Canh Thức Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Canh Thức
LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
24.11.2022
.jpg)
.jpg)
I. Hướng nguyện
Kính thưa Cộng đoàn,
Thánh Giáo phụ Tertuliano đã xác tín:
“Máu các vị tử đạo làm nảy sinh hạt giống các tín hữu”.
Lời khẳng định ấy được thể hiện thật rõ nơi cuộc sống và cái chết của các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Quả thế, dù gặp bao khó khăn, thử thách, dù bị vua quan ngăn cản, cấm đoán, bắt bớ và thậm chí bị tra tấn đánh đập dã man nhưng các Ngài vẫn kiên trì và trung thành với lý tưởng của mình. Cái chết đã không thể dập tắt lời rao giảng của các Ngài. Ngược lại, nó đã nêu cao sự anh dũng và tấm lòng tha thứ bao dung của các Thánh dành cho những kẻ giết mình. Cái chết ấy của các Ngài đã trở nên lời rao giảng hùng hồn nhất về một Thiên Chúa tình yêu - yêu đến nỗi chết treo trên thập giá vì muốn cứu độ loài người.
Các thánh tử đạo đã ngã xuống để cho hạt giống đức tin được gieo vãi trên quê hương Việt Nam, và máu các Ngài như những giọt mưa mát lành đổ xuống làm cho hạt giống đức tin được nảy mầm và sinh hoa kết quả dồi dào. Có thể nói, đức tin mà chúng ta có được ngày hôm nay chính là kết quả tốt đẹp nảy sinh từ những giọt máu thánh thiêng của các vị tử đạo ngày xưa.
Cử hành giờ canh thức này, chúng ta cùng dâng tâm tình cảm tạ Chúa đã thương ban cho Giáo Hội Việt Nam, những người con anh dũng, không chịu khuất phục trước quyền lực, danh vọng, tiền tài của thế gian; nhưng một mực trung kiên theo Chúa đến cùng. Đồng thời, cùng nhìn lại những nét hào hùng, những thử thách mà các ngài đã đối diện, ngõ hầu nhờ gương mẫu các ngài, đức tin của chúng ta được củng cố để trung thành đi trọn con đường mà Chúa Giêsu đã, đang và sẽ tiếp tục mời gọi chúng ta đi trong thời đại hôm nay.
Giờ Canh Thức mừng lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam đêm nay, chúng ta lên Chúa: Giáo Phận và các cộng đoàn mừng lễ bổn mạng: Chị em Học Viện, Kiến Đức, Nhân Cơ, Chứng Nhân TGM. Nguyện xin Chúa Thánh Thần giúp các cộng đoàn và mỗi người chúng ta, biết noi theo nhân đức của các ngài, can trường sống và làm chứng cho đức tin nhờ việc xuất phát lại từ Đức Kitô – sống tinh thần hiệp hành – hiệp thông – tham gia và sứ vụ, để hân hoan ra đi giới thiệu Chúa Kitô cho thế giới hôm nay, bằng một đời sống thánh thiện, tốt lành không nhuốm tinh thần thế tục; để tất cả cho vinh danh Thiên Chúa, cứu rỗi bản thân và sinh ích cho các linh hồn.
Hát: Xin Thánh Thần ngự đến. PC 10
II. Dâng hương
Với nén hương thành kính, chúng con xin được bày tỏ tấm lòng tri ân công đức của các bậc tiền nhân đã đổ máu đào để gìn giữ và lưu truyền gia sản đức tin cho hậu thế. Nguyện cho lòng yêu mến Chúa, sự hi sinh anh dũng của các ngài như hương thơm nguyện cầu trước toà Chúa, cho đất Việt ngày càng có nhiều người nhận biết Chúa hơn và hăng say sống chứng nhân Tin Mừng trong mọi nơi, mọi lúc.
Hương trầm nghi ngút tỏa bay,
Đoàn con dâng trọn phút này nhớ ơn.
Một đời gian khó không sờn,
Một lòng yêu Chúa chẳng hờn chẳng căm.
