“Mọi chuyện rồi sẽ qua” ĐẤT NƯỚC BÌNH YÊN TRỞ LẠI - Maria Cao Hằng, MRP



Chiều nay, nhận được tin họp khấn của Phòng Giáo Dục, tôi lập tức mở máy để tham gia cuộc họp. Khác với những lần trước, lần này tôi cảm giác có điều gì đó không ổn; vì giờ họp khác thường vào lúc 16h30 chiều Chúa Nhật. Cuộc họp bắt đầu với phần điểm danh từng trường: mầm non, cấp I, cấp II, cấp III. Sau đó, Thầy trưởng Phòng Giáo Dục thông báo: “Sáng nay trong lúc khai giảng, qua việc test nhanh đã phát hiện ra có một học sinh bị dương tính với Covid-19. Vì thế, đề nghị ngưng tất cả các hoạt động của năm học mới. Ngày mai không cho một ai đến trường; tháo hết băng rôn, biểu ngữ của ngày khai giảng xuống. Chúng ta tiến hành ngay việc tầm soát học sinh của trường mình, đã đi đâu, làm gì và đã tiếp xúc với ai trong mấy ngày qua, để báo cáo gấp lên Phòng Giáo Dục và công an huyện”. Thế là bao kế hoạch đã được lên sẵn sàng cho ngày khai giảng cho năm học mới giờ đây tất cả dừng lại !…Vài giờ sau cuộc họp, chúng tôi nhận tin: Bon nơi có một học sinh bị dương tính với Covid-19, nay đã lên đến gần trăm ca dương tính. Mọi sự đang bình yên bỗng nhiên con virus nhỏ đã gây xáo trộn cho mọi người trên mọi bình diện. Tôi đau lòng hướng về Bon sóc, tới em học sinh kia đã nhận kết quả dương tính, gia đình em sẽ ra sao? Xã, huyện nơi em ở sẽ thế nào? Nhìn xa hơn, nhiều nơi trên đất nước tôi, qua thông báo hiện nay đã cho con số gần 15 ngàn người tử vong, một ngày thêm hàng ngàn ca nhiễm mới. Thành phố Hồ Chí Minh hiện đã trở thành ổ dịch lớn nhất nước với hàng ngàn ca nhiễm mỗi ngày. “Lây nhiễm cộng đồng, bệnh viện quá tải, y sỹ, nhân viên y tế kiệt lực, đội phòng chống căng thẳng, sản xuất ngưng trệ, lưu thông hạn chế, vật giá leo thang…, đang thiếu nhân sự, thiếu gạo, thiếu rau, thiếu tiền, thiếu thuốc và thiếu cả tương lai…. Hàng vạn cụ già và trẻ em bán vé số, trà đá, hàng rong, taxi, xe ôm sẽ lấy gì ăn nếu không được ra đường trong những ngày tới đây? Công nhân xí nghiệp đào đâu ra tiền nếu một mai nhà máy giảm biên chế hoặc đóng cửa?” (trích đoạn thư của Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh - Thương quá Sài Gòn ơi!). Theo dõi tin qua online lại thấy cập nhật thêm ca dương tính, lại thấy đâu đó đang bị “giăng dây”... Làm sao tránh khỏi hoảng hốt và lo sợ!

Càng nghĩ, tôi càng đồng cảm với đất nước thân yêu đang gồng mình trong khổ đau lầm than, thương người dân Việt vất vả từng ngày đang giành giật sự sống với tử thần. Tôi rất cảm phục và tri ân những anh hùng đang ngày đêm phục vụ ở tuyến đầu, nhờ những bàn tay thiện nguyện đang ngày đêm bôn ba trên các cánh đồng tìm lương thực …để cứu trợ Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai... 

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, dịch COVID-19 không chỉ mang đến sự bất an về sức khỏe, sự xáo trộn cuộc sống, nhưng còn là mời gọi mọi người thích nghi với hoàn cảnh mới. Dù phải thực hiện nghiêm những chỉ thị phòng chống dịch bệnh, cộng đoàn tôi vẫn có những bận rộn hợp lý và có hoạt động hữu ích nhằm lan tỏa những nghĩa cử yêu thương, cao đẹp. Chúng tôi tìm cách gửi sữa, quà bánh cho các cháu, gửi các lá xông khử khuẩn và nhu yếu phẩm tới bà con trong Bon đang bị phong tỏa. Thời biểu sinh hoạt cũng thay đổi, có các buổi học online để hoàn thiện hoặc trau dồi chuyên môn với những kiến thức mới, kỹ năng mềm, ngoại ngữ… hay làm những sưu tầm về những chủ đề liên quan đến Mầm Non, nhằm sau này phục vụ các cháu tốt hơn; luyện tập Yoga để nâng cao sức khỏe và sức đề kháng.

