Mẹ Sầu Bi - Mẹ Đầy Tình Thương Xót


MẸ SẦU BI - MẸ ĐẦY TÌNH THƯƠNG XÓT 

Một tuần sau lễ Sinh Nhật Mẹ, Phụng vụ Giáo Hội tôn kính Mẹ Maria với tước hiệu Mẹ Sầu Bi, một người Mẹ đau khổ đứng dưới chân Thập giá của Đấng Cứu Độ với tất cả lòng tin.

1.Trong ngày lễ hôm nay, chúng ta nhớ đến Mẹ Maria-người nữ bị lưỡi gươm đâm thâu như lời ông Sion nói triên tri "một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà" (Lc 2,35).
Quả thật, Mẹ Maria là người phụ nữ tuyệt hảo, nhưng cuộc đời Mẹ lại chẳng mấy êm đềm, lắm chông gai. Chắc hẳn, Mẹ đã phải đối mặt với dư luận của làng xóm, khi một người thiếu nữ chưa kết hôn mà lại mang thai. Chưa hết, Mẹ, thánh Giuse và Hài Nhi đã phải chạy trốn sang Ai cập để thoát khỏi sự bách hại của Vua Hêrôđê Cả. Sự kiện lạc con Giêsu trên đường hành hương cũng làm cho Mẹ lo buồn rứt ruột. Nhưng có lẽ, trong cuộc đời Mẹ thách thức không gì tột độ cho bằng giây phút chứng kiến cảnh tượng con mình bị kết án như một tên tử tội trên thập giá. Rồi Mẹ gặp phải thách thức của một góa phụ trong xã hội trọng nam khinh nữ lúc bấy giờ. Nhưng với ánh nhìn được tia sáng Phục Sinh chiếu rọi, chúng ta hãy dừng lại để chiêm ngắm việc Đức Mẹ gắn bó với cuộc khổ nạn cứu chuộc của Con mình. Đứng kề bên thánh Giá, giữa đám đông, Mẹ “đứng thẳng”. Có lẽ thánh sử muốn trình bày tính can trường trong khi Đức Maria và các bà khác chịu đựng đau khổ. Cách riêng thế đứng thẳng của Đức Maria gần bên Thập Giá là sự cương quyết và lòng can đảm khi đối đầu với sự đau khổ.  Mẹ hiện diện nơi đó với trái tim bằng xương bằng thịt, đau đớn tột cùng nhưng đầy dũng cảm và tình thương xót. Mẹ đã hiệp thông sâu sắc với nỗi đau với Con mình bằng thái độ nên một. Mẹ không hành động, Mẹ chỉ đứng đó và lặng trầm trong tâm tình của một người Mẹ chứa chan lòng tin, sự dịu hiền và nhân từ trước sự dữ.
Với chúng ta, mỗi người đều có riêng một Núi Sọ của đời mình. Mỗi tâm hồn đều có những nỗi đau ẩn kín không dễ gì chia sẻ cho bất cứ ai.  Vì vậy, lắng đọng một phút cùng với trái tim của Mẹ Thiên Chúa hôm nay, chúng ta hãy hình dung một con tim đầy thương tích vì những đau khổ trong hành trình theo người Con Một của Chúa Cha. Chúng ta hãy khởi đi từ một trái tim đầy tình thương xót, vị tha của Mẹ, để nhìn lại những thương tích trong cuộc sống chúng ta. Những thương tích đó có còn làm cho chúng ta cảm thấy đau đớn hay mất hy vọng ?. Chúng ta hãy cầu nguyện với Mẹ, và xin Mẹ cho ta cảm nếm sự quan tâm dịu hiền của Mẹ. Xin Mẹ ban ơn nâng đỡ để chúng ta không mất đi niềm tin và hy vọng, nhưng học nơi Mẹ lòng tin mãnh liệt, sự cậy trông và dịu hiền trước những gian nguy của cuộc sống. 
 
2. Trong ngày lễ hôm nay, chúng ta cũng nhớ đến vai trò Hiền Thê của Mẹ trong Giáo Hội.
Trình thuật của thánh sử Gioan (19, 25-27) đã mô tả hình ảnh của Mẹ đứng dưới chân Thập giá với người môn đệ và một vài bà khác. Hướng về người Mẹ của mình, Chúa Giêsu dùng một từ rất trịnh trọng “Thưa bà!”.  Từ “Bà” là từ mà sách Sáng Thế đã dùng để chỉ Eva, người đàn bà đầu tiên đã đưa loài người đến chỗ chết, nhưng Chúa Giêsu gọi Mẹ bằng tiếng đó để như mời gọi Đức Maria hãy đóng vai trò làm Mẹ Cứu Rỗi, Mẹ của những người được tái sinh nhờ thập giá của Đức Giêsu. Khi trao Mẹ cho Thánh Gioan, Chúa Giêsu cũng muốn cho mọi tín hữu hãy nhận lấy sự bảo trợ của Đức Maria, đón nhận và đối xử với Đức Maria như Mẹ của mình. Thực vậy, những lời trăn trối trên không còn đơn thuần là chuyện riêng tư trong gia đình: gửi gắm bà góa bụa cho người môn đệ trông nom săn sóc (vì Mẹ đã quen sống một mình từ khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai), nhưng hàm súc ý nghĩa sâu xa hơn nhiều.  Quả thế, “Này là Mẹ con!”(Ga 19,27), câu nói ngắn ngủn này đặt nền tảng cho tất cả tấm lòng hiếu thảo mà mỗi Kitô hữu cần dành cho Mẹ Maria. Thật vậy, dưới chân Thập giá, ngoài việc làm ứng nghiệm lời Kinh Thánh về cái chết của Chúa Giêsu, thánh Gioan còn mạc khải ơn cứu độ cho Hội thánh. 
Mẹ Maria đã được Chúa trao phó cho thánh Gioan và mời gọi cộng tác với Chúa trong việc tái sinh mỗi người vào đời sống ơn thánh. Vì vậy, chúng ta hãy đón tiếp Mẹ vào đời sống chúng ta: yêu mến tin tưởng nơi Mẹ. Hãy chạy đến vòng tay nhân ái của Mẹ mỗi khi cần trợ giúp, vì Mẹ là Mẹ của từng tín hữu chúng ta. Hơn nữa, tâm tình yêu mến và phó thác sẽ là chưa đủ nếu chúng ta không chứng minh bằng hành động. Vì vậy, từng Kitô hữu được mời gọi hãy nhìn ngắm mẫu gương của Mẹ để bắt chước, để như người con thảo hiếu, mỗi ngày chúng ta nên giống người Anh Cả hết lòng tôn kính Mẹ. 
 
Cầu nguyện:
 
Lạy Mẹ, chúng con cám ơn Mẹ đã nhận chúng con làm con của Mẹ, và thông chia mọi nỗi đau khi đồng hành với Con Một của Thiên Chúa. Vì Mẹ đã không bao giờ mất hy vọng, nhưng một lòng tín thác vào tình yêu quan phòng của Chúa trên mọi nẻo đường. Xin giúp chúng con biết hiệp cùng nỗi đau của Mẹ, dâng lên Chúa của lễ hy sinh đời thánh hiến, hầu chúng con được triển nở trong đức tin, và trở thành những người được cùng hoan hỉ với sự Phục Sinh của Chúa Kitô- Con Mẹ. Amen.
 
Nt. Lê Linh NVHB.