Biết Thinh Lặng Đợi Chờ… Đó Là Một Điều Hay


“Hồn tôi hết được bình an thư thái,
tôi đã quên mùi hạnh phúc rồi.”
  (Ac 3, 17)

“Hết được bình an”, “quên mùi hạnh phúc” có lẽ không chỉ là tâm trạng của tác giả sách Ai-ca, của các tín hữu Rô-ma, của nhiều môn đệ giữa trận cuồng phong ở Biển hồ năm xưa mà còn là của nhân loại trong những thời khắc Covid này. 

Chúa nhật 29 Thường niên B hôm nay, Hội đồng Giám mục Việt Nam mời gọi các tín hữu hiệp thông dâng lễ cầu nguyện “XIN ƠN CHỮA LÀNH MÙA ĐẠI DỊCH”. Phụng vụ Lời Chúa cho chúng ta những ý niệm thiêng liêng để cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau chia sẻ, cùng nhau sống, cùng nhau đón nhận và cùng nhau hy vọng.

Khởi đi từ bài đọc 1 trích sách Ai-ca (Ac 3, 17 – 26), chúng ta được suy gẫm lời than khóc cá nhân khi cảm nhận bị bỏ rơi nhưng lại biết cầu nguyện đầy chân thành, biết ơn, tin tưởng, hy vọng.
Thánh Phao-lô mời gọi chúng ta trong bài đọc 2 (Rm 8, 31b – 39): Điều gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô?

Bài Phúc Âm phác họa thật rõ nét những thực tại gần gũi với chúng ta hôm nay. “Chiều đến” (Mc 4, 35), theo kinh nghiệm sống, chúng ta hiểu “chiều” là không gian chập choạng tối, báo hiệu một màn đêm sắp bao trùm mặt đất. Đêm đen có thể ẩn chứa những thế lực sự dữ mà con người khó lường trước. Và điều không may đó đã xảy đến trên chiếc thuyền của các môn đệ: “Một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước.” (Mc 4, 37). “Trận cuồng phong” này chẳng ai kiểm soát được nó đến và đi lúc nào, nó nằm ngoài khả năng các môn đệ. “Thuyền đầy nước”! Ấy thế mà, “Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ.” (Mc 4, 39). Ngủ là trạng thái nghỉ ngơi thanh thản nhất của con người. Mác-cô kể rất chi tiết: “Đức Giê-su dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ”. Là một người gắn bó với biển, chắc hẳn Đức Giê-su biết rõ đặc điểm của Biển hồ Galilê. Vào khoảng chiều tối trở đi, do địa hình nên Biển hồ thường xuyên xảy ra những trận cuồng phong, có thể gây nguy hiểm cho những chiếc thuyền chưa kịp neo đậu. Thế nhưng, Đức Giê-su vẫn “dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ”. Một phần có thể Đức Giê-su tin tưởng vào tay lái các ngư phủ chăng? Một ý nghĩa sâu xa hơn là thái độ bình tâm của Người. Có thể có những trận cuồng phong dữ dội nhưng Đức Giê-su hiểu rõ Thiên Chúa Cha luôn đồng hành và nâng đỡ Người; Đức Giê-su tin vào quyền năng Thiên Chúa sẽ chiến thắng sự dữ, nên Ngài có giấc ngủ bình an là vậy.

Bạn mến,
Chúng ta cũng đã và đang trải nghiệm “bóng chiều” rồi đi vào đêm đen màu Covid-19 suốt gần hai năm qua. Trận cuồng phong này không phải Thiên Chúa gây ra và con người cũng không biết trước được. Chỉ do một nguyên nhân nào đó mà toàn nhân loại phải đón nhận trận cuồng phong Covid. Năm xưa, thuyền đầy nước, thuyền chao đảo như sắp lật nhào. Hôm nay, thế giới nhuốm màu đau thương, con người rơi vào tình cảnh hỗn độn bi đát hơn bao giờ hết. Thử hỏi thực tại này có tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô không? Các môn đệ đã biết đánh thức Đức Giê-su dậy để Người cứu các ông. Còn chúng ta, chúng ta đánh thức ai? Câu trả lời dành riêng cho bạn và tôi. 

“Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì cửa sẽ mở ra cho” (Mt 7,7). Sở dĩ Thiên Chúa còn im lặng là bởi Ngài có chương trình của Người. Phải chăng Người muốn đào luyện đức tin chúng ta ngay trong những hoàn cảnh vô vọng nhất, vì “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người.” (Rm 8, 28). Đôi khi, chính sự thinh lặng của Thiên Chúa đã là một câu giải thích mà nhân loại chưa hiểu thấu! Phần chúng ta, có lẽ tốt hơn hết là hãy học nơi Đức Giê-su thái độ bình tâm; đồng thời, “Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện.” (Rm 12, 12).

Tâm tình sách Ai-ca cũng thật giá trị cho chúng ta học sống: “Biết thinh lặng đợi chờ, đợi chờ ơn cứu độ của Đức Chúa, đó là một điều hay.” (Ac 3, 26). Thinh lặng đợi chờ không phải ngồi dưới gốc cây chờ sung rụng nhưng là một thái độ sống tích cực, lạc quan, yêu thương, cầu nguyện, tin tưởng và hy vọng. Đó chính là sức mạnh nội tâm của chúng ta giữa trận cuồng phong này.

Xin được khép lại những suy tư vụng dại:
THINH LẶNG NÓI GÌ?
Thinh lặng là nẻo đường dẫn về ngôi nhà bình tâm.
Thinh lặng là thư viện của tâm hồn.
Thinh lặng là tảng đá kiến tạo lâu đài nội tâm.
Thinh lặng là ông chủ giàu có nhất của tâm hồn.
Trong thinh lặng, ngôi nhà của lòng tôi mà tôi tìm về,
Trong thinh lặng, tôi hiểu những giá trị sống.
Bạn thân của tôi tên … THINH LẶNG…

M. Anna Thúy Vân, MRP