Đức Maria, Sứ Giả Hòa Bình - Lê Linh MRP


ĐỨC MARIA, SỨ GIẢ HÒA BÌNH
 
Ngày đầu năm Dương lịch, phụng vụ dành tôn kính Đức Maria với tước hiệu là Mẹ Thiên Chúa. Và từ năm 1968 Đức Giáo Hoàng Phaolô VI lại dành ngày 1 tháng Giêng nầy để cầu nguyện cho hoà bình thế giới. Vì thế, đây quả là một cơ hội tốt để chúng ta chiêm ngắm Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, Nữ Vương Hòa Bình và là Sứ Giả Hòa Bình.
 
1. Maria - Nữ Vương Hòa Bình và là Sứ Giả Hòa Bình
 
Tước hiệu Nữ Vương Hòa Bình không phải là một tước hiệu Mẹ tự thủ đắc được, nhưng là nhờ ơn của Chúa qua đặc ân cưu mang Đấng Cứu Thế, Thái Tử Hòa Bình. Giêsu, Con của Đức Maria thực hiện lời tiên tri hứa cùng nhà Đavít. Ngài sẽ đem lại hoà bình cho Dân Chúa.
 
Thật vậy, nếu các tước hiệu nơi Mẹ Maria nhằm biểu dương công đức ưu việt nơi Mẹ, thì với danh xưng Mẹ Thiên Chúa, chúng ta xưng tụng Mẹ là người diễm phúc được Thiên Chúa tuyển chọn để cưu mang và sinh hạ Đức Giêsu là người thật và là Thiên Chúa thật, nên được gọi là Mẹ của Thiên Chúa. 
Đức Maria đã trở nên Nữ Vương của Hòa Bình, người con của Mẹ thực hiện lời tiên tri hứa cùng nhà Đavít. Ngài sẽ đem lại hoà bình cho Dân Chúa (9,5); và theo thánh Phaolô: Đức Kitô được gọi là "hòa bình của chúng ta" (Ep 2,14); Đấng được Mẹ cưu mang và sinh hạ là nguyên nhân của Hòa Bình, đã đến chuộc tội nhân loại, làm cho trời đất giao hòa, đem lại sự bình an hòa giải giữa con người với Thiên Chúa (x. Is 9,5/ Ga 14,27/ Cl 1, 20). Quả vậy, điều Đức Maria dâng tặng cho mọi người trong mọi thời đại không phải là vinh quang danh dự trần thế, niềm vui và hòa bình tạm bợ, nhưng chính Đấng là Hòa Bình, món quà ánh sáng, món quà của sự sống đời đời. Khi Đức Giê su đến, hòa bình đích thực được ngự trị.
 
Ngoài ơn đặc biệt được cưu mang Đấng Cứu Thế -Vua Hòa Bình, Mẹ Maria cũng đã sống tròn đầy tâm tình của một người nữ hòa bình, một sứ giả hòa bình. Trước hết, chúng ta hãy nhìn cách Mẹ mong đợi Đấng Cứu Thế với lòng quảng đại hân hoan.

Hình ảnh một thiếu nữ trẻ tuổi đã phó mặc định mệnh mình một cách ngoan ngùy cho Thiên Chúa với tiếng “Xin vâng” trong biến cố Truyền tin nếu đó không phải là xuất phát từ một con tim là quảng đại. Sự bình an của Mẹ được nuôi dưỡng bằng Lời con của Mẹ vì Mẹ “hằng giữ kỹ mọi điều ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19). Mẹ luôn sống chân thật với bản thân mình và trước mặt Thiên Chúa vì Mẹ biết rằng Mẹ chỉ là “phận nữ tì hèn mọn, được Người đoái thương nhìn tới” (Lc 1, 48). Sự an bình thực của một tâm hồn là sự an bình ngay cả những lúc đau khổ như Đức Giêsu đã nói: “Bình an của Thầy không như thế gian ban tặng” (Ga 14,27). Mẹ Maria của chúng ta đã thủ đắc được sự an bình ngay cả trong những sóng gió của cuộc đời mà không ngừng cất lên lời ca ngợi. Biến cố hạ sinh Hài Nhi trong khó khăn có lẽ đã mang cho Mẹ một sự kinh ngạc. Nhưng chúng ta thấy, bên cạnh đó là hình ảnh một người mẹ trầm lắng ngồi bên Con mình để phân định ý Thiên Chúa sâu xa hơn. Có lẽ Mẹ cũng không đánh mất sự bình tâm khi cùng gia đình trốn sang Ai Cập và quyết định trở về lại mái nhà Nazarét, để bảo vệ sự sống, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đầy đủ và hài hòa của con trẻ Giêsu.

