“FIAT” Là Gì Hở Mẹ ? - Tác giả: Bút Chì, MRP



Gần đây Tôi có dịp đọc một quyển sách có tựa đề « Linh thao là gì hở mẹ » của hai tác giả Bartolomeo Nguyễn Anh Huy SJ. và Giuse Lê Đắc Thắng SJ. Tập sách nhỏ nói về việc tìm hiểu linh thao của một cậu sinh viên với Mẹ của mình trước khi bước vào cuộc linh thao 30 ngày. Hình ảnh dễ thương, dễ gần ấy khiến tôi lóe lên câu hỏi : « Fiat là gì hở Mẹ ? » khi suy tư về lối sống vâng phục theo gương mẫu Mẹ Maria.

Nói về sự vâng phục của các tu sĩ là đề tài được rất nhiều tác giả dành thời gian suy tư, nghiên cứu. Bài viết này không đề cập đến vấn đề thần học về vâng phục, cũng không bàn bạc, nghiên cứu về lời khấn vâng phục, nhưng Tôi xin góp một chút suy tư về lối sống vâng phục theo « phong cách » vâng phục của Đức Maria. Chính kinh nghiệm sống lời khấn vâng phục đã khiến Tôi thao thức suy tư về việc sống vâng phục, nhiều lần chiêm ngắm Mẹ Maria Tôi đã tự hỏi : « Fiat là gì hở Mẹ ? ». Phải chăng « Fiat » là nghe và tin theo- như từ điển Công giáo định nghĩa : «Vâng phục là nghe và tin theo». Mẹ đã sống lời xin vâng như thế nào ? 

Kinh Thánh cho biết Đức Maria đã xin vâng cách tuyệt đối khi Mẹ tin và làm theo kế hoạch của Thiên Chúa. Sau cuộc đối thoại với sứ thần Đức Maria đã thưa lên đầy khiêm tốn : « Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói. » (Lc 1, 38).  Qua lời « Fiat » này, Mẹ quyết định hiến toàn thân cho dự định chưa biết rõ ấy, vì lòng tin tưởng hoàn toàn mà Mẹ đặt nơi Tình yêu Thiên Chúa. Một lời « Fiat » khởi đi từ lời ưng thuận trong ngày truyền tin, tiếp nối qua từng biến cố, rõ nét ở tiệc cưới Cana và trải dài cho đến lúc đứng dưới chân thập giá (x. Hiến pháp Dòng đ. 37 – Dòng Nữ Vương Hòa Bình). 

« Fiat là gì hở Mẹ ? » Fiat là lắng nghe và nhận ra tiếng Chúa trong tinh thần con thảo, với lòng phó thác. Lắng nghe trong sự khiêm tốn, khôn ngoan và dám đối thoại, điều này trái với sự lắng nghe trong thái độ « miễn cưỡng », nghe trong thái độ của một kẻ « làm công », thường chỉ nghe cho qua mà không có sự phân định, đối thoại, chọn lựa và phó thác. Fiat là thưa Xin Vâng trong tinh thần đối thoại, phân định như Mẹ đã từng kinh nghiệm : «Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng.» (Lc 1, 34) Fiat là lắng nghe và tin rằng: « Đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được. » (Lc 1, 37) Chính chọn lựa và cách sống của Mẹ đã trả lời cho câu hỏi: Fiat là gì ? Quả thế, nếu chúng ta không có tâm hồn biết lắng nghe chúng ta sẽ chẳng bao giờ nghe được tiếng của Thiên Chúa ; nếu chúng ta không biết phân định và đối thoại thì việc lắng nghe của chúng ta chỉ mang dáng dấp của một người không có lập trường, chỉ mang tâm thế của một người làm công : « bảo sao làm vậy ». 

