Thế Giới Ta Đang Sống, Vừa Xinh Đẹp Vừa Đổ Vỡ - Phi Uyển MRP


THẾ GIỚI TA ĐANG SỐNG -
 VỪA XINH ĐẸP VỪA ĐỔ VỠ

Những trang đầu tiên của Kinh Thánh đã mặc khải cho chúng ta về một thế giới xinh đẹp được tạo dựng bởi chính Đấng Tạo Hóa là nguồn mạch Chân Thiện Mỹ. Vũ trụ và muôn loài hòa hợp với nhau. Thiên nhiên xinh đẹp tràn đầy sức sống. Sau mỗi ngày tạo dựng Thiên Chúa thấy mọi sự đều tốt đẹp. Khi khám phá thế giới, chúng ta không ngừng ngạc nhiên và thán phục trước vẻ đẹp hùng vĩ của nó. Có những vẻ đẹp thật kiêu sa, lộng lẫy nhưng cũng có những vẻ đẹp thật đơn sơ, mộc mạc, tất cả hòa quyện tạo nên một bức tranh thế giới diệu kỳ. Có những vẻ đẹp do thiên nhiên mang lại nhưng cũng có biết bao vẻ đẹp nhờ vào trí óc sáng tạo và bàn tay khéo léo của con người điểm tô thêm. 

Có những con người luôn ra sức chăm sóc, bảo vệ thiên nhiên với những sáng kiến và phong trào cụ thể như thiết lập những siêu thị bán đồ tái chế, hạn chế sử dụng túi nilông, trồng cây xanh,.. Một cặp vợ chồng người Brazil là ông Sebastião Salgado và vợ - bà Lélia đã dành 20 năm để rồng lại toàn bộ khu rừng với hàng triệu cây xanh trên một nông trại chăn nuôi gia súc cằn cỗi; biến một mảnh đất từ khô cằn, hoang hóa trở thành một rừng cây xanh mát, sống động… (x. https://laodong.vn/the-gioi/kho-tin-cap-vo-chong-danh-20-nam-de-trong-canh-rung-sieu-to-khong-lo-764089.ldo). 

Đức Thanh Cha Phanxicô nối kết tất cả chúng ta với thiên nhiên: “Chúng ta là một phần của thiên nhiên, ở trong thiên nhiên, và vì thế thường xuyên tương tác với thiên nhiên” (Laudato Si – số 139). Nhưng trong thực tế, chúng ta không còn ý thức rằng trái đất này là ngôi nhà chung, nơi mà chúng ta đang chung phần sự sống. Do tội lỗi đã đi vào thế gian, tương quan hài hòa giữa con người và thiên nhiên bị phá vỡ, tai ương, đau khổ không ngừng đe dọa đời sống con người. Chúng ta thật không lạ lẫm gì với những thuật ngữ như ô nhiễm không khí, nước, đất, tiếng ồn, phóng xạ, ánh sáng, nhiệt, sự nóng lên toàn cầu, khí hậu thay đổi, thoái hóa đất, tài nguyên cạn kiệt, phá rừng, cháy rừng, xảy ra khắp nơi. Có những con sông thay vì ôm ấp nơi mình những dòng nước trong xanh đem lại sự sống, thì lại tràn ngập rác và mùi của sự chết. Bê tông hóa diễn ra khắp mọi nơi. Thiên nhiên đang kêu khóc vì chúng ta đang hủy hoại chúng qua cách sử dụng vô trách nhiệm và lạm dụng của cải vật chất. Chúng ta tự xem mình là chủ nhân của trái đất và muốn sử dụng bóc lột thế nào tùy ý (Laudato Si – số 2). Chúng ta dường như không còn thấy một ý nghĩa nào khác của môi trường thiên nhiên ngoài nhu cầu sử dụng và tiêu thụ trước mắt (Laudato Si – số 5). 