Ơn đức tin mấy trăm năm,
Nay liều mạng sống để nhằm tuyên xưng.
Anh hùng tử đạo không ngừng,
Làm cho danh Chúa lẫy lừng khắp nơi.
Nguyện cho con cháu mọi thời,
Theo gương Tiền Bối một đời tín trung.


III. Lịch sử ý nghĩa ngày lễ (mời CĐ ngồi)
Theo sử liệu, hạt giống đức tin đã được gieo rắc trên quê hương đất nước Việt Nam với sự hiện diện của một thừa sai tên là Inikhu vào năm 1533. Qua 300 năm, công cuộc truyền giáo đã chịu những thử thách nặng nề với 53 sắc dụ cấm đạo dữ dội. Kể từ cái chết vì đạo đầu tiên của chân phước Anrê Phú Yên vào năm 1544, Giáo hội Việt nam phải trải qua nhiều thời kỳ chịu bách hại, có lúc đẫm máu, qua các thời đại các vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, đặc biệt với nhóm Văn Thân.
Các Thánh Tử Đạo đã chịu đủ mọi cực hình để làm chứng cho đức tin: xiềng xích, lao tù, tra tấn, bỏ đói, chém đầu, thắt cổ, bá đao, phanh thây, voi dày, thiêu sống, buộc đá thả trôi sông, bị bắt ra khỏi nhà, làng mạc, sống vất vưởng trong rừng sâu nước độc. Các ngài đã bị chết đói, chết khát, chết bệnh và bị dã thú ăn thịt…nhưng với sức mạnh đức tin, các ngài đã chiến thắng mọi thứ cực hình. Con số người tử đạo không thể thống kê cách chính xác, chỉ biết rằng con số này rất đông, từ 100.000 đến 130.000 người, gồm đủ mọi thành phần dân Chúa và mọi ngành nghề. Trước những chứng tá anh hùng đó vào lúc 9 giờ sáng ngày 19/6/1988 tại Rôma, tức là 15 giờ cùng ngày tại Việt Nam, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã long trọng tôn phong 117 vị chân phước tử đạo tại Việt Nam lên bậc hiển thánh, ngày lễ được đưa vào niên lịch chung để mừng kính trong toàn thể Giáo hội vào ngày 24 tháng 11 hằng năm.
Xem https://www.simonhoadalat.com/Suyniem/BaiGiang/GiangLeChuaNhat/NamC/LeTuDaoVN.htm
Xem https://www.simonhoadalat.com/Suyniem/BaiGiang/GiangLeChuaNhat/NamC/LeTuDaoVN.htm
Thật quý giá biết bao gia sản đức tin mà các thánh nhân đã để lại, nhờ đó chúng ta được thừa hưởng thành quả là sự hình thành của Giáo Hội Việt Nam với hàng giáo phẩm được thiết lập chính thức vào năm 1960 và cho đến nay vẫn đang tiếp tục phát triển không ngừng.
