con, ăn cơm với con, xin Mẹ vui với con, khổ với con, hạnh phúc với con = một sự hiện diện nồng nàn, ấm áp tình Mẹ - tình con…rất hiện sinh-huyền nhiệm, vô cùng mãn nguyện!
“Kính chào Đức Nữ Vương, Bà là Mẹ xót thương,
Ngọt ngào cho cuộc sống, Kính chào lẽ Cậy Trông”.
Lm. Giacôbê Phạm Xuân Lương
Lm. Giacôbê Phạm Xuân Lương
TIN LIÊN QUAN