Sống trong một thế giới mà đa số con người đang cố gắng vươn tới yêu thương, liên đới với nhau, chúng ta vô cùng cảm phục khi đọc tin tức đó đây hay được chứng kiến những mẫu gương sống yêu thương chia sẻ, quan tâm chăm sóc; trên thế giới có những con người sống với, sống vì và sống cho người khác, thậm chí hy sinh chính mình, trao ban những gì mình có. Những người nghèo chia sẻ, nâng đỡ nhau, tạo việc làm cho nhau. Nhiều người tự nỗ lực vươn lên đồng thời cố gắng hỗ trợ người khác nâng cao đời sống.
Bên cạnh những người không ngừng tìm mọi cách để bảo tồn và làm đẹp thiên nhiên, thì vẫn còn biết bao con người đã vì lợi ích của bản thân từng ngày vẫn đang ra tay tàn phá thiên nhiên. Chúng ta lại đang sống trong một thế giới mà ĐTC Phanxicô gọi là một thế giới “vứt bỏ”. Không chỉ vứt bỏ thức ăn và vật dụng thừa thải mà đôi còn vứt bỏ chính con người” (Fratelli Tutti số19).

“Con người không còn được coi là giá trị tối thượng cần được chăm sóc và tôn trọng nữa, đặc biệt khi họ nghèo nàn và tàn tật, chưa hữu dụng hay không còn cần nữa” (Fratelli Tutti số18). Biết bao lần cõi lòng chúng ta nặng trĩu, con tim như muốn vỡ tan khi chứng kiến hay đọc thấy trên mạng xã hội những tin tức chém giết lẫn nhau, sẵn sàng tước đi mạng sống của người khác ngay cả những người thân cận chỉ vì những lý do đơn giản. Con cái sẵn sàng giết chết, thậm chí chôn sống cha mẹ; anh chị em, họ hàng chém giết nhau. Thay vì xây dựng nền văn hóa hòa bình yêu thương, chúng ta lại vô tình tạo nên nền văn hóa “xây tường”. Kỹ thuật không ngừng tiến bộ, “xã hội ngày càng trở nên toàn cầu hoá, biến chúng ta thành hàng xóm láng giềng với nhau, nhưng không làm chúng ta trở thành anh chị em của nhau. Chúng ta cô đơn hơn bao giờ hết trong một thế giới đang bùng nổ chóng mặt; chúng ta sống bên nhau, là hàng xóm của nhau nhưng lại không biết nhau (Fratelli Tutti số12). 

Các nước trên thế giới đều thúc đẩy phát triển dân giàu nước mạnh, thế nhưng trong thực tế sự chênh lệch giàu nghèo lại quá rõ rệt. Có những người sẵn sàng chi tiền tỉ mỗi ngày trong khi đó có những con người mong chờ từng chén cơm, manh áo. Có những người không thương tiếc phung phí vứt bỏ đồ vật, trong khi đó biết bao người phải tìm miếng ăn nơi những đống rác. Chúng ta hãnh diện về đất nước của chúng ta khi theo dõi các chương trình như siêu trí tuệ hay tài năng trẻ… Chúng ta không thiếu người tài giỏi, thế nhưng chúng ta lại rơi vào tình trạng chảy máu chất xám, đất nước vẫn chưa phát triển được. Thế giới của chúng ta sẽ tuyệt vời biết bao, nếu chúng ta biết làm cho sự tăng trưởng của sáng kiến khoa học kỹ thuật đi đôi với sự bình đẳng và tính liên hệ xã hội, khi chúng ta khám phá các hành tinh xa xôi, các khám phá khoa học mới, chúng ta cũng biết tái khám phá nhu cầu của anh chị em, mà họ đang trong quỹ đạo quanh chúng ta” (Fratelli Tutti số 30).

