Lời Chúa Lời Quyền Năng – Lời Có Sức Mạnh Biến Đổi



 
* LỜI CHÚA – LỜI QUYỀN NĂNG
Trong tiếng Híp-ri từ דָּבָר (dabar) Lời, có một nghĩa rất mạnh. Lời không chỉ là một thứ thanh âm thoảng qua, một thứ ngôn ngữ bị giới hạn bởi chiều kích không gian và thời gian hay như là một sự thụ động vô nghĩa. Thế nhưng đúng hơn, Lời trong dòng chảy của thánh kinh vượt lên trên tất cả những giới hạn ấy, Lời hàm chứa một điều gì đó vô cùng năng động và đi xa hơn, Lời như là một chiếc cầu nối của những mối tương quan.
 
a. Lời Chúa – Lời quyền năng sáng tạo
Thật thế, Lời của Chúa chẳng bao giờ vang lên một cách vô ích. Lời phác họa bức chân dung của một Thiên Chúa luôn khát khao đối thoại và đi vào trong mối tương quan giữa Ngài với các thụ tạo của mình, đặc biệt trong mối tương quan thân tình với con người. Vì tình yêu và lòng thương xót vô biên, Thiên Chúa đã không thể để mọi thứ ở mãi trong cõi hư vô và hỗn mang nhưng chính Lời sáng tạo đầy quyền năng của Người đã vang lên “Thiên Chúa phán: “Phải có ánh sáng.” Liền có ánh sáng…” (St 1). Điều đặc biệt ở đây đó là Thiên Chúa chẳng bao giờ “nói suông”, Lời của Chúa luôn đi kèm với hành động cụ thể của Ngài. Thiên Chúa nói là Thiên Chúa sẽ làm. Ngài vẫn luôn trung tín như thế, đã yêu, đang yêu và sẽ mãi yêu. Tất cả sự bao la của vũ trụ được tạo nên và được đặt trong vòng tay đầy yêu thương, quan phòng của Thiên Chúa.
 
b. Lời Chúa – Lời quyền năng đồng hành và “ở với”
Nếu như trong Cựu Ước, một mặt Thiên Chúa của Ít-ra-en không cho phép dân của Ngài tạc, đúc tượng ảnh của mình như các vị thần hư ảo khác để tránh cho dân không bị rơi vào cảnh tôn thờ ngẫu tượng, thế nhưng mặt khác Ngài còn hiện diện cách cụ thể và sống động qua chính Lời của Ngài. Khi dân đang bối rối, đang sống trong một mớ bòng bong với những cám cảnh của cuộc đời thì Lời trở nên niềm hy vọng, trở nên “Ngọn đèn soi cho con bước, nên ánh sáng chỉ đường con đi”. Lời hiện diện như một người thầy, người bạn không ngừng can thiệp, đụng chạm, hướng dẫn trong từng nhịp sống, từng hơi thở của dân Ngài để rồi dân ấy không ngừng tiến bước trên “đường ngay nẻo chính”, xích lại gần, lại gần về phía của Thiên Chúa, một Thiên Chúa không ngừng đồng hành và đối thoại.
 
Và rồi, vĩ đại thay! chính Ngôi Lời của Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm và ở với chúng ta. Lời ấy không ở trên, không ở bên trái, bên phải hay ở ngoài chúng ta nhưng ở trong chúng ta, ở với chúng ta và ở cùng chúng ta.
 
c. Lời Chúa – Lời quyền năng mang lại sự sống
Qua Hiến chế Dei Verbum chương VI: Thánh Kinh trong đời sống của Giáo Hội, Công Đồng Vatican II đã cho chúng ta thấy rằng: Hội Thánh tôn kính Kinh Thánh như tôn kính chính thân thể Chúa, cả hai nuôi dưỡng và chi phối toàn thể đời sống Ki-tô giáo1.
 
Do đó, các tín hữu thuộc mọi thành phần, mọi bậc sống luôn được mời gọi để cảm nếm sự ngọt ngào của Kinh Thánh2 hay đúng hơn, Mẹ Giáo Hội luôn mời gọi con cái của mình tiến sâu hơn trong cuộc gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa và kín múc sức mạnh vô biên từ Ngài3 . 
 
