Thấu Cảm Nỗi Đau Thương Của Mẹ - M. Anna Trần Hợp, MRP




Với con tim của người nữ, hơn nữa là của người con gái thân yêu của Mẹ, của người môn đệ quyết đi theo Chúa Giêsu, tôi thật thấu cảm với bao đớn đau của Đức Mẹ Sầu Bi. Hình ảnh thật đẹp và cao cả của một người Mẹ kiên trung "đã đau đớn chịu khổ cực với Con Một của mình và dự phần vào hy lễ của Con, với tấm lòng của một người Mẹ hết tình ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng mình sinh ra". (LG 58)

Hầu hết các ngày lễ kính Đức Maria đều tôn vinh những đặc ân và phẩm tính cao quý mà Thiên Chúa đã ban tặng cho Mẹ, chẳng hạn như ngày lễ kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Maria Trinh Nữ Vương, hay lễ Đức Maria hồn xác lên trời. Tôi thầm hỏi: Tại sao lịch phụng vụ có lễ Đức Mẹ Sầu Bi nghĩa là Đức Mẹ đau khổ, buồn thương…đặt liền ngay sau ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá?  Một câu trả lời thật chính xác: Vì Mẹ đã thông phần sự đau khổ với Chúa Giêsu, Con của Mẹ để cộng tác với Người trong công cuộc cứu rỗi nhân loại. Suốt cuộc đời 33 năm của Con, Mẹ đã cảm nhận nhiều nỗi đau thương, nhất là Mẹ đã kết hiệp nỗi thống khổ của Mẹ vào cuộc thương khó của Con để thi hành một cách trọn vẹn thánh ý cứu độ nhân loại của Thiên Chúa Cha.

Ngày lễ Đức Mẹ Sầu Bi theo dòng thời gian cũng có sự đổi thay. Vào năm 1423, Công Đồng Cologne đã quy định thành lập lễ kính Đức Mẹ Sầu Bi, hướng về việc tôn kính Đức Mẹ đau khổ đứng dưới chân Thập Tự Giá. Thánh lễ được cử hành vào ngày thứ Sáu của tuần III sau lễ Phục Sinh. Năm 1725 Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XIV đưa lễ Đức Mẹ Sầu Bi qua ngày thứ Sáu trong tuần Khổ Nạn, trước Lễ Lá. Sau một vài biến cố, vào năm 1912 Đức Giáo Hoàng Piô X quyết định toàn thể Giáo Hội cử hành thêm một nữa, vào ngày 15/09 hàng năm, liền sau lễ kính Suy tôn Thánh Giá. Như vậy, trong phụng vụ có hai thánh lễ kính Đức Mẹ Sầu Bi. Năm 1969, sau Công Đồng Vatican II, do việc cải tổ phụng vụ, lễ Đức Mẹ Sầu Bi vào ngày thứ Sáu trong tuần Khổ Nạn bị bãi bỏ; lý do vì Giáo Hội không muốn mừng một biến cố hay một mầu nhiệm hai lần trong một năm. (x. https://www.giaoxutandinh.net/2018/09/15/nguon-goc-va-y-nghia-le-duc-me-sau-bi/)

Hơn bao giờ hết, tôi muốn được thấu cảm, muốn được sát cánh với Đức Mẹ trong lúc đau buồn. Với tấm lòng của một người Mẹ, Mẹ tự nguyện chấp nhận khổ đau vì Con và với Con. Những nỗi đau này đi dọc theo dòng đời của Mẹ từ khi Mẹ thưa tiếng Xin Vâng. Mẹ đã nhận lấy lưỡi gươm đâm thâu trái tim mình theo thánh ý Thiên Chúa: khi Mẹ nghe lời tiên tri của cụ Simêôn về Con; đưa Con trốn qua Ai Cập; mất Con nơi Đền thờ; cùng Con lên đỉnh Canvê, khi đứng bên Con chịu đóng đinh, hạ xác Con xuống khỏi thập giá, và chôn táng Con trong mộ.