Là người Công Giáo, tôi xác tín rằng, Con Thiên Chúa đã trải nghiệm và biết hết những đau khổ của phận người và chắc chắn Người không bỏ rơi chúng ta. Vì thế, chúng tôi thêm nhiều giờ đọc kinh cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa hơn thời gian bình thường. Khi đọc lại bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô, điều làm tôi tâm đắc nhất là suy tư của Đức Thánh Cha về đoạn Tin Mừng thánh Marcô chương 4, câu 35 đến 41: Chúng ta ở trên cùng con thuyền và cần cùng nhau chèo để vượt qua sóng gió. Hãy mời Chúa Giêsu vào cuộc đời chúng ta, hãy phó thác những khó khăn đau khổ cho Chúa, hãy tin rằng Chúa là Đấng yêu thương và yêu chương chúng ta nhất; Người luôn muốn những điều tốt nhất cho con cái mình.  Vì thế, tất cả chị em cộng đoàn tôi cùng sống điều quyết tâm: “HÃY LÀM TỐT BAO NHIÊU CÓ THỂ, những bổn phận và trách nhiệm của mình, phần còn lại hãy phó thác trong tay quan phòng của Thiên Chúa. Người sẽ hoàn tất những gì còn lại”. Tôi thật ấn tượng hình ảnh đẹp cả gia đình họp nhau cầu nguyện, cùng nhau tham dự Thánh Lễ trực tuyến, cùng nắm tay nhau cất vang lời kinh Chuỗi Thương Xót, cầu nguyện cho thế giới và cho đất nước Việt Nam thân yêu được bình an; cho đại dịch sớm chấm dứt. 

Hãy cùng với toàn thể đất nước tiếp tục vượt qua thời gian khó khăn, hãy sống bình an bằng những hành động thiết thực, dù phải ngồi ở nhà, giãn cách xã hội. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trao gửi lời khuyên thật chí lí: “Tôi không cho rằng đây là CÁCH LY/ GIÃN CÁCH XÃ HỘI là phải ở nhà với những người thân yêu của mình. CÁCH LY là cụm từ chỉ mô tả những bệnh nhân nguy kịch ở bệnh viện thôi. Hãy dừng than thở rằng "Tôi chán quá, tôi buồn quá vì tôi không thể ra ngoài được", trong khi đó có những người đang ở bệnh viện thì họ chỉ "Mong muốn được về nhà". Xin hãy tạ ơn Thiên Chúa vì mình đang được ở nhà, hãy bỏ qua mọi thứ xung quanh. Có tiền hay không có tiền, có việc làm hay không có việc làm, thì mình đang được ở cái nơi tốt nhất cho bản thân mình. Ở nhà và quây quần bên những thân yêu trong gia đình mình.
Đây cũng là thời gian tốt nhất để chúng ta có thể chăm sóc lại cho ngôi nhà của chúng ta, hãy biến nó thành nơi tuyệt vời hơn nữa, là nơi mà chỉ có yên bình, không có những xô bồ lo toan, là nơi ấm cúng chứ không phải xa cách nhau. Hãy nhìn tình hình hiện tại bằng một con mắt thật khác. Hãy biến ngôi nhà của mình trở nên sôi động hơn: Nghe nhạc, ca hát và nhảy múa. Biến ngôi nhà mình thành nơi thờ kính Thiên Chúa: Cầu nguyện cùng nhau, chữa lành cho nhau, đặt câu hỏi, cảm ơn, và khen ngợi nhau. Biến ngôi nhà mình thành trường học: Đọc sách, Viết chữ, Vẽ tranh, tô màu, học hỏi và chia sẻ cho nhau những điều mới. Biến ngôi nhà mình thành một cái tiệm nho nhỏ, nơi mà chúng ta sẽ giúp nó sạch sẽ, gọn gàng, trang trí, và đóng góp. Biến ngôi nhà mình thành quán ăn: Nấu, Ăn, Thử những món mới, trồng rau củ, chăm sóc khu vườn của mình… Hãy tận dụng cơ hội chỉ có một lần trong đời này mà chăm sóc ngôi nhà, tổ ấm, nơi để yêu thương .... thật tốt".

“Mọi chuyện rồi sẽ qua”! Hy vọng quê hương tôi sẽ tiến tới ngày mai – tươi sáng và rực rỡ hơn rất nhiều. Tôi tin vào sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa, rồi đây đất nước mình sẽ được bình yên trở lại. Khi ấy mọi người sẽ cùng nhau nối kết nhịp cầu yêu thương, nụ cười lại rạng rỡ trên môi của bao trẻ thơ tung tăng cắp sách đến trường, các quán xá nhộn nhịp đông vui, những con đường tấp nập người đi. Con người tự tin để đến với nhau mà không phải tuân thủ nghiêm 5K, 5T. Hàng xóm láng giềng nối kết lại tình thân, cùng trao cho nhau nụ cười…Sự tĩnh lặng đau thương của các đường phố của Sài Gòn sẽ nhường chỗ cho mọi sinh hoạt sầm uất bình thường. Người công nhân có công ăn việc làm. Tất cả sẽ trở lại như cũ, tại các vùng ven, nông dân an tâm cày cấy, đất nước tôi sẽ bình yên lại như xưa. 

Việt Nam ơi! Các bạn đồng nghiệp giáo viên ơi! Chúng ta hãy cùng nắm tay nhau vượt qua đại dịch, cùng nhau trông cậy vào Chúa. Hãy mời Chúa Giêsu bước lên những con thuyền cuộc sống của chúng ta. 
"Hãy ký thác đường đời cho CHÚA,
tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay"
. (Tv 37,5)

Maria Cao Hằng, MRP