Vẻ Đẹp Của Tâm Hồn Kết Nối Thần Linh - Lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa - Tác giả: Cêcilia Lê Linh, MRP
Chắc hẳn người phụ nữ nào khi nhìn thấy đứa con của mình mở mắt chào đời cũng mang trong mình một niềm hạnh phúc khôn tả. Vì lúc ấy, người mẹ bắt đầu cảm nhận được mầu nhiệm linh thiêng và cao trọng của thiên chức làm mẹ, hiểu được sự kì diệu của mầu nhiệm sự sống. Tuy nhiên chỉ có một người mẹ duy nhất có thể bắt đầu hiểu được vẻ đẹp khôn dò trong vai trò của mẹ Con Thiên Chúa, của một tâm hồn kết nối với thần linh, đó chính là Đức Trinh Nữ Maria.
Sau khi Chúa Giêsu nhập thế , các mục đồng đã đến để thờ lạy Hài Nhi của Mẹ và kể lại việc một đạo binh thiên thần hiện ra với họ. Họ loan báo rằng Con Trẻ của Mẹ chính là Đấng Mêsia. Tin Mừng kể lại rằng, khi nghe những lời ấy, Mẹ đã “ghi nhớ và suy đi nghĩ lại” tất cả trong lòng. Đây là lần đầu tiên chúng ta được biết đến trái tim chiêm niệm của Mẹ Maria. Và chắc chắn rằng Mẹ đã không ngừng suy niệm về Người, ngày càng kinh nghiệm sâu hơn về mầu nhiệm làm mẹ Con Thiên Chúa trong suốt hành trình còn lại của cuộc đời Mẹ. Mỗi lời nói, mỗi hành động của Chúa Giêsu, mỗi biến cố, dù vui mừng hay đau khổ, đều trở thành một kho tàng để Mẹ chiêm ngắm và nhận ra ý nghĩa thánh thiêng. Nhờ chiêm niệm, Mẹ hiểu rằng mọi sự xảy đến, dẫu cho có bồi hồn xao xuyến, nhưng tất cả đều là dấu chỉ tình yêu và thánh ý của Thiên Chúa, đưa dẫn Mẹ trong hành trình dâng hiến trọn vẹn. Đời sống chiêm niệm nơi Đức Maria là nguồn mạch làm nên chiều sâu tâm hồn Mẹ.
Là Mẹ Thiên Chúa, mối dây liên kết giữa Mẹ và Người Con thần linh của Mẹ vượt xa mối dây liên hệ huyết nhục thông thường của nhân lọai, bởi Chúa Giêsu không chỉ là Con của Mẹ, nhưng Người còn là Đấng Cứu Độ của Mẹ. Vì thế, Mẹ tôn thờ Người như một người mẹ yêu con mình, nhưng đồng thời cũng như một người tôi tớ thờ lạy Thiên Chúa của mình. Mối tương quan giữa người Mẹ và Người Con độc nhất này thật vô cùng đáng kính và mầu nhiệm. Thiên chức làm mẹ của Đức Maria là sự kết hợp với Chúa Giêsu theo cách mà chúng ta không bao giờ có thể hiểu thấu hết với trí khôn hạn hẹp của con người.
Tin mừng thánh Luca tường thuật rằng, khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai giảng dạy của Người, có một người phụ nữ trong đám đông đã thốt lên: “Phúc thay lòng dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú mớm!” Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,27-28). Thoạt nghe, ta có thể nghĩ rằng Chúa Giêsu đang hạ thấp vai trò của Mẹ Người, nhưng thực ra Người lại đang làm điều ngược lại. Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến khía cạnh sâu sắc nhất trong mối tương quan giữa Người và Mẹ Người. Đức Maria không chỉ được chúc phúc vì là mẹ của Đức Giêsu theo nghĩa sinh học, nhưng Mẹ được chúc phúc hơn bởi sự hiệp nhất sâu xa với Người Con thần linh. Mẹ đã nói: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Mẹ đã lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa một cách hoàn hảo. Vẻ đẹp của tâm hồn Mẹ tỏa sáng rực rỡ nhờ sự vâng phục. Mẹ đã để cho tâm trí và toàn thân hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa trong suốt cuộc đời. Khi Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể trong lòng là lúc trái tim của Thiên Chúa được nhập thể trong trái tim bằng xương bằng thịt của Mẹ. Vì thế, từng nhịp đập trái tim, từng ý nghĩ hay từng bước chân của Mẹ đều quy hướng về Thiên Chúa. Khi đứng dưới chân thánh giá, trái tim đau đớn của Mẹ đã hiệp thông hoàn toàn với Con yêu, hiến dâng cho Thiên Chúa là Cha, Đấng muốn dâng con mình làm của lễ cứu độ cho nhân loại.