Mẹ đã nhận lấy lưỡi gươm đâm thâu trái tim mình: “Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà…” (Lc 2,35). Và rồi "Một dấu hiệu bị người đời chống báng" (Lc 2,34) cũng đã ứng nghiệm, khi Con của Mẹ thực hiện sứ vụ của mình: giữa sự cứng tin và trong đau khổ. Cả đời Mẹ đã phải sống sự vâng phục đức tin trong đau khổ, bên cạnh Đấng Cứu độ khổ đau; chức năng từ mẫu của Mẹ đã nhiều lúc nằm trong bóng tối và đau xót (x. Thông điệp Mẹ Đấng Cứu Thế-số 16). Tôi thấu cảm với những nỗi đau trong lòng Mẹ, tâm tư trào dâng cảm xúc ngưỡng mộ đầy thán phục Mẹ Maria - người Mẹ anh hùng. Sự nhỏ bé và yếu hèn của phận tỳ nữ tỏa sáng một sự trung kiên đến cùng dưới chân Thập giá. Còn đâu lời chào vinh dự của sứ thần Gabriel, còn đâu lời hứa “Dòng dõi Người sẽ vô cùng vô tận”, còn đâu niềm tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa “Đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể được”. Bản án Thập giá dành cho Giêsu như một tiếng sét đánh ngang tai Mẹ. Sao có thể như thế được? Những ngỡ ngàng, những bấn loạn trong lúc này làm cho Mẹ không còn biết đến điều gì đang xảy đến và những con người đang hiện diện bên Mẹ. Không ai hiểu Con cho bằng người Mẹ, và cũng không ai đau khổ hơn người Mẹ khi phải chứng kiến sự đau khổ và cái chết của Con mình. Tất cả để cộng tác với Chúa Con trong công cuộc cứu rỗi nhân loại. Mẹ đau xót nhường bao khi Mẹ đi theo Con trên đường lên Núi Sọ, vai vác Thánh Giá mình đầy vết tích máu me. Đau khổ biết bao khi Mẹ nhìn thấy Con bị quân lính đóng đinh tay chân vào Thập Giá đau đớn xót xa. Dáng đứng tuyệt đẹp và kiên cường của Mẹ dưới chân thập giá chứng kiến cái chết nhục hình của người con yêu quý, bộc lộ "sự vâng phục đức tin". trong cảm nghiệm bi đát trên đôi Golgotha. Nói sao cho hết nỗi quặn đau của Mẹ khi Mẹ ôm thi thể bất động của Con Yêu; khi Mẹ chứng kiến ông Giuse Arimatha và cụ Nicôđêmô chôn xác Con trong mộ đá hoàn toàn trong cô vắng quạnh hiu! Thật đúng câu người ta thường nói: nỗi đau lớn nhất là nỗi đau của sinh ly tử biệt !

Chiêm ngắm nỗi đau của Mẹ Maria lúc này, gợi nhớ nỗi đau của thân mẫu tôi, khi mẹ con chia tay, lúc mà tôi khăn gói ra đi vì hết thời gian nghỉ phép thăm gia đình hằng năm. Những lần về phép là những lần hòa lẫn giữa niềm vui sướng với đau buồn. Mẹ vui khi nhìn thấy đứa con gái nhỏ thơ dại bao năm sống bên cha mẹ nay đã lớn và sống theo ý hướng đời mình vẫn bình an và mạnh khỏe; bên cạnh đó cũng là thật nhiều những giọt lệ đau xót của mẹ khi phải chia xa. Trước khi chia xa là bữa cơm thịnh soạn được đôi tay chai sần của mẹ chuẩn bị kỹ càng. Tiếng điện thoại reng reng của Nhà Xe đón tôi, là chuông báo phút chia ly. Mẹ không tiễn tôi ra xe vì viện lý do phải ở nhà dọn dẹp; nhưng tôi biết mẹ không đủ can đảm để đối diện với hết lần này đến lần khác cảnh chia xa đứa con thương yêu. Lúc tôi ra khỏi cổng thì cũng là lúc mẹ tôi leo lên giường và khóc nức nở…! 