Như đã trình bày trong phần đầu của bài viết, nếu Lời trở nên một cầu nối giữa các mối tương quan, trở nên một cuộc gặp gỡ đầy thân tình và riêng tư của Thiên Chúa với con người thì cuộc gặp gỡ ấy cũng đòi buộc một sự tương tác qua lại từ hai chiều: Thiên Chúa hạ xuống và con người vươn lên. Sẽ thật là tẻ nhạt nếu Thiên Chúa cứ mãi ở đó, cứ mãi gọi mà con người không biết hướng lên và đáp trả. Chỉ khi con người biết mở ra và để cho Lời của Chúa thấm nhập vào mình, chính Lời lấy sẽ biến đổi con người, biến đổi họ một cách tận căn. Sau đây, người viết xin được mạn phép trình bày một vài trải nghiệm đầy đơn sơ và nhỏ bé liên quan đến Lời Chúa – Lời có sức mạnh biến đổi tâm can.
 
* LỜI CHÚA – LỜI CÓ SỨC MẠNH BIẾN ĐỔI TÂM CAN (một kinh nghiệm sống thực tế)
 “Chỉ cần lướt mắt đến cuốn Thánh Kinh, đã đủ cho tôi, để ngay lúc đó, tôi hít lấy hương thơm cuộc đời Chúa Giêsu và tôi biết mình phải chạy về đâu” (Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu).
 
Lời của Thiên Chúa được Thánh Kinh truyền lại là Lời Quyền Năng có Sức kêu gọi. Thánh Kinh như một nguồn mạch ánh sáng và sức mạnh không bao giờ cạn, soi sáng và làm nền tảng cho cuộc sống chúng ta. Chúa Giêsu nói, “Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu” (Lc 23, 33).
Chúa nói: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20) và “có Chúa cùng hoạt động với các ông” (Mc 16, 20). Thật thế, tự sâu thẳm của lòng mình, con luôn cảm nhận được rằng Chúa cũng đã ở với con, như xưa Ngài hằng ở với các tông đồ. Con vẫn nhớ như in kỷ niệm buổi đầu tiên con được giữ vai trò người hướng dẫn khóa cầu nguyện với Lời Chúa cho các anh chị Giáo lý viên tại giáo xứ Vinh An. Tim con đập dồn, mắt hoa lên khi con nhìn xuống thấy có cha xứ ở phía cuối lớp…Bỗng Lời của Chúa vang lên trong tâm trí con “Anh em đừng lo phải nói gì hay phải nói như thế nào vì trong giờ đó, Thầy sẽ cho anh em biết phải nói gì, vì không phải là anh em nói nhưng là chính Thánh Thần của Chúa Cha nói trong anh em” (Mt 10,19-20). Lòng con hân hoan và bình tĩnh hơn vì tin rằng lúc này chính Chúa Thánh Thần sẽ nói trong con.
 
Lạ thay, các anh chị Giáo lý viên cũng ngồi vòng tay chăm chú lắng nghe như các em thiếu nhi. Kết quả là cuối khóa tất cả những ai tham dự khóa Lời Chúa đều đón nhận hoa trái của Lời Chúa và thay đổi cái nhìn, quan điểm và cách xử thế. Mọi người dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, ai cũng nhìn nhận sức mạnh của Lời Quyền Năng đã thức tỉnh tinh thần và vai trò của người Giáo lý viên. Sau khi gặp gỡ Lời Chúa trong cầu nguyên, các anh chị Giáo lý viên đã ra về với quyết tâm sẽ giúp các em chuyên cần đọc, cầu nguyện và chia sẻ Lời Chúa hơn, để Lời Chúa dưỡng nuôi đời sống đức tin của các em. 
 
Anh chị giáo lý viên chia sẻ cảm nhận cho Cha xứ, cha phó và mọi người. Cha xứ đã đăng ký các khóa tiếp cho các thành phần dân Chúa: các ông bà trong Ban Thường vụ Hội đồng Giáo xứ, Ban Hành giáo các giáo họ của các giáo xứ, trong giáo hạt thuộc quyền Ngài. Kế tiếp là các khóa cho các Ban Điều hành của các hội đoàn, ca đoàn; rồi sau đó là mở rộng cho các thành phần dân Chúa. Cộng đoàn Nữ Vương Hòa Bình tại giáo xứ Vinh An trở thành điểm để liên tục tổ chức các khóa cầu nguyện với Lời Chúa cho xứ dần dần mở rộng đến khắp giáo hạt Đăk Mil. 
 