Đức Maria được ban tặng danh hiệu đặc biệt là “Mẹ Thiên Chúa”, trước hết để biểu lộ đức tin của con người vào thần tính của Chúa Giêsu. Mẹ cho ta thấy Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là người thật như chúng ta, hai bản tính đó kết hợp với nhau một cách hoàn hảo. Vì thế, lễ Mẹ Thiên Chúa hôm nay không chỉ tôn vinh vai trò của Đức Maria trong lịch sử cứu độ nhưng còn để tôn vinh vẻ đẹp của tâm hồn Mẹ, một tâm hồn kết nối với thần linh - Con Mẹ.
Là những người con của Mẹ, đặc biệt với những người tự nguyện mang danh thánh Mẹ trong hành trình dâng hiến của mình, chúng ta cùng nhau xin Mẹ giúp ta biết “làm đẹp bản thân” trong đời sống cầu nguyện và thinh lặng. Vì chỉ trong thinh lặng, chúng ta mới có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa trên cuộc đời. Và chỉ có trong thinh lặng, chúng ta mới có thể đón nhận sức mạnh từ Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch của sự bình an. Bởi chính ngôn sứ Isaia đã từng ca tụng vẻ đẹp của những bước chân cưu mang và chia sẻ mang Tin Mừng Bình An (Is 52,7), chúng ta cũng được nhắc nhở về sứ mạng của mỗi người chúng ta trong việc loan báo Tin Mừng Hòa Bình.
Cánh cửa Năm Thánh đã mở ra, năm thánh của Niềm Hy Vọng. Đây là cơ hội quáy báu để mỗi người tìm lại sự bình an qua cầu nguyện, qua các cuộc hành hương và qua các bí tích; giúp tái sinh tâm hồn trong ân sủng Chúa. Hơn thế nữa, năm Thánh còn là điểm dừng để nhìn lại sự biến đổi nội tâm, cải hóa đời sống của mỗi tín hữu. Đây cũng là thời điểm để mỗi người tái khám phá vẻ đẹp của đời sống đức tin, làm mới lại lời cam kết với Thiên Chúa, và sống niềm hy vọng như một chứng tá sống động giữa lòng thế giới. Nhờ đó, ân sủng của Chúa không chỉ dừng lại nơi bản thân, mà còn lan tỏa đến mọi người chúng ta gặp gỡ. Vì thể chúng ta xin Mẹ đồng hành cùng chúng ta sống tròn đầy ý nghĩa của năm Thánh hy vọng: sống đời nội tâm sâu sắc; hoà giải với Chúa, với chính mình và tha nhân để tô điểm tâm hồn bằng các nhân đức của Mẹ, noi gương Mẹ trong việc “chinh phục hoà bình của Chúa Kitô cho mình và cho người khác” (HP. đ. 3)
Cầu nguyện:
Lạy Mẹ rất thánh của Thiên Chúa, Mẹ được chúc phúc vượt trên mọi loài thụ tạo. Mẹ được điểm trang mọi ân huệ và nhân đức vì Mẹ là mẹ Con Thiên Chúa làm người. Chúng con cảm tạ Mẹ trái tim hiền mẫu, tâm hồn chiêm niệm và sự chăm sóc từ mẫu của Mẹ dành cho mọi con cái Mẹ. Trong Năm Thánh Hy Vọng này, xin giúp chúng con kiên nhẫn điểm trang con người chúng con bằng đời sống cầu nguyện, bằng những nghĩa cử đẹp với bản thân và với tha nhân. Xin Mẹ dẫn dắt chúng con, để chúng con biết sống niềm hy vọng như Mẹ. Đó là niềm hy vọng vào tình yêu của Con Thiên Chúa nhập thể làm người, hy vọng vào ơn an bình của Chúa sẽ không bao giờ hư mất với những ai kiên trì đón nhận và gieo rắc ơn an bình ấy. Amen.
