Suy Tư Ngày Tàn Dương Thế - Tác giả: Nữ tu M.Têrêxa Nguyễn Thị Lan, MRP



 
Bước vào năm sinh hoạt mới của Hội Dòng để giúp người lớn tuổi hay quên, mỗi người được nhận một “tín thư” gồm điểm sống và thực hành trong năm, niên khoá  2024-2025 ghi rõ bốn điều:
 
1. Chuẩn bị tâm hồn về với Chúa.
2. Thinh lặng và kết hợp với Chúa.
3. Hy sinh và cầu nguyện cho việc truyền giáo.
4. Chứng tá cho chị em, qua đời sống bình an và yêu thương nhau.
 
Một trong bốn điều trên tôi được đánh động, đó là điều số 1 “chuẩn bị tâm hồn về với Chúa”.  “Chuẩn bị tâm hồn về với Chúa”, gợi lên cho tôi sự suy tư và suy nghĩ. Tôi xin mạo muội có đôi dòng nói lên điều tôi suy nghĩ:
Khi mặt trời buông! 
Bóng chiều tà che khuất ánh dương! 
Khi tôi, tuổi đời dương thế! 
được tám mươi lẻ một, tôi chờ đến ngày tàn dương thế,
Và tôi được ở Nhà Hưu Dưỡng, để chờ. 
Nhà Hưu Dưỡng, bên khung trời lặng tĩnh.
Bốn bề yên ắng, như hàng rào che chắn bao quanh.
Bên phải có triền đá đen,  
quanh năm, rong rêu phủ che kín tường đá.
Như thảm nhung xanh, như mảnh gấm đẹp.
Hoa văn được điểm bằng lá trầu bà sống động.
Tự do leo bò, thẳng đường tiến lên triền đá dốc.
Bên dưới chân triền đá…
Dọc dài, chạy khung hình cong vuông góc.
Nguyên mẫu chân phương khung hình chữ “L”. (tên Sr Lan)
Như dải lụa xanh mỏng mảnh, phơi phới bay bay chiều gió nhẹ.
Hoa bạch trầm hương, không thơm nhưng đẹp dáng…
âm thầm, tinh tuyền màu hoa trong trắng.
Cỏ lạc bên trái như thảm trải ngày Xuân
Lá xanh, hoa vàng lung linh tỏa sáng, ẩn mình khoe sắc.
Hàng cây cảnh, xen chậu hoa, chậu kiểng,
Lá đỏ, lá xanh, bên giàn hoa giấy màu hồng tím, điểm trang vẻ đẹp cho ngôi nhà.
Nhà Hưu Dưỡng, không chỉ đẹp cảnh quan, 
mà là nơi làm đẹp tâm hồn người lớn tuổi, 
chiều tà xế bóng, thanh vắng bên ngoài, tĩnh lặng bên trong. 
Nơi đây, cho tôi được dừng chân, quá ư vẹn toàn! Tuyệt vời lý tưởng!
 
Hành trang vào đời tĩnh nguyện, tôi luôn có và được mang theo. Đó là bốn điều sứ mạng cho riêng tôi, người già hưu dưỡng. Đó cũng là cơ hội để tôi bắt đầu cuộc sống cho sự trở về trong thinh lặng, để sống kết hợp và thường xuyên được gặp Chúa, được một mình âm thầm, trầm lắng bên nhà Chầu vắng vẻ. Để được Chúa thấm nhập toàn thân và biết được chính mình để được biến đổi. Ngoài sự thinh lặng, nó còn cho tôi được thấy Chúa và biết Chúa qua nhiều điều nhiều sự.
 
Để được thấy Chúa!
 
Tôi cần có sự hy sinh, nhiều lời cầu nguyện cho các linh hồn và nhiều người chưa nhận biết Chúa.
 
Thấy thế giới hôm nay, con số có hơn 8 tỷ người, nhưng trong số này chỉ có hơn 2 tỷ người là người Kitô hữu. Như vậy, số người chưa nhận biết Tin Mừng của Chúa còn hơn 5 tỷ người.
 
Từ nơi con số đông đảo hơn 5 tỷ người chưa biết Chúa
Lời Đức Kitô vang lên!
Như là lời cấp thiết của sứ vụ
Như là nhiệm vụ của cuộc đời Kitô hữu
 
Và như là lời mời của Đức Kitô: “Các con hãy đi khắp thế giới, rao giảng Tin Mừng cho mọi thọ tạo” (Mc 16,15).
Lời Đức Kitô vang lên! Cũng là lời Chúa mời tôi, cho dẫu bây giờ tôi không còn làm gì được nhiều với cuộc sống hiện tôi đang sống: tuổi già – yếu đau – bệnh tật….
 
Nhưng bằng chứng tá, tôi sống cuộc đời chân thật và thánh thiện, sống yêu thương, âm thầm trong các việc nhỏ.
 
Để được hoán cải cái tôi cũ kỹ, được nên người mới, được Chúa luôn sống động, biến đổi đời tôi nên chứng nhân của Ngài.
 
Được thấy Chúa: cho tôi biết buông bỏ các thứ như: tham - sân - si, biết đón nhận mọi ý riêng và chịu sự trái ý của mọi người cách lâu dài. 
 