Thật thế, Kinh Thánh vốn không thay đổi, nhưng nhiều tâm hồn đã thay đổi, trở nên một tạo vật mới. Từ những hoa trái của khóa cầu nguyện với Lời Chúa, con luôn tin rằng Lời Chúa có sức mạnh biến đổi tất cả. Con nhận ra hoạt động mạnh mẽ của Chúa Thánh Thần qua sứ vụ của Lời. Từ một con người nhút nhát, ít nói cười, con đã can đảm và nhiệt tâm rao truyền Lời Chúa cho mọi người. Con tin và có thể thưa lên như thánh Phaolô rằng: “Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi có thể làm được hết” (Pl 4,2). Càng đồng hành với mọi người trong khóa cầu nguyện với Lời Chúa, con càng nhận ra dân Chúa đói khát Lời Chúa biết bao! Tâm hồn họ sẵn sàng mở lòng cho Thánh Thần, đón nhận sự tác động của Ngài để LỜI được gieo vào lòng. Họ ao ước cho mọi người trong gia đình, xóm giềng cũng được hưởng nếm, được đón nhận Lời Chúa. Họ tìm kiếm, khuyến khích và đưa người ta đến với khoá Lời Chúa. Có một bà cụ về đưa hết con đau con rể, con trai con gái tham dự nữa.
 
“Lời Chúa là Lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi” (Dt4, 12) “là lời ban ân sủng, Lời có thể xây dựng và ban cho anh em được hưởng phần gia tài cùng với tất cả nững người thánh hiến” (Cv 20, 32. Quả vậy, Lời Chúa giúp thanh luyện con người nên tinh tuyền như lòng Chúa mong ước (x. Mt 5, 48). Vì có những người khi đến với khóa Lời Chúa, tâm hồn họ cứng cỏi, khô khan, cao ngạo, do dự trước những quyết định, không sẵn sàng đón nhận những biến cố xảy ra cho cá nhân cũng như gia đình. Họ bị trói chặt bởi hận thù, cứng tin hay cả lầm lạc nữa. Thế nhưng sau những ngày cầu nguyện bằng Lời Chúa, họ trở nên mềm mại, đáng yêu trước Chúa cũng như với anh em. Con nhận thấy những người trước đây do dự băn khoăn, những người buồn phiền bất mãn nay lại dễ dàng đón nhận hơn; xác tín hơn về sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình. Bởi vậy, “mọi sự trong Thánh Kinh được Thiên Chúa linh ứng có ích cho việc dạy dỗ, biện bác, sửa trị và rèn luyện trong công chính: để người của Thiên Chúa trở nên trọn hảo và sẵn sàng thực hiện mọi việc lành” (2Tm 1, 16 – 17; Hc MK 11). Nhờ cầu nguyện với Lời Chúa vợ chồng, con cái, cha mẹ hiểu nhau và yêu thương nhau hơn. Có những người hận thù lâu năm tưởng chừng không bao giờ có thể tha thứ, nay được ơn tha thứ, giải hoà. Đặc biệt có nhiều thanh niên thật khiêm tốn nhận mình đã sai đường, nay đứng lên trở về với Chúa và làm hoà với gia đình. Nhờ thế, xóm giềng được an lành hơn, bớt đi những tệ đoan. 

Kỳ diệu hơn nữa, chính các bạn thanh niên tham dự khóa nay cổ võ các bạn chơi cùng nhóm đến tham dự. Có một vài bạn là lương dân, đi theo bạn vào tham dự khoá Lời Chúa, khi trở về đã xin học giáo lý để theo đạo. Sau khoá Lời Chúa, Thánh Thần thúc đẩy một số khoá sinh hằng tuần lên đường truyền giáo cho anh em dân tộc trong các buôn làng vùng xa; và cũng có những bạn trẻ quyết định đi tu Dòng hay Tu hội. “Thiên Chúa cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: Thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Kitô” (Ep 1,9). Trong lúc cầu nguyện tự phát, không ít các khóa sinh chia sẻ, bạn đã cảm nhận sâu sắc tình yêu nhưng không Thiên Chúa  và muốn đáp trả lại tình yêu Chúa bằng việc cam kết sống đời sống mới trong từng phút giây hiện tại. Các em dâng lên Chúa những lời quyết tâm sẽ thay đổi đời sống, khi về lại với cuộc sống thường nhật hầu làm sáng danh Chúa trong môi trường sống của mình.
 