 
Tại đây, sự kiện lạc mất con trong đền thờ đã thật sự không khiến Mẹ trở nên giận dữ, nhưng thay vào đó là thái độ lắng nghe Con của Mẹ với tất cả sự tùng phục trong khiêm tốn. Sự khiêm tốn nơi Mẹ chính là sức mạnh để Thiên Chúa chống lại sự kiêu căng của thế gian (x. Lc 1,52). Và có lẽ không gì đau khổ cho bằng phút giây đứng dưới chân Thập Giá khi chứng kiến cảnh đau thương của Con. Nhưng Mẹ đã không hành động, Mẹ chỉ đứng đó và lặng trầm với một niềm tín thác, sự dịu hiền và vâng phục thẳm sâu. Mẹ Maria đã luôn giữ một sự bình an trong tâm hồn, trên nét mặt, trong lời nói và hành động.
 
Hơn thế nữa, Mẹ Maria, như một người được hiến thánh cho Thiên Chúa, cũng đã tự nguyện mang lấy một sứ mệnh làm sứ giả trao ban Thái Tử Hòa Bình cho nhân loại mà gia đình Chị họ Isave là đại diện. Chúng ta hãy chiêm ngắm bước chân “vội vã” của Mẹ trong hành trình về Giuđêa (Lc 1,39). 
 
Mẹ hân hoan biết mấy khi lên đường loan báo tin mừng trọng đại. Và chúng ta cũng hãy nhìn ngắm niềm vui vỡ òa khi bà Êlizabét và con trẻ gặp gỡ Mẹ: “Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến với tôi thế này. Vì tai tôi khi vừa nghe tiếng em chào thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng” (Lc 1,43-44). Niềm vui của người có bình an thật sự có sức lan tỏa nồng ấm. Chưa hết, trong tiệc cưới Cana, Mẹ cũng đã trở nên như men hòa bình, hiện diện âm thầm nhưng nhạy bén với nhu cầu của tha nhân, không để cho tiệc cưới xảy ra điều bất trắc. 
Giáo Hội đã chọn ngày đầu năm mới này để cầu nguyện cho Hòa Bình Thế Giới, nhờ lời chuyển cầu của Hiền mẫu Maria, với tước hiệu Mẹ Thiên Chúa - Mẹ của Thái Tử Hòa Bình,
 
2. Nối gót Mẹ sống tâm tình hòa bình
 
Chinh phục và gieo rắc hòa bình là một linh đạo không bao giờ lỗi thời vì hòa bình là mong ước của con người trong mọi thời đại. Những năm trong thế chiến, nhân loại khao khát mòn mỏi hòa bình dưới những làn bom đạn ngày đêm không ngớt. Ngày nay, nhiều nơi trên thế giới đã được vơi đi những hậu quả của chiến tranh tàn khốc, nhưng trái lại hòa bình đích thực đang bị đe dọa trên mọi bình diện của cuộc sống. Vì thế, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã định nghĩa sự bình an này không nên giới hạn theo nghĩa “không có chiến tranh” hay không có sự bất hòa giữa người với người. Nhưng ta cần hiểu nó trong bình diện thực tại thâm sâu: đó là sự bình an trong tâm hồn, hoa quả của sự giao hòa với Thiên Chúa. Chỉ có một tâm hồn sạch tội được giá máu Đức Kitô cứu chuộc mới mở cho chúng ta một lối để đến gần với Thiên Chúa. Vì thế nhân ngày lễ hôm nay chúng ta hãy học nơi Mẹ cách thủ đắc hòa bình cho bản thân và cho người khác để như khí cụ hòa bình, chúng ta góp phần làm cho thế giới này được thực sự sống an hòa. 
 