Biết tự lập cho mình, chấp nhận tuổi cao bệnh tật, đau đớn với tinh thần “xin vâng” của Mẹ Maria, để chia sẻ kinh nghiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô.
 
Biết tự tập cho mình sự đơn sơ hiền lành và khiêm nhường, biết sống với nhau và chia sẻ, để “vui với người vui – khóc với người khóc” (Rm 12, 15).
 
Được thấy Chúa, còn cho tôi được trở nên tấm  bánh nhiệm mầu, chịu bẻ ra, để sinh ích cho tôi, cho sứ mạng người già hưu dưỡng. Tôi đang thực hiện, được trung thành giao ước tình yêu với ba Lời Khuyên Phúc Âm. Được gặp và chia sẻ với các chị hưu dưỡng mỗi ngày nơi nhà nguyện bé nhỏ: lần chuỗi Mân Côi, đọc kinh lòng Chúa thương xót, suy niệm Lời Chúa, cầu nguyên … Lời kinh ca tụng Chúa, tuổi già sức yếu với lời kinh yếu ớt, thều thào giọng thấp giọng cao. Nhưng hết mọi người rập ràng lòng sốt sáng cùng thưa lên: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc…”
 
Khi tuổi đời dương thế của tôi, "tám mươi lẻ một"!
 
Cho tôi một tuổi già với đủ loại bệnh tật, nhiều thứ bệnh không mời – không rủ - không ưng…nhưng tự động đến cùng một lúc. Nó đến như là dấu chỉ, tín hiệu báo cho biết: “thân phận đang dần xuống cấp”.
 
Dòng suy tư như cạn nguồn, mọi suy nghĩ, suy tư như đóng băng kém nhớ, việc làm lúc thẩn lúc thơ, nhớ nhớ quên quên, quên nhiều hơn nhớ…
 
Đang khi lúc này! Tôi được mời gọi nghe lời thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong thư gởi cho các người già năm 1999. Ngài nói: “Được sống đến tuổi già là một ân huệ. Hội Thánh tin nơi phần đóng góp bằng lời cầu nguyện của anh chị em”. Còn về đau khổ bệnh tật, Ngài nói: “Chính tình yêu Đức Kitô mang lại giá trị và ý nghĩa cho cuộc sống chúng ta, cả khi bệnh hoạn tật nguyền lấy đi mất sự vẹn toàn của thân xác”. Để nói lên trong thân xác không vẹn toàn này được trở thành những kinh nguyện.
 
Và cả trong tâm hồn “sự hoàn thành” của cuộc thương khó Chúa Giêsu Kitô, lời Thánh Thi trong giờ kinh Sáng cầu cho các tín hữu đã qua đời, soi cho tôi hiểu thêm về Đức Kitô, Chúa chúng ta.
 
Mọi tật nguyền của chúng ta, Ngài chia sẻ
Ôi tấm lòng mục tử lớn lao
Muốn chúng con cùng đau khổ với Ngài.
 
Qua những lời trên, cho tôi niềm xác tín, tin tưởng hơn, trọn vẹn cho tình yêu, ân sủng Thánh Thần của Thiên Chúa. Thêm một lần nữa cho tôi được hiểu: Những khổ đau bệnh tật, không là phải chịu, nhưng là được chịu, được kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu qua Lời Chúa và Thánh Thể, qua đau khổ và hy sinh, cũng như mầu nhiệm thêm hạt lúa miến. Những khổ đau bệnh tật không bị dìm sâu nhận chìm, nhưng nhờ qua đau khổ, tất cả được tinh anh trong sáng, cả thân xác và linh hồn thì được thanh luyện vẹn toàn.
 
Bây giờ và lúc này, ngày tàn của cuộc đời dương thế, tôi chưa đến với tôi. Thời gian tôi còn phải đợi! Như là một ân ban của Chúa cho tôi được có sự chuẩn bị. Chuẩn bị cho bình dầu của đèn tôi không thiếu – không vơi, được ngược lại, đầy đủ dư dật, để chăm chút cho ngọn đèn luôn được cháy sáng. 
 
Nhờ có ánh sáng của ngọn đèn chờ! 
Cho tôi tỉnh thức để đợi trông. 
Hơn hết, trong giờ lâm chung,
bất chợt Chúa gọi lúc nào, tôi không biết. 
 
Thêm một lần nữa, xin Chúa cho con biết chuẩn bị: chuẩn bị tư thế - dáng đứng của người tôi tớ tín trung tỉnh thức, sẵn sàng trên tay cầm đèn lung linh tỏa sáng. Để khi nghe tiếng gọi, con thưa: “Dạ, con đây xin Chúa gọi con”.
 
Ngày tàn dương thế, đang diễn ra trong suy tư, trong cụ thể để thực hành. Tôi rất cần lời cầu nguyện trợ giúp. Xin thương cầu nguyện cho tôi.
 
Nữ tu M.Têrêxa Nguyễn Thị Lan
Cộng đoàn Nhà Hưu Dưỡng – Nữ Vương Hòa Bình