Lời Chúa Nguồn Sức Mạnh Biến Đổi Con Người - Sr. Kim Yến, MRP



 
"Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng dẫn đường con đi"
 (Tv 119,105).
 
Ngày 30/9/2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban Tông sắc Ngài đã mở trí cho họ (Aperuit Illis) để thiết lập Chúa Nhật Lời Chúa vào Chúa nhật thứ III mùa Thường niên hàng năm. Hôm nay cử hành Chúa Nhật Lời Chúa lần thứ ba, Hội Thánh long trọng tôn vinh Lời Chúa vì những hoa quả của Lời Chúa mang lại: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời quý vị vừa nghe” (Lc 4,21). Thánh Giêrônimô nói: "Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô". Thật vậy, nếu không biết về Chúa làm sao chúng ta có thể được biến đổi nhờ Lời Ngài và nói về Chúa cho người khác được? Càng học hiểu, suy gẫm Lời Chúa, chúng ta càng nhận ra tình yêu Chúa dành cho chúng ta bao la biết là ngần nào. “Chúa Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa” (Pl 2,6). Ngài đến trần gian mặc lấy thân phận người phàm như chúng ta để chữa lành các bệnh tật hồn xác và cứu độ chúng ta. Ngài đã chữa cho các bệnh nhân được lành sạch và họ được trở về hội nhập với cộng đoàn. 

Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng, Lời Ngài có uy quyền và có sức mạnh khiến ma quỷ phải tuân theo: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!" (Mc 1,21-29). “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người." (Dt 4,12). Lời Chúa đã làm bừng cháy cõi lòng như hai người môn đệ trên đường Emmaus: “Khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?"(Lc 24,32). Lời Chúa là ánh sáng chân lý, giải thoát chúng ta khỏi những sai lầm và đưa chúng ta đến sự sống. Vì thế Thánh Phêrô đã mạnh mẽ tuyên xưng: “Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.” (Ga 6,68) Lời của Chúa khôn ngoan tinh tường hơn suy nghĩ của chúng ta: “Trời cao hơn đất bao nhiêu thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối và tư tưởng các ngươi bấy nhiêu” (Is 55,9). Hơn nữa Lời Chúa sẽ không trở về với Chúa nếu chưa sinh hoa kết quả như ý Chúa muốn. Lời Chúa sẽ chữa lành tất cả: “Quả vậy, không phải lá cây, chẳng phải thuốc đắp đã chữa họ lành, nhưng lạy Đức Chúa, chính Lời Ngài chữa lành tất cả!” (Kn 16,12). Biết bao phép lạ Chúa Giêsu đã làm chỉ với Lời nói uy quyền của Ngài.

Lời Chúa còn “dịu ngọt hơn mật ong nguyên chất” nữa (Tv 118,103). Chính Lời Chúa chữa lành, canh tân và biến đổi chúng ta: “Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng lề luật của Ta” (Gr 31,33). Tiên tri Hôsê diễn tả Chúa thật gần gũi: “Này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình” (Hs 2,16). Hơn nữa, Thánh Phaolô viết cho Timôthê: “Sách Thánh có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Đức Ki-tô Giê-su. Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành.” (2Tm 3,15-17). Thật vậy, giờ kinh nguyện phải đi cùng với việc đọc Thánh Kinh, để hàng ngày Lời Chúa vang lên trong lòng ta, thấm nhập vào suy nghĩ, tình cảm và làm nảy sinh nơi chúng ta tinh thần tư tưởng của Chúa, để Lời Chúa hướng dẫn cuộc đời chúng ta theo thánh ý Ngài.

Lời Chúa đã đem lại kết quả cách cụ thể, các khoá cầu nguyện với Lời Chúa đã giúp cho nhiều người bỏ tính nghiện rượu, chơi bời và trở lại cuộc sống tốt lành để chăm lo cho gia đình. Lời Chúa đã tác động biến đổi đời họ trong những buổi cầu nguyện: “Chúng ta hãy ăn ở cho đúng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng” (Rm 13,13-14). Lời Chúa phơi bày những tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người trước mặt Chúa (Dt 4,13). Ngôn sứ Giêrêmia đã thốt lên “Gặp được Lời Chúa con đã nuốt vào, Lời Chúa trở thành hoan lạc của lòng con, thành niềm vui của lòng con, vì con được mang danh Ngài” (Gr 15,16). Nhờ suy gẫm Lời Chúa, chúng ta được Lời Chúa tác động đến tư tưởng tình cảm và ý chí của chúng ta. Lời Chúa sẽ thấm nhuần chúng ta, chữa lành những vết thương tâm hồn, hướng dẫn chúng ta hành động đúng. Lời Chúa trở thành tiêu chuẩn giúp chúng ta phán đoán và lượng định mọi sự dưới cái nhìn của Chúa. Như thế, ngày mỗi ngày, chúng ta gia tăng lòng sùng kính Lời Chúa, là Lời tồn tại muôn đời.

