Rượu Có Vị Gì? - Meryt, MRP



 
Tầng Lớp Itaewon1  là bộ phim để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả, đặc biệt là giới trẻ. Bộ phim bắt đầu với tình tiết cậu sinh viên vừa chuyển trường ngày đầu tiên đã bị đuổi học vì dám đứng lên bênh vực cho người bạn yếu thế, bị người bạn cùng lớp hành hạ. Người Cha tự hào về lập trường và niềm tin của cậu nên đã tự nguyện nghỉ việc tại công ty mà người bố cậu sinh viên “hách dịch” chủ nhiệm. Trong hoàn cảnh bi đát: con bị đuổi học, cha thất nghiệp, người cha đã mời cậu con trai uống rượu và hỏi cậu: rượu có vị gì? Với vẻ mặt trầm tư, cậu trả lời: rượu có vị ngọt! Bộ phim tiếp tục với cái chết của cha cậu, những ngày dài trong tù ngục và chuỗi ngày tháng lập nghiệp. Kết thúc bộ phim là hình ảnh chàng trai lúc bấy giờ là chủ nhiệm một công ty lớn nhất thị trấn Itaewon, khi nghĩ về Cha cậu và chặng đường đời đã qua, với nụ cười trên môi, cậu thốt lên: rượu có vị ngọt!

Rượu có vị ngọt! Thật là một câu trả lời đáng để ta suy gẫm!

Đắng, cay, nồng có lẽ là vị đặc trưng của rượu. Tuy nhiên, với những người biết thưởng thức, họ có thể nhận ra phảng phất đâu đó một chút đậm đà của vị ngọt.

Cuộc đời chúng ta được hòa quyện, kết tinh bởi tất cả hương vị đắng cay ngọt bùi. Những giây phút hạnh phúc an bình giúp ta nhận ra cuộc đời thật đẹp và đáng sống. Tuy nhiên, đời sống chúng ta cũng dường như là một hố sâu của những gánh nặng, đau khổ, những giằng xé, và tuyệt vọng của một con tim tan vỡ. Những cảm giác cô đơn, thất bại, khổ đau, thất vọng, thậm chí tuyệt vọng… vẫn chất chứa trong cuộc sống, khi chúng ta rơi vào tình trạng nghèo đói, thất nghiệp, bệnh tật, thiên tai, mất định hướng sống, tương quan đổ vỡ… 

Số liệu thống kê gần đây cho thấy, số người thất vọng, trầm cảm, và tự tử tăng cao. Ở Ba Lan, một vương quốc Châu Âu với gần 40 triệu dân, cứ 100.000 người thì có 16,6 người tự tử. Ukraine – 16,8 (30,3 đàn ông – 5,3 phụ nữ); Comoros – 16,9 (24,0 đàn ông – 10,3 phụ nữ); Sudan – 17,2 (23,0 đàn ông – 11,5 phụ nữ); Bhutan – 17,8 (23,1 nam – 11,2 phụ nữ); Zimbabwe – 18,1 (27,2 đàn ông – 9,7 phụ nữ); Belarus – 18,3 (32,7 đàn ông – 6,4 phụ nữ); Nhật Bản – 18,5 (26,9 đàn ông – 10,1 phụ nữ)2.  Và ở việt nam, mỗi năm, gần 40 nghìn người tự tử vì bệnh trầm cảm3. Lý do trực tiếp là mặc cảm tội lỗi, thất nghiệp, thất tình… Trong bối cảnh cách ly xã hội vì Covid 19, nhiều người rơi vào tình trạng tương quan bị đổ vỡ, một số gia đình trở nên không gian của sự chết gây ra hệ luận là cô đơn, trầm cảm và tự tử. 

Cuộc đời thánh hiến của chúng ta cũng không thoát ra ngoài quy luật hiển nhiên đó. Tất cả chúng ta đều cảm nếm được hương vị ngọt bùi vì món quà sự sống, về hồng ân thánh hiến, về niềm vui sứ mạng, tình huynh đệ cộng đoàn, tình bằng hữu trong các mối tương quan… Tuy nhiên, là con người với thân và phận, chúng ta mang nơi mình sự mỏng manh của phận người. Nội tâm chúng ta vẫn luôn bị xung khắc, bị chi phối lẫn lộn bởi sáng và tối, thiện và ác, lành và dữ, phải và trái, đúng và sai, yêu và thù, tinh thần và vật chất. Chúng ta đau khổ, ưu tư khi người thân trong gia đình gặp tai ương hoạn nạn, ốm đau, bệnh tật và rời xa chúng ta. Lòng chúng ta nặng trĩu khi đời sống cộng đoàn không còn là nơi thuận hòa, êm ấm, nơi được đón và chân nhận. Chúng ta chán nản khi miệt mài với sứ vụ, nhưng kết quả lại không được như chúng ta mong đợi. Lắm lúc tự ti, mặc cảm khi thấy mình yếu kém, luôn gặp những bất trắc trong cuộc sống; đau khổ khi chính mình phải mang lấy thập giá của bệnh tật; thất vọng trên bước đường tập luyện nhân đức, trong việc sống lời giao ước hay khi lần mò trong đêm tối đức tin. Khi nhìn ra thế giới, chúng ta tưởng chừng như đang được sống trong một nền văn minh, trong một thế giới phát triển về mọi mặt. Tuy nhiên, sự sống con người và vũ trụ luôn bị đe dọa vì chiến tranh, khủng bố, thiên tai, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh... Trái tim chúng ta đau nhói khi từng ngày nghe tin số người nhiễm và chết vì virus SARS-CoV-2 gia tăng, nỗi lo lắng cho người thân và chính mình bị lây nhiễm. Lắm lúc chúng ta chỉ muốn kêu gào lên muôn vàn câu hỏi tại sao.

Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy xung đột, bị chi phối lẫn lộn bởi sáng và tối, tốt và xấu, lành và dữ, lợi và hại, hòa điệu và hỗn loạn. Tất cả như là bằng chứng sự bấp bênh của thế giới và của cuộc đời. Còn sự sống thì vẫn còn nỗi buồn. Thiên Chúa không hề có ý định tạo dựng một đời người chỉ để thảnh thơi, hưởng thụ hạnh phúc, niềm vui và tiếng cười4. Tuy nhiên, trong lăng kính đức tin, chúng ta vẫn luôn nghiệm thấy rằng: “Hạt lúa mì rơi vào lòng đất, có chết đi mới sinh được nhiều bông hạt” (Ga 12, 24). Chính Đức Kitô đã mời gọi những ai muốn dấn thân theo Ngài phải vác lấy thập giá mình mỗi ngày, phải hòa mình trong mầu nhiệm khổ nạn để cùng với Ngài chung hưởng niềm vui phục sinh. Bởi lẽ, cái đau khổ nhục nhã của thập giá sẽ trở nên sức sống niềm vui phục sinh, đem lại ơn cứu độ. Thiết nghĩ cuộc đời chúng ta sẽ như thế nào nếu chỉ có vị ngọt mà thiếu vắng các vị khác? 

Khi chúng ta phải nếm trải men rượu đắng cay chua chát của cuộc đời, chúng ta đau nhưng không ngã, sầu nhưng không lụy. Thay vào đó, chúng ta sẽ nhận ra rằng đó chính là cơ hội chúng ta dừng lại, để trở về với chính mình hầu khám phá ra nội lực của bản thân, hầu tự đứng vững trên đôi chân của mình. Chúng ta sẽ học được những kinh nghiệm quý giá cho hành trình cuộc đời của mình để có thể cảm thông với hoàn cảnh của tha nhân. Chúng ta sẽ nhận ra sự bất lực hư vô của bản thân, để bám víu vào quyền năng của Thiên Chúa và sự nâng đỡ của tha nhân. Những điều tiêu cực, đau khổ lắm khi lại rất cần cho sự trưởng thành và phát triển bản thân chúng ta. Khi chúng ta có thể ngồi lên chúng, chúng sẽ là bàn đạp vững chắc để nâng chúng ta lên và chúng sẽ trở thành nền kiến thức phục vụ chúng ta. Nơi bản ngã cao nhất trong chúng ta chính là kho báu chứa đựng kho tàng trưởng thành cao nhất. Chúng ta sẽ khám ra rằng chúng ta có một sức mạnh phi thường và chúng ta phải dùng sức mạnh ấy để giữ những suy nghĩ của chúng ta tập trung vào những điều tốt đẹp xung quanh, thay vì tập trung vào những thế lực làm hủy diệt đời sống chúng ta5.

