Gẫm về sự chết để sống bình an - Thanh Xuân, MRP


Chắc hẳn bạn và tôi đã không ít lần chứng kiến cái chết của những người chúng ta không quen biết, của bạn bè; hay thậm chí là cái chết của những người thân yêu nhất của chúng ta. Chết là biến cố buồn, không thể tránh được vì thường là điểm dừng đột ngột, là chấm hết bất thình lình, là cắt đứt mọi thứ gây nuối tiếc, dang dở…Đối diện trước cái chết và sự ra đi vĩnh viễn của người thân chắc hẳn ta cảm thấy mất mát, đau thương, luyến tiếc! Tuy nhiên, điều đó cũng cho ta những cảm nhận sâu xa về chung cục của con người để nhận ra đâu là ý nghĩa sự hiện hữu của chúng ta trong cuộc đời và đâu là giá trị của hành trình làm người. Dẫu sao thì chúng ta cũng phải chấp nhận rằng đã là người, ai cũng phải chết “nay người mai ta”. Triết gia Soren Kierkegaard đã nói rằng: “Ngay khi bạn sinh ra trên thế giới này, bạn đã đủ già để chết”.

 
Quả thực, “ý thức về chết” đã đặt loài người trước những vấn nạn lớn: tại sao phải chết, chết rồi đi đâu? Chính vấn nạn “cái chết” biểu lộ nỗi lo mang tính định mệnh, nỗi khổ của thân phận và nỗi đau của kiếp người. Công đồng Vaticanô II cũng đã nói lên tình trạng của con người với cái chết như sau: “Trước cái chết, bí ẩn về thân phận con người lên tới tột độ. Con người không những bị hành hạ bởi đau khổ và sự tiến dần đến tan rã của thân xác, mà hơn thế nữa, còn bị dày vò bởi nỗi lo sợ bị tiêu diệt đời đời...” ( GS 18).
 
Có thể nói chết là một điều đáng sợ, nó gây kinh hoàng và khủng hoảng vì chết là ra đi không bao giờ trở lại. Cái chết làm cho con người sợ vì lắm lúc chưa được chuẩn bị, dọn dẹp, thu xếp. Tâm trạng sợ chết làm cho nhiều người tránh né thực tại. Họ không muốn nghĩ đến, hoặc không quan tâm đến việc “phải chết”, nhưng trong thực tế, ý nghĩ về sự chết ám ảnh con người. Mặt khác, chết cũng là chìa khóa để mở ra nhiều vấn nạn của cuộc sống: người ta sống lành vì sợ chết dữ; sống đẹp vì sợ đời sau phải xấu xa; sống ngay thẳng, lương thiện, bác ái vì sợ hình phạt đau đớn trong địa ngục. 
Nhờ nhìn vào cái chết của nhiều người, ta có thể nhận định về cái chết với bản chất của nó.
 
- Chết là một định mệnh: như vạn vật không ngừng sinh rồi tử, sống rồi chết, tươi tốt rồi héo úa, tàn rụi. Con người cũng không ra ngoài định luật tự nhiên này. Vì thế, sống – chết là lẽ tự nhiên của con người. Chết nằm trong đời sống con người, bởi quy luật tự nhiên đã định: có sống là có chết, có sinh là có tử, có bắt đầu tất phải có kết thúc. Vì thế thái độ đúng đắn của con người là bình thản đón nhận cái chết.
 
- Chết là một mầu nhiệm làm lo lắng sợ hãi, vì phải đi vào một hiện hữu mới, sau khi phải từ bỏ chia cách tất cả mọi người và mọi sự vật. Nguy cơ của con người trước cái chết không chỉ là mất tất cả, mà còn là tình trạng không biết mình sẽ ra sao, sẽ là gì? Bởi thế chết là sự đe dọa rất khủng khiếp đối với con người.
 
Sau khi nguyên tổ sa ngã phạm tội (St 3) thì cái chết là nỗi đau khổ của con người vì là án phạt của Thiên Chúa.  Con người chấp nhận thân phận thụ tạo, dù họ có địa vị cao sang hay học thức thì “ngươi là bụi đất, rồi cũng sẽ trở về với bụi đất” (St 3,19b). Tuy cái chết là một ẩn số, và đời sau là một mầu nhiệm, nhưng cái chết không là ẩn số không có lời giải, cũng như đời sau không còn là mầu nhiệm không ánh sáng. Nếu không có đức tin sâu xa, thì cái chết quả là điều kinh khủng, đáng lo sợ, vì không biết cuộc đời mình sẽ đi về đâu? Nhưng người Kitô hữu chúng ta tin tưởng và cậy trông vào Đấng tạo dựng nên chúng ta; và lòng chúng ta khao khát trở về cội nguồn là chính Chúa như lời Thánh Âu Tinh đã nói: "Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa nên lòng chúng con khắc khoải cho đến khi nghỉ yên trong Chúa” TT 1,I". 
 
Công đồng Vatican II cũng giúp ta xác tín: “Theo bản năng của lòng mình, con người có lý để ghê sợ cũng như từ chối sự hủy hoại hoàn toàn và sự tiêu diệt vĩnh viễn của bản thân. Mầm sống vĩnh cửu mà con người mang trong mình không thể giản lược vào nguyên vật chất, nên nó nổi lên chống lại sự chết. Mọi cố gắng của kỹ thuật, dù rất hữu ích, cũng không thể làm nguôi được nỗi lo âu của con người: bởi vì đời sống sinh vật, dù có được kéo dài thêm đi nữa, cũng không thể thỏa mãn được khát vọng một cuộc sống mai hậu đã được in sâu trong lòng con người.
 
Trước cái chết, óc tưởng tượng của con người đành bất lực. Nhưng Giáo Hội, được Mạc Khải của Thiên Chúa dạy bảo, quả quyết rằng con người được Chúa dựng nên để đạt tới cứu cánh hạnh phúc sau những khổ cực trần thế này” (GS 18).
 
Bởi đó, cái chết nơi người tín hữu chúng ta không còn là thất bại ê chề hay tuyệt vọng tang thương, nhưng là cửa ngõ đi vào sự sống mới, một cuộc vượt qua ở đời này vào đời sau vĩnh cửu. Chính sự sống lại của Đức Giêsu bảo đảm hạnh phúc được sống lại và được sống đời đời với Thiên Chúa của người kitô hữu. Cũng vì niềm tin vào sự sống lại này mà chúng ta chấp nhận đánh đổi tất cả, dù phải mất cả mạng sống.
 
Sự chết nhắc nhở chúng ta về bản chất thật ngắn ngủi, thật mong manh phù du của đời sống con người trên dương thế. Tuy nhiên sự khôn ngoan chân thực thì vượt xa nhận định ấy khi nhận biết cuộc đời mình nằm trong vòng tay Thiên Chúa. Điều đó giúp chúng ta khám phá ý nghĩa sự sống đích thực qua sự chết. Là người Kitô hữu, chúng ta đón nhận sự hoàn tất đó với một tâm hồn bình an, vì mạc khải Kitô giáo đã cho biết rằng cái chết như cánh cổng to lớn mở vào thánh điện an vui vĩnh hằng. Như thánh Phaolô đã xác định: “Vào ngày cuối cùng, cái hư hoại trong ta sẽ trở nên bất hoại, cái khả tử sẽ nên bất tử “(1Cr 15, 53).
 
Dưới cái nhìn của Kitô giáo, chúng ta không hoàn toàn bi quan trước bản án của sự chết: vì “Thiên Chúa đánh phạt rồi lại xót thương, Chúa làm cho chết và Chúa làm cho sống”. Chết không là căn cớ làm chúng ta sợ, nhưng chúng ta tìm hiểu, học hỏi về sự chết, hầu chính nỗi sợ chết trở thành động lực làm cho đời sống chúng ta trở nên tốt hơn. Chúng ta thấy nhiều người ngày nay chọn dịch vụ “chết thử” để biết được cảm giác của cái chết, ý nghĩa của sự chết và rồi sau đó có thể thay đổi đời sống tốt hơn. Hơn nữa, mặc dù cái chết đáng sợ nhưng nhiều người đã không ham sống sợ chết mà sẵn sàng chấp nhận cái chết vì tiếng nói của lương tâm, của chính nghĩa, vì danh dự và thậm chí sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho người khác. 
 
Trước đại dịch Covid-19 ngày càng bùng phát lấy đi sinh mạng của bao người trên thế giới, gây ra biết bao tang thương cho nhân loại. Điều đó cho chúng ta thấy ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh. Hầu như ai cũng mang trong mình những hoang mang, lo sợ vì cái chết sẽ đến gần hơn và nhanh hơn với những người thân yêu của chúng ta và đến với chúng ta bất cứ lúc nào, nhưng thiết nghĩ  điều chúng ta có thể làm là có sự tỉnh thức trong tâm thế sẵn sàng trước sự chết và chỉ sống hết mình đời sống hiện tại, sống tròn đầy cuộc sống hôm nay, sống từng giây phút “lúc này - ở đây” mới là người biết sống hạnh phúc và khôn ngoan chuẩn bị cho mình cái chết bình an. 
 
Chúng ta nhìn lên Đức Giêsu, Đấng đã đón nhận cái chết để trở nên “của lễ đền tội” cho chúng ta, không những vì tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn vì tội lỗi cả thế gian nữa” (1 Ga 2,2) “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Rm 8,32).  Cái chết của Đức Giêsu vừa tố cáo những sai lầm của con người: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34) vừa dung tha thông cảm với nỗi bất công mà bao người đang gánh chịu hôm nay. 
 
Suy tư về sự chết của phận người, chúng ta tỉnh thức để sống tốt hơn, tương quan với tha nhân và yêu thương đồng loại nhiều hơn. Chúng ta chia sớt nỗi niềm, thông cảm, tin yêu và phó thác. Đồng thời chúng ta đón nhận cái chết một cách bình thản nhẹ nhàng và tăng thêm niềm xác tín vào ơn cứu độ của Chúa. Khi gẫm suy về sự chết, chúng ta ý thức rõ hơn giá trị của cuộc sống, để trân quý và hành động tích cực đúng đắn hơn. Vì biết mình sẽ chết, nên chúng ta không phí phạm sự sống, trái lại sống tròn đầy giây phút hiện tại, tỉnh thức chờ Chúa đến trong giờ chết của mình với một tâm thế tỉnh thức và sẵn sàng đón Chúa bất cứ lúc nào, sẵn sàng cả trong khi ngủ, ngủ trong an bình như các cô trinh nữ khôn ngoan (Mt 24, 1-13). Chúa Giêsu đã chết thật sự và được an táng như mọi người, nhưng ngày thứ ba Ngài đã sống lại. Chính Ngài đã hứa: “Trong nhà Cha của Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em” (Ga 14, 1-2). Chúa Giêsu dọn chỗ cho chúng ta để Ngài ở đâu chúng ta cũng được ở đó với Ngài. Như thế, với người Kitô hữu, “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời” (Thánh Phanxicô Assisi).
Thanh Xuân, MRP