« Fiat là gì hở Mẹ ? » Fiat là tin và làm theo những gì Thiên Chúa truyền dạy. Mẹ đã từng sống tinh thần này và đã từng dạy các gia nhân tại tiệc cưới Cana : « Người bảo gì các anh cứ việc làm theo » (Ga 2,5) Đây chính là niềm tin và hành động của sự vâng phục. Mẹ đã nghe theo và tin vào lời sứ thần khi thưa lên lời xin vâng và sống tâm tình ấy qua mọi biến cố của cuộc đời. Biến cố sinh Hài Nhi nơi hang đá, đưa Con trẻ trốn sang Ai cập, tìm Chúa lạc trong đền thờ, và đỉnh cao là theo Chúa trên đường Thập giá. Chính tâm tình xin vâng và thái độ lắng nghe đã giúp Mẹ không bỏ cuộc trước bao điều trái ý, trái với thói thường và dường như hơi khác so với lời đã hứa « Bà sẽ sinh hạ con trai đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng của Đavit. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận » (Lc 1, 31-33). Nếu không có đức tin và lòng phó thác trong tinh thần vâng phục Thánh Ý Chúa liệu Mẹ có can đảm đứng vững và kiên trì hiệp hành cùng Chúa đến cùng lên đỉnh Canvê ? 

« Fiat » là thế sao Mẹ ! Hèn chi con thấy mình mãi va vấp vì con chưa đủ lắng để nghe, có khi nghe mà chưa biết phận định, đối thoại và có thể nghe nhưng chưa tin và phó thác để kiên trì thi hành. 

Chiêm ngắm Mẹ để nhận ra « Fiat » là gì, Tôi xác tín hơn rằng: Để sống tâm tình xin vâng cho trọn, cần lắm một thái độ lắng nghe, một tâm hồn khiêm tốn cởi mở và một đức tin mạnh mẽ, can trường. Bởi chỉ khi tin, chúng ta mới nhận ra Thánh Ý Chúa qua mọi biến cố, mọi nơi và mọi người. Chỉ khi tin, chúng ta mới có khả năng đối thoại mà không đối đầu, bỏ ý riêng nhưng không bỏ sứ mạng, tự do nhưng không tự ái. Chỉ khi tin, chúng ta mới can đảm buông mình cho chương trình của Thiên Chúa và chỉ khi tin, chúng ta mới dám phó thác để thực thi đến cùng những gì Thiên Chúa mời gọi. 

« Fiat là gì hở Mẹ ? » chắc hẳn chẳng có lời giải thích hay câu trả lời và lý thuyết nào đủ thuyết phục cho bằng chính cuộc đời Mẹ đã sống. Muốn hiểu sâu sắc Xin Vâng là gì, chúng ta được mời gọi sống tâm tình ấy trong cuộc đời mình bằng thái độ lắng nghe, tin tưởng và can đảm thi hành qua tất cả mọi biến cố, mọi sự và nơi mọi người. Chỉ khi dám sống như thế thì kế hoạch của Thiên Chúa mới được thực hiện ; và những trang tiếp theo trên cuộc đời chúng ta vươn tới niềm vui tròn đầy Magnificat của Mẹ và như Mẹ. 

Ước gì nỗi niềm trăn trở « Fiat là gì hở Mẹ ? » khơi lên trong lòng chúng ta tâm tình yêu mến Mẹ qua việc chiêm ngắm, suy tư với Mẹ, cùng Mẹ. Nguyện cho ước muốn thi hành Ý Chúa với tâm tình xin vâng như người con thảo nơi chúng ta được cụ thể hóa trong mọi chọn lựa mỗi ngày ngang qua sứ mạng, trách nhiệm và cuộc sống của mỗi người. 

Xin dùng lời bài hát : « Từ lúc Mẹ nói lời xin vâng » của nhạc sĩ Trầm Hương thay cho lời kết để tiếp tục gợi lên ý tưởng giúp suy tư « Fiat là gì hở Mẹ ? » : « Từ lúc Mẹ nói lời xin vâng, trời với đất rất đỗi vui mừng. Ngọt ngào như dòng suối mát giữa nơi sa mạc. Huyền nhiệm quá muôn đời tiếng xin vâng. Mẹ thưa xin vâng, xin vâng trọn Thánh Ý Chúa Cha. Mẹ thưa xin vâng với Tin Mừng của con Chí Thánh. Mẹ thưa xin vâng, với tác động của Chúa Thánh Linh. Con muốn theo Mẹ : sống xin vâng với trái tim thảo hiền ». 

Bút Chì, MRP