Hát: Anh Hùng Việt Nam – TC 496
IV. SUY NIỆM: Tin Mừng Lc 9, 23-26
1. Các thánh tử đạo - những người sống đức tin thể hiện qua tình yêu.
Trước một đám đông dân chúng đang lũ lượt đi theo, Chúa Giêsu đã không ngần ngại nói với họ điều kiện phải có khi theo Chúa: ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Không những vậy Ngài còn quả quyết: “ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi, thì sẽ được cứu”. Những đòi hỏi đó thật không dễ dàng gì để thực hiện, nhưng khi nhìn vào gương của các vị tử đạo Việt Nam, chúng ta thấy các ngài đã luôn sẵn sàng để sống triệt để lời mời gọi ấy: Như thánh Anrê Nguyễn Kim Thông đã một mực trả lời quan tỉnh khi quan khuyên ông giẫm chân lên thập tự cách kín đáo rồi đi xưng tội, rằng: “Không, thập giá tôi thờ kính mà giẫm lên sao được”. Hay lời của thầy giảng Đa Minh Bùi Văn Úy đã kiên quyết: “các quan có dám bước qua mặt vua không mà lại bắt tôi bước qua ảnh Chúa tôi? Cho dù các quan có bước qua mặt của vua, tôi cũng không bước qua mặt Chúa tôi”. Không chỉ xác quyết trong lời nói, nhưng trong chính hành động của mình các ngài cũng luôn thể hiện một tình yêu mãnh liệt với Chúa, qua cung cách sống yêu thương ngay trong chính những khổ đau từ chốn lao tù đến nỗi những người hành quyết các ngài phải cảm phục và yêu mến đức hạnh của các ngài. Như trong vụ án linh mục Gioan Đạt, viên cai ngục nói: “Tôi thấy cụ khôn ngoan đạo đức thì muốn kết nghĩa huynh đệ lắm, thật tiếc vì cụ sắp bị án tử rồi. Tôi xin hứa biếu cụ một cỗ quan tài để biểu lộ lòng tôi quý cụ”. Để từ tình yêu đó các ngài chọn chết và coi cái chết là một cách minh chứng rõ ràng nhất về tình yêu của mình dành cho Thiên Chúa. Cuộc đời của các ngài “đã gieo trong nước mắt”, khởi xướng một cuộc đối thoại sâu sắc và mang tính giải thoát với mọi người mà các ngài tiếp xúc và nền văn hóa của chính dân tộc, bằng cách loan báo chân lý và tính phổ quát của niềm tin vào Thiên Chúa Tình Yêu.
2. Đức tin của chúng ta hôm nay
Ngày hôm nay, có lẽ không còn những cuộc bách hại đẫm máu, những tra tấn, gông cùm, tù tội…, hoặc ít ra là không gắt gao như thời của các thánh tử đạo. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta cũng phải đối mặt với muôn vàn thử thách như: chạy theo sức hấp dẫn của sự hưởng thụ cá nhân, sự giả dối để tìm kiếm danh vọng, quyền lực hay việc đề cao lối sống ích kỉ. Vì vậy, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay hãy từ bỏ và vác thập giá mình mà theo Chúa. Con đường “Từ bỏ” mà Chúa Giêsu muốn nói ở đây chính là sự quên mình, dám chấp nhận từ bỏ ý riêng, bỏ đi sự ích kỷ, bỏ đi những điều không tốt, không đẹp lòng Chúa, những gì đang giữ chân chúng ta tiến tới trên con đường nhân đức. “Từ bỏ” còn là sự dám buông, buông đi những sở thích, đam mê của riêng mình để nhìn thấy những nhu cầu của anh chị em xung quanh.
Tuy nhiên, để có thể sống sự từ bỏ như Chúa mời gọi chúng ta cần phải biết mình, biết những góc khuất, những tật xấu cố hữu đang trói buộc chúng ta, cũng như nhận ra điều cần sửa đổi trong ta. Biết mình - sẽ giúp ta sống khiêm nhường hơn vì chỉ khi sống khiêm nhường, ta mới có thể can đảm bỏ đi ý riêng, bỏ sự ích kỷ và sau cùng là bỏ đi chính con người mình.
Theo Chúa không chỉ dừng lại ở việc ‘từ bỏ’ nhưng còn là ‘vác thập giá’. Chấp nhận thập giá chính là bằng lòng với tất cả những gì làm nên ta, những gì thuộc về ta. Chấp nhận thập giá còn là sự đón nhận mọi điều Chúa gửi đến trong cuộc sống, dẫu cho điều đó là điều không như ý thì ta vẫn đón nhận với một sự tin tưởng phó thác mọi sự cho Chúa. Chấp nhận thập giá còn là sự biểu lộ một thái độ tin tưởng với một tình yêu to lớn vào Thiên Chúa như gương các thánh tử đạo. Các ngài là những người chịu bao đau khổ, chịu bách hại, chịu đánh đòn nhưng các ngài vẫn luôn can đảm chấp nhận tất cả mọi điều xảy đến cho bản thân, thậm chí là cả cái chết với tinh thần “vác thập giá mình mà theo” để giữ vững niềm tin và làm chứng cho Đức Giêsu Kitô. Sự minh chứng thấm đẫm sự hy sinh, thiệt thòi, và chất chứa mầu nhiệm tự hủy. Ngoài ra, đây còn là con đường khiêm tốn và hướng đến sự vâng phục thánh ý Chúa Cha hoàn toàn. Ước gì lời của Chúa Giêsu vẫn luôn vang vọng trong mỗi người chúng ta “Ai muốn theo tôi hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”. Chúng ta cùng cầu xin các thánh tử đạo chuyển cầu cùng Chúa, để giữa biết bao thách đố của thời đại hôm nay chúng ta vẫn có thể trở nên muối, nên men, nên ánh sáng và là những dấu chỉ của tình yêu Chúa giữa lòng nhân loại.