Cêcilia Lê Linh, MRP
Sau khi Chúa Giêsu nhập thế , các mục đồng đã đến để thờ lạy Hài Nhi của Mẹ và kể lại việc một đạo binh thiên thần hiện ra với họ. Họ loan báo rằng Con Trẻ của Mẹ chính là Đấng Mêsia. Tin Mừng kể lại rằng, khi nghe những lời ấy, Mẹ đã “ghi nhớ và suy đi nghĩ lại” tất cả trong lòng. Đây là lần đầu tiên chúng ta được biết đến trái tim chiêm niệm của Mẹ Maria. Và chắc chắn rằng Mẹ đã không ngừng suy niệm về Người, ngày càng kinh nghiệm sâu hơn về mầu nhiệm làm mẹ Con Thiên Chúa trong suốt hành trình còn lại của cuộc đời Mẹ. Mỗi lời nói, mỗi hành động của Chúa Giêsu, mỗi biến cố, dù vui mừng hay đau khổ, đều trở thành một kho tàng để Mẹ chiêm ngắm và nhận ra ý nghĩa thánh thiêng. Nhờ chiêm niệm, Mẹ hiểu rằng mọi sự xảy đến, dẫu cho có bồi hồn xao xuyến, nhưng tất cả đều là dấu chỉ tình yêu và thánh ý của Thiên Chúa, đưa dẫn Mẹ trong hành trình dâng hiến trọn vẹn. Đời sống chiêm niệm nơi Đức Maria là nguồn mạch làm nên chiều sâu tâm hồn Mẹ.
Là Mẹ Thiên Chúa, mối dây liên kết giữa Mẹ và Người Con thần linh của Mẹ vượt xa mối dây liên hệ huyết nhục thông thường của nhân lọai, bởi Chúa Giêsu không chỉ là Con của Mẹ, nhưng Người còn là Đấng Cứu Độ của Mẹ. Vì thế, Mẹ tôn thờ Người như một người mẹ yêu con mình, nhưng đồng thời cũng như một người tôi tớ thờ lạy Thiên Chúa của mình. Mối tương quan giữa người Mẹ và Người Con độc nhất này thật vô cùng đáng kính và mầu nhiệm. Thiên chức làm mẹ của Đức Maria là sự kết hợp với Chúa Giêsu theo cách mà chúng ta không bao giờ có thể hiểu thấu hết với trí khôn hạn hẹp của con người.
Tin mừng thánh Luca tường thuật rằng, khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai giảng dạy của Người, có một người phụ nữ trong đám đông đã thốt lên: “Phúc thay lòng dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú mớm!” Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,27-28). Thoạt nghe, ta có thể nghĩ rằng Chúa Giêsu đang hạ thấp vai trò của Mẹ Người, nhưng thực ra Người lại đang làm điều ngược lại. Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến khía cạnh sâu sắc nhất trong mối tương quan giữa Người và Mẹ Người. Đức Maria không chỉ được chúc phúc vì là mẹ của Đức Giêsu theo nghĩa sinh học, nhưng Mẹ được chúc phúc hơn bởi sự hiệp nhất sâu xa với Người Con thần linh. Mẹ đã nói: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Mẹ đã lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa một cách hoàn hảo. Vẻ đẹp của tâm hồn Mẹ tỏa sáng rực rỡ nhờ sự vâng phục. Mẹ đã để cho tâm trí và toàn thân hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa trong suốt cuộc đời. Khi Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể trong lòng là lúc trái tim của Thiên Chúa được nhập thể trong trái tim bằng xương bằng thịt của Mẹ. Vì thế, từng nhịp đập trái tim, từng ý nghĩ hay từng bước chân của Mẹ đều quy hướng về Thiên Chúa. Khi đứng dưới chân thánh giá, trái tim đau đớn của Mẹ đã hiệp thông hoàn toàn với Con yêu, hiến dâng cho Thiên Chúa là Cha, Đấng muốn dâng con mình làm của lễ cứu độ cho nhân loại.