Tuần tĩnh tâm-cầu nguyện với Lời Chúa đã thực sự mang lại những ý nghĩa thiết thực đối với các em. Thấy hoa trái cao quý từ khóa Lời Chúa như giúp các thiếu nhi thăng hoa về đời sống thiêng liêng, lớn lên và trưởng thành về đời sống nhân bản của mình. Các em xác tín Chúa thương mình khiến cho các em không bao giờ thất vọng, lo âu, mất tinh thần. Trái lại, càng giúp các em tin tưởng, vững vàng chờ đợi với tất cả niềm vui, với tất cả sự hứng khởi đặt mối hy vọng vào Thiên Chúa, Đấng sẽ làm mọi sự tốt lành cho Hội Thánh của Người cách riêng cho bản thân các em. Sống giữa một xã hội tiến bộ về khoa học kỹ thuật, đề cao lối sống hưởng thụ giúp, thường xuyên các em thiều nhi phải đối diện với những thách đố lắm lúc các em cũng ưu tư lo lắng làm sao tránh khỏi những cám dỗ luôn từng đeo đuổi, thu hút mình. Nhưng Lời Chúa lại vang lên trong tâm khảm các em qua tuần cầu nguyện: “cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào,39 trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Rm 8, 38 – 39).
 
Một số khoá sinh tìm cách để cố gắng giữ Lửa Lời Chúa đã nhận, với sự soi dẫn của Thánh Thần, họ đã thành lập nhóm “Sống Lời Chúa” để hằng tuần gặp nhau đọc Lời Chúa, cầu nguyện, chia sẻ và nâng đỡ nhau sống Lời Chúa. Hạt Đăk Mil có 3 nhóm lớn: tại Vinh Hương, Bác Ái và giáo họ Xuân Bình xứ Thổ Hoàng; mỗi nhóm được chia thành những nhóm nhỏ tùy theo lứa tuổi, mỗi nhóm nhỏ khoảng trên dưới 12 người. Ngoài Giáo phận Vinh có 2 nhóm ở giáo xứ Làng Ênh và Lộc Mỹ.  Khi thăng khi trầm, nhưng các nhóm vẫn được duy trì sinh hoạt hàng tuần cho đến nay. Có được điều này có thể nói là nhờ Cha xứ quan tâm và có sự cộng tác của một số giáo dân rất nhiệt tình. Có anh em trong số này đã cảm thấy ơn gọi của mình là đưa người ta đến với khoá Lời Chúa và cộng tác với Thánh Thần để cùng đồng hành với các nhóm “sống Lời Chúa”. Tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi đã dạy dỗ, an ủi, uốn nắn, ban sức mạnh và tinh thần can đảm dấn thân phục vụ cho họ.
 
Với tâm tình của một người đã trải qua một thời gian lãnh lấy sứ mạng ra đi chia sẻ Lời Chúa cho mọi người qua khóa cầu nguyện với Lời Chúa, giờ đây con đã cảm nghiệm một cách sâu sắc hơn về sứ mạng chính của Dòng đó là “Cổ võ học hỏi Thánh Kinh”. Quả thật, tất cả chị em Dòng Nữ Vương Hòa Bình đều có trách nhiệm thực hiện và khích lệ động viên, giúp đỡ cho bà con dân Chúa được tiếp cận với Lời; vững vàng trong đức tin, gia tăng đức cậy, chan hòa đức ái, quyết không để cho điều gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô.
 
     

LỜI KẾT
“Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô” lời nói bất hủ của thánh giáo phụ Giê-rô-ni-mô đã mở ra cho chúng ta một suy tư và cũng là lời mời gọi khẩn thiết hãy đi sâu vào trong mối tương quan thân tình với Thiên Chúa qua việc lắng nghe và tuân giữ Lời. Thật thế “vô tri thì bất mộ” do đó nếu Chúng ta muốn rao truyền Đức Kitô cho mọi người thì trước hết chính người rao truyền cần phải biết Đức Kitô; muốn biết Đức Kitô thì không cách nào khác dễ dàng hơn đó là đọc và suy gẫm Kinh Thánh. Hơn nữa biết Đức Kitô sẽ đem lại hữu ích cho mỗi người chúng ta, bởi lẽ chính Ngài sẽ trở nên sức mạnh và nguồn trợ lực cho đời sống chúng ta như thánh Phao lô đã mạnh mẽ xác quyết “Ai biết Đức Kitô là một mối lợi tuyệt vời”, mối lợi ấy tuyệt vời đến nỗi người ta có thể sẵn sàng từ bỏ danh vọng, từ bỏ địa vị để chọn Đức Kitô làm gia nghiệp và sống chết cho tình yêu với Đức Kitô “Tôi coi mọi sự là phân bón khi được biết Đức Kitô” (Pl 3,7-12).
 