Điều quan trọng hơn cả là chúng ta sẽ khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong từng khoảnh khắc cuộc đời. Thiên Chúa không phải là nguyên nhân của đau khổ, trái lại Ngài tôn trọng luật tự nhiên6 và sự tự do của con người7. Khi chúng ta tưởng chừng Thiên Chúa cứ im lặng trước nỗi đau khổ của chúng ta, thì cách nhẹ nhàng và âm thầm, Ngài vẫn ở đó bên ta. Ngài gieo vào lòng chúng ta chút ngọt ngào của niềm hy vọng và ủi an, một tinh thần lạc quan vui sống, một ý chí vững vàng vươn lên, một sức mạnh để chiến đấu, những sáng kiến để tìm ra giải pháp cho vấn đề và một cặp mắt đức tin để hiểu thấu mục đích, ý nghĩa cuộc đời. Tất cả những cái đắng cay sẽ là những bài tập thử luyện đức tin, tình mến và lòng cậy trông để gia tăng vị ngọt cho cuộc đời, ngõ hầu giúp chúng ta trưởng thành hơn. Thực tế cuộc sống cho thấy, sẽ luôn có nỗi đau buồn và thống khổ nơi thế gian sa ngã này. Đời mưa lũ đau khổ nhưng là mưa bụi hạnh phúc8. Bước ngoặt cuộc đời thường xảy đến vào lúc ta gặp khó khăn, đau khổ hoặc bị dồn vào đường cùng hơn là những lúc mọi chuyện đang suôn sẻ9. Họa vô đơn chí, là thế.  Thời điểm khó khăn chính là liều thuốc đối với ta, giúp ta trưởng thành trong kiên nhẫn hoặc khiêm nhu, hoặc để tôi luyện tính cách của chúng ta. Chính những cay đắng của cuộc đời sẽ đánh thức lòng nhân ái của chúng ta và nuôi dưỡng lòng bao dung, để chúng ta có khả năng ôm lấy nỗi đau của tha nhân10.

Những lúc chúng ta phải nếm trải những hương vị đắng cay ấy, nếu chúng ta uống cách vội vàng hay ép buộc, chúng ta lại càng thấy chúng đắng hơn, cay hơn và chua chát hơn. Nhưng nếu chúng ta nhẹ nhàng thưởng thức nó, cách tinh tế, chúng ta sẽ khám phá ra đằng sau cái chua chát ấy, là vị ngọt nhẹ nhàng còn đọng lại mãi. Đừng hỏi Chúa tại sao sự chết, đau khổ luôn chồng chất trên cuộc đời chúng ta; nhưng hỏi Ngài chúng ta phải làm gì? Thương tiếc, khóc lóc, vật vã đau khổ, gặm nhấm thất bại hay mạnh dạn đứng dậy, chấp nhận thân phận giới hạn của phận người, để tiếp tục sống, và tiếp tục yêu thương cuộc đời?11. Chúng ta hãy đón nhận và thưởng thức nó như là những điều phải có trong cuộc đời và sống cho trọn vẹn tất cả ý nghĩa tiền định nhọc nhằn của một kiếp người. Thiên chúa có thể làm lộ diện những sự tốt lành từ những nghịch cảnh đó và dùng chúng để giúp ta triển nở theo cách nào đó cho sự tiến triển tâm linh của chúng ta12.

Trong hành trình cuộc đời, chúng ta sẽ phải nếm trải đau khổ lẫn niềm vui, bởi đó chúng ta hãy đón nhận và yêu mến mọi hoàn cảnh như cách thức Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta. Đau khổ là một vị giáo sư thu tiền học phí cao, nhưng vẫn có vô số học trò dùi mài kinh sử cần mẫn xin theo học và họ đã thành tài, thành danh khi ra trường . Ngạn ngữ Nga có câu: Rễ của sự học tập thì đắng, nhưng quả của sự học tập thì ngọt. Quả thật, chiến đấu với cuộc đời, tôi luyện bản thân thì vất vả đắng cay, nhưng niềm vui luôn có đó trong hành trình và cuối cuộc chiến, chúng ta sẽ nhận ra rằng: Rượu có vị ngọt!

Meryt, MRP

Phim Tầng Lớp Itaewon là phim tâm lý tình cảm Hàn Quốc, đã thể hiện vô cùng chân thực của cuộc sống người dân Hàn Quốc hiện nay, nói về khát vọng, hoài bão của tuổi trẻ, của những bạn trẻ dám đương đầu với thử thách để thực hiện ước mơ. 
 2 https://ladigi.vn/top-8-quoc-gia-co-ty-le-tu-sat-cao-nhat-the-gioi-moi-2021. 14/8
3 (https://nhandan.vn/tin-tuc-y-te/moi-nam-gan-40-nghin-nguoi-tu-tu-vi-benh-tram-cam-289539/)
Giuse Đinh Thanh Bình, SDB. Lạy Chúa! Tại Sao Ngài Im Lặng?  (Tủ Sách Dân Chúa, 1995), tr. 170.
5 Samura Emoto. Bí Mật Của Nước (Sunmark Publishing, Tokyo Japan, 2003), p. 20.
6 Giuse Đinh Thanh Bình, SDB. Lạy Chúa! Tại Sao Ngài Im Lặng?  (Tủ Sách Dân Chúa, 1995), p. 62.
7 Ibid,. p. 70.
8 Ibid,. p. 159.
9 Hae min. Yêu Những Điều Không Hoàn Hảo (Nha Nam Publication, 2018), p.157.
10 Ibid,. p. 195.
11 Giuse Đinh Thanh Bình, SDB. Lạy Chúa! Tại Sao Ngài Im Lặng?  (Tủ Sách Dân Chúa, 1995), p. 81.