Tuy nhiên, với những người chưa vững tin vào Chúa thường nghe mà không lắng, nên Lời Chúa chưa thấm sâu vào lòng họ. Họ đã để những tư tưởng của thế gian chiếm ngự nên không còn chỗ cho Lời Chúa. Như thế Lời Chúa không thể nâng đỡ đời sống đức tin của họ và họ không đủ sức mạnh để vượt qua những thách đố của cuộc đời. Chẳng lạ gì khi dịch bệnh Covid xảy ra, chúng ta phải đối diện với nhiều khó khăn như không có việc làm, thiếu thốn vật chất tinh thần… nhiều người không có niềm tin tìm đến cái chết để tự giải thoát mình. Thật đáng buồn lắm thay! Nếu giữa những thử thách khó khăn chúng ta kiên tâm cầu nguyện tìm kiếm thánh ý Chúa, chúng ta sẽ không còn lo âu sợ hãi, nhưng kiên nhẫn đón nhận mọi sự trong bình an, hy vọng và phó thác. Những ai gắn bó với Lời Chúa “nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày” thì có sức mạnh vượt thắng hoàn cảnh: “Người ấy tựa như cây trồng bên dòng suối, cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh, những cành lá không bao giờ tàn tạ, người như thế làm chi cũng sẽ thành” (Tv 1,3). Vì “Chúa vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1) nên chúng ta vững tin vào Tình yêu Chúa. Ngài luôn dành cho chúng ta con đường tốt đẹp theo thánh ý Ngài, chứ không phải theo ý chúng ta muốn.

Như Mẹ Maria đã lắng nghe và thực hành Lời Chúa, chúng ta để Lời Chúa làm phong phú tâm hồn mình và làm triển nở hạt giống đó được sinh nhiều gấp trăm. Nhờ năng suy gẫm Lời Chúa trong cầu nguyện thân tình với Chúa, chúng ta lắng nghe từng lời Chúa nói với mình cách cụ thể trong cuộc sống và đưa đến hành động bác ái yêu thương. Nếu chỉ nghe mà không thi hành thì Lời Chúa chỉ là hình thức bên ngoài, chưa đi vào đời sống để làm chứng cho Chúa là nguồn mạch Tình yêu được. Chúng ta áp dụng Lời Chúa trong đời sống chứng tá cách sống động và linh hoạt. Qua những giờ giờ phụng vụ, suy niệm cầu nguyện, những giáo huấn… chúng ta biết được Chúa muốn chúng ta làm gì, để uốn nắn tư tưởng, tâm tình, phán đoán và hành động của mình nên giống Chúa hơn và chia sẻ cho người khác: "Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng" (1Cr  9,16).

Ước gì nhờ trung thành với việc học hỏi và chuyên cần chia sẻ Lời Chúa, đời sống chúng ta được trổ sinh nhiều hoa trái tốt lành; đó là những hoa quả của Chúa Thánh Thần: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5, 22). Lời Chúa thanh tẩy, biến đổi chúng ta qua Chúa Giêsu Kitô là Ngôi Lời của Thiên Chúa để chúng ta được thuộc trọn về Thiên Chúa. Nhờ việc đọc và học hỏi các Sách Thánh, Lời Chúa được lan tràn nhanh chóng cùng được tôn vinh, và kho tàng Mặc Khải càng ngày càng đổ đầy tâm hồn con người. (x.DV số 26)

Lạy Chúa, Lời Chúa luôn là sức mạnh cho chúng con trên đường về quê trời. Trong Năm Hiệp Hành này, chúng con muốn thực sự trở thành những chứng nhân cho sự hiệp thông, tham gia và sứ vụ, để xây dựng đời sống vững mạnh trong đức tin và lan toả tình yêu đến với mọi người. Xin cho chúng con trở thành hiện thân của Chúa: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi!” (Gl 2, 20), để niềm vui Tin Mừng Chúa gieo vào lòng chúng con thúc đẩy chúng con nên thánh qua việc nhiệt thành sống yêu thương và quảng đại phục vụ hết mọi người. Xin cho chúng con một khi đón nhận Lời Chúa cũng biết chia sẻ cho nhiều người, để họ nhận ra Chúa vẫn sống động trong cuộc sống thường ngày của họ, hầu đón nhận được sự sống đời đời Chúa ban. Amen.

Sr. Maria Kim Yến, MRP