Khi Lìa Trần Có Mấy Người Đưa? - Tác giả: Hùng Luân



 
Phó tế Vũ Thành An trong một sáng tác, ông viết: "Triệu người quen có mấy người thân, khi lìa trần có mấy người đưa?" (Bài Không Tên Số 04)
 
Câu hát ngân lên, day dứt trong lòng người. Tự hỏi rằng ta đã đối đãi tốt với nhau chăng? Và, ta phải sống thế nào để khi rời khỏi dương thế có kẻ thương tiếc ? 

Đời sống con người nhanh như kiếp hoa cỏ, có đó rồi mất đó. "Phù vân nối tiếp phù vân. Thế gian tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1,1). 

Người Á Đông xưa cũng quan niệm: "Đời người như bóng câu qua cửa sổ". Trong mấy mươi năm hữu hạn, lại có lúc thăng lúc trầm, như vạn vật cùng chung quy luật. Sách Hoài Nam Tử có câu: "Mặt trời đứng bóng thì xế. Mặt trăng đã tròn thì khuyết. Ở đời có thịnh, có suy". Suy cho cùng, chuyện ở đời vẫn là khó nói. Những được mất, hơn thua vây kín một kiếp người đến tối tăm mày mặt. Những vui buồn sướng khổ thoáng chốc kéo nhau lùi vào dĩ vãng, đóng băng cùng với thời gian. Nhưng thời gian thì chảy trôi. Thế giới luôn vần xoay, con người không bao giờ thoát khỏi sinh tử. 

Khi xướng lên câu hát của Vũ Thành An, tôi sực nhớ mẹ tôi ở quê nhà, một người phụ nữ thuần hậu, mộ đạo. Suốt cuộc đời bà, người ta mời đi đám cưới, ăn hỏi, giỗ chạp, đầy tháng... có ít hoặc nhiều lần bà chối từ, bởi bận bịu, bởi đường xa ngăn sông cách đò, mệt nhọc... duy chỉ đám tang và cuộc đưa tang, dù không một ai tang quyến đau buồn níu kéo, mời mọc bà vẫn ở lại để dự lễ rồi tiễn đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng. Mẹ nói, nghĩa tử là nghĩa tận, đó là thánh lễ sau hết của đời người. Mẹ kể, khi còn tại thế, người vừa nhắm mắt xuôi tay có những kỷ niệm thiện lành, tốt đẹp. Và rồi, trong thánh lễ an táng, trên bình diện tâm linh là lúc hai tín hữu, những người đương thời cùng nhau hiện diện nơi ngôi thánh đường. 

Ở giáo xứ quê, một trong những nếp sinh hoạt truyền thống đáng trân quý là đưa tang đến tận Đất Thánh. Sau thánh lễ an táng cử hành ở nhà thờ, linh cữu được đưa về nghĩa trang của họ đạo. Những người dân quê hiền lành nối nhau tiễn biệt. Có khi, thánh lễ một vài ngàn người. Có khi, thánh lễ chỉ mấy mươi người. Có người nằm xuống trong vòng tay người thân. Có người nằm xuống trong cô quạnh! 

Khép lại cuộc đời băng qua bao mùa mưa nắng. "Khi lìa trần có mấy người đưa?" Điều này không phụ thuộc vào chính đời sống cá nhân ít nhiều tương giao; mà đôi khi còn nằm ở lòng nhân từ, độ lượng của tha nhân. 

Liệu có gác hết tị hiềm để tiễn đưa lần sau chót? Liệu có trút hết đau thương, dằn vặt, để cho tất cả nằm yên dưới nấm mồ với người bên trong quan tài?  Có dám thứ tha, quên hết tất cả để cho tâm hồn mình một phút giây bình an?

Nguyễn Hùng Luân