Ngày Của Chúa - M. Minh Đức, MRP



 
Ngồi cùng anh trong buổi chia sẻ lời Chúa, anh kể về gia đình của anh, anh từ Miền Tây sông nước di cư lên vùng rừng núi Tây Nguyên, định cư ở nơi đây không một tấc đất, anh chỉ có đôi bàn tay trắng. Khi chưa theo đạo, cuộc sống của anh lúc nào cũng tất bật với cơm áo gạo tiền, anh và gia đình không có lấy một ngày nghỉ, anh chỉ biết kiếm tiền, kiếm tiền và kiếm tiền. Chỉ mong có một mảnh vườn nho nhỏ, cất một căn nhà xinh xinh để vợ chồng anh trú ngụ khi mưa nắng. Thế nhưng sao cuộc sống vẫn mãi lận đận long đong. 

Đến một hôm, nhìn nhừng người theo đạo Kitô giáo đến nhà thờ vào Chúa nhật, anh ước sao mình cũng có một ngày nghỉ ngơi, có một ngày để khoác lên mình chiếc áo đẹp, để thư thái đến nhà thờ, có một ngày nghỉ để gia đình sum họp quây quần bên nhau, để thăm viếng nhau như những người Kitô hữu vẫn làm. Rồi một ngày anh về nói với vợ. Vợ anh nói: “Ông nghĩ sao thì cứ làm như vậy, tôi sẽ đi cùng với ông”. Thế là vợ chồng anh chở nhau trên chiếc xe cà tàng cũ kĩ đến tìm gặp cha xứ, xin được gia nhập đạo. Cha hỏi thăm anh ở đâu, tại sao anh muốn theo đạo. Rồi cha hướng dẫn anh làm đơn và nói chương trình học đạo cho vợ chồng anh. Thời đó, ban ngày đi làm, buổi tối theo học lớp giáo lý tân tòng; thế mà không một ngày nào anh nghỉ, trời nắng cũng như trời mưa, vợ chồng anh đều có mặt. Các bài giáo lý, các kinh cha dạy, anh thuộc làu làu…Rồi một ngày hạnh phúc cũng đã đến, anh và cả nhà được lãnh bí tích khai tâm, gia nhập đạo, trở thành con cái Chúa. Anh đã bật khóc, khóc vì niềm hạnh phúc dâng đầy, khóc vì một ơn quá lớn lao từ trời cao khi gia đình anh được làm con cái Chúa. 

Giờ đây sau 15 năm theo đạo, dù cuộc sống sung túc khá gia hơn, cuộc sống bộn bề công việc làm ăn, anh vẫn luôn nhớ ngày đó mình mong mỏi có ngày nghỉ thế nào để có thể đến với Chúa là chính nguồn bình an. Vì thế, dù bận thế nào, anh cũng không quên Ngày Của Chúa ; và sau những giờ ưu tiên cho Chúa, anh giúp canh xe trong nhà thờ để mọi người yên tâm tham dự Thánh lễ. Anh được chọn làm thừa tác viên trao mình thánh Chúa, là thành viên ban hành giáo xứ… Ngày Chúa nhật anh luôn dành trọn cho Chúa và cho người thân, để vợ chồng con cái ăn cơm chung, cùng hàn huyên tâm sự, để thăm viếng sẻ chia với bà con lối xóm. Cuộc sống của anh giờ đây đã có của ăn của để, anh nói đó là Chúa cho, là hồng ân của Chúa. Gia đình anh tạ ơn Chúa đã yêu thương ban phúc lành qua những việc góp sức rất nhỏ bé của mình để dựng xây Nước Chúa nơi chính giáo xứ mà gia đình anh đang hiện diện.

Qua câu chuyện của anh ấy, tôi nhận ra rằng: mỗi khoảnh khắc trong đời, mỗi câu chuyện, mỗi câu chuyện của muôn kiếp nhân sinh, đều có thể chạm đến cuộc sống của ta, mỗi thông điệp của ngày sống, đều có giá trị vô giá nếu ta biết quay về với chính mình để đọc ra nhưng thông điệp trong những điều rất bình thường đến với ta mỗi ngày. Để rồi khi nhìn anh, tôi nhận thấy rằng trong cuộc sống, đã bao lần ta đã cảm thấy không hạnh phúc khi dành ngày Chúa nhật để đến với Chúa, hay dành ra một ngày để thăm hỏi nhau. Ta đã quên đi ý nghĩa của ngày Chúa nhật. Ta đã không một lần dừng lại để nghiệm xem ta được hạnh phúc thế nào khi có Chúa là Đấng chăn nuôi ta, có Chúa hằng chăm sóc ta. Là Đấng luôn đợi ta đến để cùng ta chia sẻ kiếp người. Vậy mà ta cứ chạy, chạy, chạy đến nỗi ta không nhận ra mình đã quá xa vòng tay của Thiên Chúa. Nếu ta cứ lao đầu chạy theo công việc, tiền bạc và danh lợi, thì đến một lúc nào đó ta sẽ cảm thấy mệt mỏi, và muốn buông xuôi, đôi khi còn thất vọng khi ta không tìm được ý nghĩa và mục đích của cuộc sống của ta. Để rồi khi nhắm mắt xuôi tay đời ta còn lại gì?

Đã bao lần Thiên Chúa nói với ta, “ngày sabát được làm ra vì con người, chứ không phải con người cho ngày sabát” (Mc 2, 27). Thế mà đã bao lần ta chẳng đến tìm gặp với Đấng là nguồn mạch mọi sự tốt lành, Đấng luôn mời gọi ta “hay tìm kiếm nước trời còn những thứ khác người sẽ thêm cho” (Mt 6, 33), vậy mà ta lại để ngoài tai những lời của Ngài. Ta cứ loay hoay với cuộc sống để rồi bao lần ta “khó nhọc làm ăn sao vẫn cứ mãi hoài công”, còn Thiên Chúa Ngài chỉ chờ ta đến với Ngài để Ngài có thể đổ đầy vào vạt áo của ta những đấu đã dằn đã lặc, nhưng ta lại từ chối. Để Ngài cùng ta vác lấy gánh nặng của cuộc sống “Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” nhưng ta lại khước từ. Ôi, đúng là thế hệ kém lòng tin, chẳng dám buông tay để Thiên Chúa làm, nếu đức tin ta chỉ bằng hạt cải thôi thì tốt biết mấy. Trong khi đó Chúa biết rõ cuộc đời con người chỉ như bông hoa sớm nở chiều tàn, chỉ như một trống canh thôi, cuộc đời rất dài, nhưng cũng rất ngắn. Rất kiên cường, nhưng cũng thật mỏng manh. Hôm này, hôm qua đã là một cuộc đời khác, một trang sách khác. Cuộc đời ‘mạnh giỏi lắm là được tám mươi,’ thế mà ta vẫn mải bon chen, vẫn chạy theo những gì là phù vân chóng qua, để rồi phù vân lại nối tiếp phù vân. 

Lạy Chúa xin cho cho con luôn khắc ghi điều Chúa nói với chúng con: “Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin!Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.” ( Mt 6, 25- 34 )

M. Minh Đức, MRP