Sự Chết Và Đời Sống Dâng Hiến - Nhung Lê, MRP



Tháng 11- Giáo Hội dành riêng để cầu nguyện cho các Đẳng Linh hồn, hay thường được gọi với cái tên mỹ miều “mùa xuân của các Linh hồn”. Vâng, trong thời gian này, những người đã qua đời được người thân, bạn bè nhớ đến nhiều hơn. Họ đến chăm sóc phần mộ với nến, hương hoa, xin lễ, để cầu nguyện cho những người thân yêu của mình sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa. Vì sao chúng ta lại thắp nến và mang hoa, hương nhang tới phần mộ? 
Lễ Các Thánh và lễ cầu cho các tín hữu đã ly trần có một số điểm chung, và vì lý do này, mà hai Thánh lễ được đặt sát kề nhau. Cả hai Thánh lễ đều nhắn nhủ với chúng ta những điều về thế giới bên kia.  Nếu chúng ta không tin vào sự sống đời sau, thì việc cử hành lễ Các Thánh, chưa nói gì đến việc viếng nghĩa trang, sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả. 

Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II đã xác quyết: “Dân Thiên Chúa không đặt thành trì vĩnh viễn ở đời này, nhưng đi tìm một thành trì mai sau. Bậc tu trì giải thoát người tu sĩ bớt những lo lắng trần tục, cùng tỏ lộ cách hoàn hảo hơn cho mọi tín hữu thấy của cải trên trời đã có ngay dưới trần gian này, và làm chứng rằng ơn cứu chuộc của Chúa Kitô đã đem lại một đời sống mới và vĩnh cửu, đồng thời tiên báo sự phục sinh tương lai và vinh quang của Nước Trời. Hơn nữa, bậc sống tu trì bắt chước cách chính xác hơn và thực hiện liên tục trong Giáo Hội nếp sống mà Con Thiên Chúa đã nhận khi Người xuống thế để thi hành thánh ý Chúa Cha và cũng là nếp sống mà Người đã đề ra cho các môn đệ theo Người". (LG 44)

Thật vậy, sự Phục Sinh của Đức Giêsu là khởi điểm cho sự phục sinh - cánh chung -của toàn thể nhân loại. “Chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Ðức Giê-su, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Ðức Giêsu”. (1Tx 4.14) Vì thế, cái chết là cửa ngõ dẫn đưa chúng ta vào sự sống mới, một thực tại của đời sống dâng hiến. Nếu sự chết là một kết thúc cho cuộc đời tạm bợ ở trần gian và mở ra một đời sống mới trong Thiên Chúa, thì đời sống dâng hiến diễn đạt vẻ đẹp cánh chung trong chính cuộc sống ấy. Chính Chúa Giêsu đã dùng chính cái chết để minh chứng cho tình yêu của mình đối với nhân loại và để cứu rỗi chúng ta. Hơn hết, chính cuộc sống và sự thí mạng của Ngài đã trở thành mẫu gương lôi cuốn biết bao người sống đời dâng hiến. Sự chết ngang qua Đức Giêsu đã trở thành biểu tượng của tình yêu mà mỗi người tín hữu, cách riêng là những người “bước theo Thầy Giêsu” cần phải họa lại ngay trong chính cuộc đời của mình. “Những người hiến dâng cuộc đời cho Đức Kitô chỉ còn sống trong niềm ước mong được gặp Người, ngõ hầu được sống với Người mãi mãi”. (VC 26) 

Như thế, cái chết của những con người nằm xuống nơi nghĩa trang có gì liên quan đến sự dấn thân, từ bỏ của những người sống đời dâng hiến? Cả hai đều nói về cái chết, nhưng ở hai thực tại khác nhau. Tu sĩ là những người, tuy còn sống trên trần gian, nhưng nếp sống của họ đã sống trước và diễn tả khá rõ thực tại cánh chung, trong đời sống hàng ngày của mình. Vì yêu mến Chúa hết lòng, nên người tu sĩ dám chấp nhận sống cuộc đời hy sinh khi tự nguyện cam kết sống ba lời khuyên Tin Mừng, đó là khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục, để bước theo Chúa Kitô trên con đường của người: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá hằng ngày mà theo” (Lc 9,23) Sự hy sinh, chết đi ấy là một đòi hỏi khẩn thiết trong đời tu, nhằm diễn tả chiều kích cánh chung trong cuộc sống hiện tại. Chính sự dâng hiến khi phải chọn lựa, phải đánh đổi tất cả…càng làm cho nó thêm ý nghĩa và giá trị. Đời tu đòi hỏi chết đi với con người cũ, chết đi cái tôi, những ý riêng… để đạt tới được cùng đích cuộc đời, đó là sống với Chúa và vui hưởng Nước Trời. Niềm hy vọng cánh chung của tất cả tu sĩ được diễn tả trong cách sống như những thiên thần ngay tại thế này, khi ngày đêm cận kề để ca tụng, tán dương và khẩn cầu với Thiên Chúa; phục vụ Chúa và tha nhân; đồng thời trở thành nhân chứng cho Nước Trời trong khi mong đợi sự trở lại của Ngài vào ngày Quang Lâm.

Quý độc giả thân mến,
Đứng trước sự lạnh lẽo, yên lặng của những nấm mồ nhắc nhở ta về ý nghĩa của cuộc đời mình. Tôi đang sống vì điều gì? Sau sự sống này, tôi sẽ như thế nào? v.v Cái se lạnh của khí trời mỗi khi tháng 11 về mang lại cho ta cảm giác lạnh lẽo của sự chết, nhưng không phải chết là hết, mà hướng thế giới đến một niềm hy vọng phục sinh vinh quang. Chính trong cái không gian của đất trời ấy, giúp cho chúng ta nhìn về chính mình, nhìn lại cuộc đời vắn vỏi, mong manh; đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hiện tại. Sự chết sẽ là một thầy dạy để ta biết cách sống giây phút hiện tại, để mai ngày được hưởng trọn vẹn bình an và hạnh phúc trong cõi sống đời đời.

Nhung Lê, MRP