Ước mong mỗi người chúng ta biết say mê cầm lấy Lời Chúa mà ăn, mà đọc, mà sống, để tất cả chúng ta thực sự có được sức mạnh, niềm vui và sự bình an sâu thẳm trong tâm hồn “Hạnh phúc thay kẻ lắng nghe và thực hành Lời Chúa” (Lc 11, 28). Ước gì Lời Chúa thấm sâu vào trong tâm khảm chúng ta, trở nên xương thịt máu huyết của chúng ta, để mỗi chúng ta trở nên một cuốn Kinh Thánh sống động phản chiếu Tình yêu của Thiên Chúa cho hết thảy mọi người. Cuối cùng xin mượn lời của thánh Công đồng Vaticanô trong hiến chế Dei Verbum để thay cho lời kết của bài viết này:
“Ước gì nhờ việc đọc và học hỏi sách thánh, “Lời Thiên Chúa được trôi chảy và sáng sủa” (2Tx 3,1), và ước gì kho tàng Mạc Khải, đã được ủy thác cho Giáo Hội, ngày một tràn ngập tâm hồn con người. Nếu đời sống Giáo Hội được tăng triển nhờ năng nhận lãnh Bí Tích Thánh Thể, cũng thế, cũng có thể hy vọng đời sống thiêng liêng được đổi mới nhờ thêm lòng sùng kính lời Chúa, là lời "hằng tồn tại muôn đời" (Is 40,8; 1 P 1,23-25; DV 26).
 
M.A.K Thúy
1Giáo hội luôn tôn kính Thánh Kinh như chính Thân Thể Chúa, nhất là trong Phụng Vụ Thánh, Giáo Hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu. Cùng với Thánh Truyền, Thánh Kinh đã và đang được Giáo Hội xem như là quy luật tối cao hướng dẫn đức tin, được Thiên Chúa linh ứng và đã được ghi chép một lần cho muôn đời, Thánh Kinh phân phát cách bất di bất dịch lời của chính Chúa và làm vang dội tiếng nói của Chúa Thánh Thần qua các Tiên Tri cùng với các Tông Ðồ. Bởi vậy, mọi lời giảng dạy trong Giáo Hội cũng như chính đạo thánh Chúa Kitô phải được Thánh Kinh nuôi dưỡng và hướng dẫn” (DV 21).

Vì lẽ đó, Giáo Hội khuyên nhủ mọi thành phần dân Chúa siêng năng học hỏi và đọc Kinh Thánh “tất cả các giáo sĩ, trước hết là các linh mục của Chúa Kitô và những người có bổn phận phục vụ lời Chúa, như các phó tế và những người dạy giáo lý, phải gắn bó với Thánh Kinh nhờ việc chăm đọc và ân cần học hỏi, để khi họ phải truyền đạt kho tàng bao la của Lời Chúa, nhất là trong phụng vụ thánh, cho các giáo hữu được ủy thác cho họ, không ai trong họ sẽ trở thành “kẻ huênh hoang rao giảng lời Thiên Chúa ngoài môi miệng bởi không lắng nghe lời Thiên Chúa trong lòng.[1]” (DV 25). Công đồng cũng tha thiết khuyết khích mọi Kitô hữu, cách riêng tu sĩ hãy năng đọc Thánh Kinh để học biết “khoa học siêu việt của Chúa Giêsu Kitô” (Pl 3,8) vì “không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô.”[2] Giáo hội cũng lưu ý mọi người rằng mọi kinh nguyện phải đi đôi với việc đọc Thánh Kinh để có sự đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, vì “chúng ta ngỏ lời với Ngài khi cầu nguyện, và chúng ta nghe Ngài nói lúc chúng ta đọc các sấm ngôn thần linh”[3] (x. DV 25).

Đối với đời sống các tín hữu, Chúa Cha trên trời bằng tất cả lòng trìu mến đến gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với họ qua Sách Thánh. Như vậy, khi tiếp cận với Lời Chúa, đọc Thánh Kinh là đi vào một cuộc gặp gỡ, tham gia một cuộc đối thoại. Ngoài ra, “Lời Chúa còn có một sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Giáo Hội, ban sức mạnh đức tin cho con cái Giáo Hội, là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo Hội” (DV 21).