Ở Đời, Nước Mắt Chảy Xuôi! - Tác giả: Hùng Luân



 
Ngoại mất. Xong xuôi mồ mả, mấy cậu làm cuộc nhậu. Dân quê Nam kì vốn bộc trực, thẳng tính; bao nhiêu tâm tình họ mượn chén rượu để phơi bày. Trong cơn say men, cậu thứ Bảy - nay đã ngoài sáu mươi - bưng mặt khóc như một đứa trẻ. Thằng cháu Nội ngồi kế bên, hỏi mẹ nó tới lui sao ông Nội khóc rồi? Nó sợ cái mùi rượu lẫn dáng vẻ xốc xếch của ông, nép im bên áo mẹ. 
 
Hình như mấy người con trai của Ngoại, do cái tang chung này bắt đầu nghiêm chỉnh hơn, đoái trông nhau hơn. Và, trong mấy ngày u buồn ngó kỹ xem ra cũng nhìn thấy mùi thống hối. Có người, nhiều năm không hề đặt chân sang nhà Ngoại dù cái tết hay giỗ chạp để hỏi thăm, cho mớ rau, con cá... vậy mà khi bà nằm liệt trên giường đã thu xếp ở bên, thức đêm chăm sóc, gục đầu bên thành giường. Có người, làm ăn xa tận xứ Cam hay ra Vinh, ra Nghệ lại lật đật quay về, tranh thủ từng chuyến tàu để kịp hiện diện...
 
Mộ bà Ngoại được đặt trong Đất Thánh, cạnh ông. Dù ông với bà phải cách mấy chục năm mới đoàn tụ. Ông mất hồi đứa con trai út hãy nằm trên nôi. Một mình bà son sắt chèo chống nuôi con, vượt qua bao cay đắng.
 
Các con mỗi người một tính, một nết. Có lúc bà giận nhưng rồi bà vẫn thứ tha. Thấy con cái khổ nghèo, bà đau xót và không ngần ngại thân xác đã gầy mòn, chịu thương chịu khó thức đêm để làm lụng kiếm thêm cộng với chút của tần tảo, để dành gởi cho đứa nọ, đứa kia.
 
Tháng mười một, gió hiu hiu lạnh, chúng tôi ngồi bên mộ bà. Lễ Các Đẳng đầu tiên sau khi ngoại mất nên con cháu dường như hội tụ đông đủ. Giáo hữu dự lễ đông, chật cả lối đi. Khói đua nhau bay nghi ngút lên trời, xông vô mắt, vô mũi. Mấy đứa nhỏ ho sặc sụa. Trong thánh lễ, bài thánh ca vang lên. Có lúc, tôi trộm nhìn mẹ. Mẹ buồn, mắt đỏ hoe. Sau lễ, cả họ hàng tề tựu bên mâm bàn nhà Ngoại, bây giờ là nhà cậu út ở. Chưa bao giờ cuộc gặp mặt trở nên ấm áp và đong đầy thế này. Bởi trước đây luôn thiếu vắng. Kẻ do làm ăn xa, người vì điều phiền muộn chưa nguôi ngoai cho đặng... 
 
Tuy con cháu đông đủ, nhưng tiếc là bà không còn. Ai cũng cảm nghiệm ra điều đó, chỉ trừ những đứa trẻ vô tư đùa giỡn. Vì thế nên lũ người đã có tuổi dẫu cười nói vẫn không thể giấu được nỗi buồn rười rượi trên khuôn mặt. Những ngày chịu tang, lòng đau xót. Trong bữa ăn, câu chuyện về bà Ngoại được kể lại nhiều. Mỗi người mỗi kiểu. Chung và riêng. Và thương tiếc là nỗi niềm chung của tất cả. Câu chuyện đang đà, chợt, có đứa cháu nhỏ mắc xương, cha mẹ nó cuống quýt tìm cách gỡ. Bà mẹ trẻ bỏ ngang chén cơm, sợ con đau luôn miệng hỏi han, bối rối nhìn chồng. Dường như ca nặng nên ngay lập tức vợ chồng đưa ngay đi bệnh viện. Trong mớ người đang sợ hãi, có tiếng ai đó vang lên:
Tụi nó cuống cuồng. Mới có đứa con đầu lòng. Bởi, ông bà ta nói, ở đời, nước mắt chảy xuôi! 
Mẹ nhìn lên ảnh ngoại, lầm thầm nhắc lại câu nói vừa rồi. 
 
Một giọt nước mắt len lén rơi xuống!
 
Nhẩm lại dòng đời, nhiều bậc cha mẹ cũng buồn lòng khi thấy con cái đối xử với mình tệ bạc; có khi không hỏi thăm được một tiếng!
 
Ước mong con cháu thể hiện lòng hiếu thảo.  Đừng bao giờ theo thói đời  “Nước mắt chảy xuôi !”

Hùng Luân