Nhớ lại kỷ niệm, nhớ những giọt nước mắt yêu thương và nhung nhớ với bao tình thương của mẹ trần gian dành cho tôi, tôi càng thấm thía hơn nữa khi Mẹ Maria từ biệt Chúa Giêsu nằm lặng yên trong mộ đá. Nhưng khác với thân mẫu yêu quý của tôi, Mẹ Maria đã không nức nở than khóc, Mẹ vẫn giữ vững tiếng FIAT trong đau khổ, trước cái chết nhục nhã và xem ra thất bại của Con chí ái, nhờ Mẹ vững tin rằng ánh sáng Phục sinh vinh quang sẽ bừng lên. Chỉ vì Mẹ đã tin, đã vâng phục Thiên Chúa, vì Mẹ đã "ghi nhớ" Lời Chúa và "suy đi nghĩ lại trong lòng" (Lc 1, 38-45; 2, 19-51). Hội Thánh hôm nay đi cùng một lộ trình mà Thánh Mẫu Maria đã đi qua, đó là "con đường lữ hành đức tin, luôn trung thành kết hợp với Con của mình cho đến Thập giá" (LG 58). Trong đêm tối của cuộc lữ hành trần thế, như người lữ hành trong đêm nương nhờ ánh Sao, chúng ta diễm phúc luôn có Mẹ Maria dẫn đường, đưa chúng ta đến gặp được Con yêu dấu của Mẹ là Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu độ duy nhất.

Đứng trước hiện cảnh đau thương của đại dịch Covid 19, hàng ngàn vạn cặp mắt của biết bao con người đang trông ngóng lên Mẹ. Ánh mắt khẩn khoản nài nỉ và kêu van thống thiết của nhân loại phải chăng chưa thấu đến tai Mẹ. Nhưng có mấy ai hiểu thấu được “Mẹ vẫn đang tiếp tục đứng dưới chân thập giá, vẫn còn đang tiếp tục đau cùng nỗi đau của Chúa Giêsu, đau cùng nỗi đau của con cái Mẹ”. Làm sao Mẹ có thể làm ngơ, sao Mẹ có thể hững hờ? Mẹ vẫn tiếp tục nâng đỡ ủi an, mãi cho đến khi những vết thương nơi trái tim của Chúa Giêsu, Con Mẹ được chữa lành, được lấp đầy bởi lòng ăn năn thống hối, bởi tình yêu chân thành con người dành cho Thiên Chúa – Đấng sáng tạo, làm chủ và nắm giữ vận mạng của muôn loài. Biết bao lần trên các phương tiện truyền thông, chúng ta được nghe biết đến những phép lạ Mẹ khóc xảy ra tại các thánh địa kính Mẹ. Hàng vạn người hiếu kỳ đến để xem, để ngắm, nhưng có ai hiểu được nỗi lòng của Mẹ lúc này chăng, có ai an ủi Mẹ được một câu ngắn ngủi rằng “Mẹ ơi, xin Mẹ đừng khóc nữa”. 

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi toàn năng, khi chúng con kính nhớ tình yêu đau khổ của Đức Trinh Nữ Maria, xin cho chúng con biết dùng đời sống mình để bù đắp những gì còn đang thiếu sót trong những đau khổ của Đức Chúa Kitô để mưu ích cho Hội Thánh” (Lời nguyện hiệp lễ ngày 15/09). Chúa đã muốn cho Ðức Mẹ đứng kề bên thập giá khi Con Chúa chịu khổ hình mà thông phần đau khổ với Người, xin cho chúng con cảm nhận được giá trị hiệp thông cứu độ với Chúa Giêsu qua những giọt lệ thánh của Mẹ, qua những đau khổ và thử thách Mẹ đã đón nhận với tất cả niềm tin tưởng, hy vọng và với một con tim luôn cất cao lời tạ ơn Thiên Chúa. Như xưa Mẹ đã đứng dưới chân Thập Giá và đau khổ cùng người Con yêu, nay xin Mẹ cũng ở bên chúng con trong thử thách đau thương giữa trần gian còn nhiều châu lệ. Xin Mẹ lau khô những giọt lệ còn mãi vương vấn trên bờ mi của bao con người đau khổ; và mong chờ một ngày sẽ đến, chúng con sẽ được cùng Mẹ chung hưởng niềm vui, hạnh phúc muôn đời.
“Ôi lạy Mẹ là niềm yêu mến,
xin cho con cảm thấy mãnh lực của đau thương,
để cho con được khóc than cùng Mẹ.
Xin cho lòng con cháy lửa mến yêu,
mến yêu Đức Kitô là Thiên Chúa,
để cho con có thể làm đẹp ý Người...”.

(Thánh thi Stabat Mater)

Những ai còn mẹ, xin đừng để Mẹ khóc vì những đứa con hư hỏng và lạc xa đàng chân lý. Hãy sống thật tốt và trở thành những người tín hữu có ích cho Hội thánh, người công dân tốt cho xã hội và nhất là trở thành người con ngoan hiền của Mẹ.

M. Anna Trần Hợp, MRP