Chúng ta đang sống thời mà chúng ta gọi là văn minh tiến bộ, tiến bộ về mọi lĩnh vực của đời sống thì vẫn còn đó nhiều gia đình đổ vỡ, biết bao người sống trong tuyệt vọng, không mục đích, không tương lai, trẻ em người già bơ vơ, đàn ông cô đơn, phụ nữ bị bạo hành, nhiều người bị vứt bỏ. Một thế giới dường như có sẵn mọi thứ nhưng lại vô tình làm ta đánh mất đi những thứ quan trọng nhất của đời mình là tình yêu, hạnh phúc gia đình khi tỉ lệ ly thân, ly dị, phá thai, bạo lực gia đình ngày càng tăng, đời sống đạo đức gia đình bị suy giảm. Thậm chí chúng ta đã đánh mất chính mình khi để cho sự ồn ào xâm chiếm tâm hồn, bị lôi cuốn và chạy theo những trào lưu của xã hội. Chúng ta dường như đang đánh mất cảm thức thuộc về một gia đình nhân loại, không còn khả năng để nhìn nhận tất cả là anh chị em với nhau, bởi đó giấc mơ chung tay hành động vì công lý và hoà bình dường như là một điều gì đó xa vời. Thay vào đó, là sự thờ ơ nguội lạnh, một lối sống vô cảm, dửng dưng (Fratelli Tutti số 30). Biết bao kế hoạch, phong trào xây dựng hòa bình, đấu tranh cho nhân quyền, bảo vệ sự sống, những phát minh y học, khoa học mới thì chiến tranh, bom nguyên tử nổ chết bao người vô tội, tệ nạn xã hội, nạn đói, dịch bệnh... vẫn xảy ra hằng ngày.

Cuộc đời chúng ta là biển cả mênh mông, đôi khi biển dậy sóng, lúc khác lại lặng yên, nhưng nó luôn luôn đẹp. Thế giới bên ngoài đầy xung đột, bị chi phối lẫn lộn bởi sáng và tối, tốt và xấu, lành và dữ, lợi và hại, hòa điệu và hỗn loạn… Mọi thụ tạo thật tốt lành, nhưng cũng đầy nổi loạn. Thiên nhiên thật kỳ diệu, nhưng thiên tai thật ác nghiệt. Lòng người thật kỳ diệu, nhưng cũng thật kỳ cục, khó hiểu. Nội tâm con người bị xung khắc, bị chi phối lẫn lộn bởi thiện và ác, lành và dữ, phải và trái, đúng và sai, yêu và thù, tinh thần và thế tục.

Là tu sĩ, chúng ta có thể nỗ lực cả về phương diện cá nhân lẫn cùng nhau hợp tác để thay đổi tình hình. Từng ngày, chúng ta đón nhận và thưởng thức sự phong nhiêu, vẻ đẹp cuộc sống với lòng biết ơn cũng như biết làm giàu cho mình những kinh nghiệm, bài học, ý thức thuộc về ngôi nhà chung nhân loại từ những đổ vỡ, mảnh ghép của cuộc đời. Hãy nhìn cuộc đời với những thực tại đúng của nó. Chúng ta phải cảm nếm và làm cho mọi người thấy rằng cuộc đời thật đẹp và đáng sống, cho dẫu tiến bước trong sự bấp bênh của cuộc đời, mong manh của phận mình, đổi thay của lòng người, nhưng trong đó vẫn đầy tràn sự phong nhiêu của ân sủng Thiên Chúa.

Hãy để cho Ngôi Lời là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống hướng dẫn chúng ta, ngõ hầu chúng ta sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian, hòa nhập với thế gian nhưng không bị hòa tan. Ước gì nền văn hóa quan tâm chăm sóc sẽ là nền tảng vững chắc để mỗi người chúng ta góp phần làm cho công trình tạo dựng của Thiên Chúa trở nên hoàn thiện và viên mãn hơn.

“Lạy Thiên Chúa tình yêu,
xin chỉ cho chúng con thấy vị trí của chúng con trong thế giới này
như là khí cụ chuyển trao tình yêu âu yếm của Ngài
cho tất cả mọi thụ tạo trên trái đất,
vì không một thụ tạo nào bị lãng quên trong ánh mắt của Ngài.
Xin soi sáng cho những ai đang làm chủ quyền lực và tiền bạc
để họ tránh cái tội vô tâm,
để họ coi trọng thiện ích chung, thăng tiến người yếu đuối

và chăm sóc thế giới mà chúng con đang sống” (Laudato Si’).


Nt. M.Phi Uyển MRP