Đức Maria được ban tặng danh hiệu đặc biệt là “Mẹ Thiên Chúa”, trước hết để biểu lộ đức tin của con người vào thần tính của Chúa Giêsu. Mẹ cho ta thấy Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là người thật như chúng ta, hai bản tính đó kết hợp với nhau một cách hoàn hảo. Vì thế, lễ Mẹ Thiên Chúa hôm nay không chỉ tôn vinh vai trò của Đức Maria trong lịch sử cứu độ nhưng còn để tôn vinh vẻ đẹp của tâm hồn Mẹ, một tâm hồn kết nối với thần linh - Con Mẹ.
Là những người con của Mẹ, đặc biệt với những người tự nguyện mang danh thánh Mẹ trong hành trình dâng hiến của mình, chúng ta cùng nhau xin Mẹ giúp ta biết “làm đẹp bản thân” trong đời sống cầu nguyện và thinh lặng. Vì chỉ trong thinh lặng, chúng ta mới có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa trên cuộc đời. Và chỉ có trong thinh lặng, chúng ta mới có thể đón nhận sức mạnh từ Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch của sự bình an. Bởi chính ngôn sứ Isaia đã từng ca tụng vẻ đẹp của những bước chân cưu mang và chia sẻ mang Tin Mừng Bình An (Is 52,7), chúng ta cũng được nhắc nhở về sứ mạng của mỗi người chúng ta trong việc loan báo Tin Mừng Hòa Bình.
Cánh cửa Năm Thánh đã mở ra, năm thánh của Niềm Hy Vọng. Đây là cơ hội quáy báu để mỗi người tìm lại sự bình an qua cầu nguyện, qua các cuộc hành hương và qua các bí tích; giúp tái sinh tâm hồn trong ân sủng Chúa. Hơn thế nữa, năm Thánh còn là điểm dừng để nhìn lại sự biến đổi nội tâm, cải hóa đời sống của mỗi tín hữu. Đây cũng là thời điểm để mỗi người tái khám phá vẻ đẹp của đời sống đức tin, làm mới lại lời cam kết với Thiên Chúa, và sống niềm hy vọng như một chứng tá sống động giữa lòng thế giới. Nhờ đó, ân sủng của Chúa không chỉ dừng lại nơi bản thân, mà còn lan tỏa đến mọi người chúng ta gặp gỡ. Vì thể chúng ta xin Mẹ đồng hành cùng chúng ta sống tròn đầy ý nghĩa của năm Thánh hy vọng: sống đời nội tâm sâu sắc; hoà giải với Chúa, với chính mình và tha nhân để tô điểm tâm hồn bằng các nhân đức của Mẹ, noi gương Mẹ trong việc “chinh phục hoà bình của Chúa Kitô cho mình và cho người khác” (HP. đ. 3)
Cầu nguyện:
Lạy Mẹ rất thánh của Thiên Chúa, Mẹ được chúc phúc vượt trên mọi loài thụ tạo. Mẹ được điểm trang mọi ân huệ và nhân đức vì Mẹ là mẹ Con Thiên Chúa làm người. Chúng con cảm tạ Mẹ trái tim hiền mẫu, tâm hồn chiêm niệm và sự chăm sóc từ mẫu của Mẹ dành cho mọi con cái Mẹ. Trong Năm Thánh Hy Vọng này, xin giúp chúng con kiên nhẫn điểm trang con người chúng con bằng đời sống cầu nguyện, bằng những nghĩa cử đẹp với bản thân và với tha nhân. Xin Mẹ dẫn dắt chúng con, để chúng con biết sống niềm hy vọng như Mẹ. Đó là niềm hy vọng vào tình yêu của Con Thiên Chúa nhập thể làm người, hy vọng vào ơn an bình của Chúa sẽ không bao giờ hư mất với những ai kiên trì đón nhận và gieo rắc ơn an bình ấy. Amen.
Cêcilia Lê Linh, MRP