- Chinh phục hòa bình cho bản thân, trước hết, là chinh phục mối liên hệ mật thiết với Thiên Chúa, nguồn gốc của Hòa Bình. Đây tình trạng của một tâm hồn sạch tội, là sự bình an nền tảng nhất. Không có sự giao hòa với Thiên Chúa, thì những bình an khác không thể tồn tại. Như Mẹ Maria, Mẹ đã không ngừng suy đi nghĩ lại Lời của Thiên Chúa, để rồi Chúa chính là nguyên nhân bình an sâu xa trong suốt cuộc đời Mẹ. Bên cạnh đó, sẽ không có hoà bình nếu không có sự tha thứ. Tha thứ được ví như luồng sáng giúp xua tan đi bóng tối đang vây kín tâm hồn xao xuyến, bất an của ta. Và chúng ta hãy sống vị tha vì trước đó, chúng ta đã được Chúa thứ tha rất nhiều. 
 
Người thủ đắc được bình an cũng là người mang tâm hồn, thái độ, ngôn ngữ và hành động hòa bình. Một người mang ngôn ngữ hòa bình là người thốt ra lời bác ái nhằm vun đắp và xây dựng. Một người có thái độ hòa bình là người biết cưu mang sự dịu hiền và nhân hậu trong cung cách như Đức Giêsu. Cũng thế, người có một tâm hồn bình an là người có một tấm lòng khiêm tốn, không để cho sự kiêu căng chế ngự, vì họ biết rằng sự kiêu căng cản trở việc đối thoại trong hòa bình. Như Thiên Chúa, vì muốn mang đến cho nhân loại tình yêu, bình an và hạnh phúc, Ngài đã tự nguyện trở nên Hài Nhi bé nhỏ. Chính trong sự nhỏ bé, ngây ngô khiêm nhường và tha thứ ấy, Thiên Chúa đã biểu lộ sức mạnh vô biên. Bình an thực sự là sự bình an thư thái được toát ra ngay trong tâm hồn của con người.
 
-Thứ đến, chinh phục hòa bình là trao ban bình an cho tha nhân. Như Mẹ đã mang niềm vui và hy vọng cho nhà Dacaria, chúng ta cũng hãy học nơi Mẹ sự mau mắn trao ban bình an đó. Có thể có những lúc chúng ta thấy mình không có gì để trao ban, nhưng chỉ cần một nụ cười đến với những người ta gặp gỡ cũng là món quà đầy yêu thương và ấm áp rồi. Chinh phục dĩ nhiên đòi sự chiến đấu, xông pha, chấp nhận mất mát. Như “hạt lúa gieo vào lòng đất mà chết đi thì sẽ sinh nhiều bông hạt” (x. Ga 12,22), người biết hy sinh xả thân cho người khác cũng sẽ gặt hái được niềm vui và sự an bình ngay chính trong tâm hồn. Vì chính khi đón lấy những niềm vui và đau khổ của tha nhân vào niềm vui và sự đau khổ của chúng ta là lúc tâm hồn chúng ta được rộng mở. Noi gương Mẹ trên hành trình thăm viếng, người tông đồ hòa bình cần phân định rằng: Trang bị phương tiện tối tân không quan trọng cho bằng trang bị một trái tim yêu thương được làm mới lại qua sự hiện diện ấm áp tràn đầy bình an.
 
Nếu chúng ta chỉ giới hạn quan niệm sống hòa bình trong mức độ cố gắng làm tất cả để không gây ra bất hòa thì chưa đủ, vì sự bình an đích thực mà Chúa Giêsu muốn trao tặng là sự bình an chinh phục ngang qua con đường Thập Giá: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ” (Lc 12,53). Và Đức Giê su chính là dấu hiệu cho người đời chống báng (x. Lc 2,35).
Sự hiện diện của Đức Giêsu lột trần bạo lực và giả dối sẵn có trong xã hội. Vì thế, người tín hữu được mời gọi đặt các giá trị Tin Mừng lên hàng đầu trong các chọn lựa của chúng ta. Vì Chúa đòi hỏi người tông đồ hòa bình một thái độ sống trong chân lí và sự thật. Dám thách thức phê bình và phá tan sự yên ổn giả tạo của trái đất, nơi còn chứa đựng những chân lí nửa vời của cán cân thăng bằng không lành mạnh giữa lòng tham và lòng nhát đảm.

Người sống hòa bình là dám “tìm và thực thi ý Chúa” và sống trung thực với Tin Mừng. Đức Cha Paul Seitz, Giám Mục Giáo phận Kontum (1906-1984) và là Đấng Sáng lập Dòng Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình cũng đã thổ lộ tâm tình sống hòa bình này qua nỗ lực đòi hỏi sự công bằng, qua thư mục vụ gửi cho giáo hữu Việt Nam về nhiệm vụ truyền giáo đối với anh em Thượng 1958. Ngài muốn các tín hữu di cư lên miền Thượng phải đấu tranh vì sự công bằng cho anh em Dân tộc thiểu số được hưởng một đời sống xứng với nhân phẩm, vì họ có cùng một Giá Máu Cứu Chuộc như chúng ta. Vì vậy, chinh phục hòa bình cũng là quan tâm đến những người bé mọn và nỗ lực chăm sóc giáo dục cho những người yếu đuối và anh em Sắc tộc.

 
Như vậy, muốn có hòa bình đúng nghĩa, chúng ta không thể ngồi mong đợi cách thụ động. Nói cách khác, muốn có hòa bình phải đòi phải phấn đấu và đấu tranh, để tiêu diệt cái xấu và phát triển cái tốt; đấu tranh cho những bất công trong xã hội, và chiến đấu cho lẽ phải để bảo vệ sự thật và sự công bằng. Được như thế chúng ta mới có được niềm vui thật sự trong lòng, vì biết rằng mọi anh em và mọi tạo vật quanh ta cũng có được cuộc sống bình an.
Vì vậy, mừng lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của Thái Tử Hòa Bình, chúng ta hãy noi gương Mẹ cách chinh phục hòa bình cho mình và cho người khác, nhờ vượt thắng được tội lỗi, sống đức tin, đức cậy vững vàng, vâng phục ý Chúa trong mọi sự và sẵn sàng tham dự vào mầu nhiệm Thập Giá. Chúng ta đặt Năm Mới này vào tay Đức Mẹ để xin Mẹ cầu cùng Chúa cho mọi người đón nhận được sự an lành suốt năm; và cùng nhau được hưởng ơn cứu độ. 
 
Nguyện xin Đức Maria là Nữ Vương Hoà Bình ban cho chúng ta, cho các gia đình, cho thế giới nền hoà bình của Chúa Kitô – Hoà bình mà Đấng Cứu Thế, Con của Mẹ Maria đã đem xuống trần gian cho loài người trong đêm Giáng Sinh, để chúng ta biết sống hoà thuận yêu thương nhau, xây dựng hoà bình từ trong mái ấm gia đình, trên quê hương đất nước và trên toàn thế giới.
 
Nt. Lê Linh MRP