Hát : Niềm Tin Kiêu Hùng - TTLC 538 câu 1, 3
V. LỜI NGUYỆN CHUNG
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã can đảm làm chứng cho Đức Kitô bằng chính mạng sống mình. Các ngài là những chứng nhân về lòng yêu mến Chúa và trung thành với Giáo Hội. Với tâm tình cảm phục, mến yêu các bậc anh hùng trong đời sống đức tin và nhờ lời chuyển cầu của các Ngài, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin:
1. Cầu cho Giáo hội
Hội Thánh có sứ mạng tiếp nối và thông truyền tình yêu của Chúa Kitô cho mọi người qua việc loan báo Tin Mừng và đời sống chứng nhân. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho Đức Thánh Cha Phanxicô được tràn đầy sức khỏe và ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần để lãnh đạo dân Chúa, cho mọi thành phần trong Giáo hội biết thể hiện tính hiệp hành qua đời sống hiệp nhất với Chủ Chăn. Đặc biệt, xin cho những Giáo hội địa phương đang bị bách hại luôn biết tin tưởng vào Chúa và can đảm theo gương các thánh tử đạo sống và làm chứng cho niềm tin của mình.
2. Cầu cho quê hương đất nước
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những chứng nhân anh dũng về lòng mến Chúa, yêu người và tình yêu quê hương dân tộc. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi người dân trong đất nước chúng ta biết sống liên đới, yêu thương nhau; cho các nhà lãnh đạo luôn biết tìm hiểu và nhìn nhận sự thật, biết đặt lợi ích và phẩm giá của con người lên trên những lợi ích cá nhân. Nhờ đó, mọi người biết cộng tác với nhau để xây dựng đất nước ngày càng tốt đẹp hơn.
3. Cầu cho Hội dòng
“Các Thánh Tử đạo Việt Nam đã đổ máu ra để hạt giống đức tin trổ sinh nhiều hoa trái.” Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho từng chị em trong Gia đình Dòng chúng ta đang dấn thân trong mọi lãnh vực của đời sống phục vụ, luôn biết noi gương các Thánh Tử Đạo, mạnh mẽ khước từ những cám dỗ của thế gian; và can đảm tuyên xưng Đức Kitô qua cung cách sống hòa bình và trung thành với Giao Ước Thánh mà Chúa đã thương ban.
4. Cầu cho các cộng đoàn mừng Bổn Mạng.
“Đức tin không có việc làm là đức tin chết” – quả vậy, qua việc làm chứng bằng cách hi sinh mạng sống, các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã nêu gương cho hậu thế về một đức tin anh dũng sống động. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho Giáo Phận, các giáo xứ và các cộng đoàn đã chọn các Ngài làm bổn mạng, biết noi gương các Ngài hết lòng yêu mến Chúa, sống yêu thương, phục vụ tha nhân và sẵn sàng làm chứng cho Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời.
Lời nguyện kết
Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con những chứng nhân đức tin anh dũng. Nhờ lời các Ngài nguyện giúp cầu thay, xin Chúa thương nhận những ước nguyện của chúng con. Đồng thời, ban ơn trợ lực, giúp chúng con được bền lòng vững chí và can đảm trung thành với Chúa mãi đến cùng. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen