Biết Ơn Bà - Minh Đức, MRP


Mỗi ngày, ngồi ăn cơm bên cạnh bà, con thấy mình thật hạnh phúc khi được ngồi chung bàn cùng với người chị tiên khởi của Dòng. Ngồi ngắm nhìn bà với khuôn mặt đã in hằn vết thời gian, những nếp nhăn, vết chân chim như thể hiện số tuổi của bà, mái tóc đã điểm sương bởi dấu ấn của thời gian. Ngồi cùng bà con thấy thương bà lắm, bàn tay chai sạn, bàn tay đã từng khai phá, xây dựng, gìn giữ Dòng nay run run xúc từng thìa cơm. Con xin giúp bà, nhưng bà lại muốn tự mình làm, dù đôi khi những hạt cơm chẳng nghe theo sự điều khiển của bà, cứ rơi tung tóe ra ngoài. Thương bà lắm, nhưng con chỉ biết âm thầm cầu nguyện cho bà sống hạnh phúc trong tuổi già, âm thầm nhặt những hạt cơm rơi rớt dưới bàn. Con nghĩ rốt cuộc đã đến lúc chiều tà. Đêm đã gần kề. Nhưng giờ đây hơn bao giờ hết con lại thấy ‘mặt trời của bà’ lại đỏ thắm hơn, rạng rỡ hơn, xinh đẹp hơn và gần mặt đất hơn. Mặt trời của bà không soi chiếu ở trên cao, nhưng nó có thể nhuộm đỏ cả một chân trời. Vâng, con đã thấy ánh mặt trời trong mắt của bà, ánh mặt trời của một tâm hồn bình an. Dù giờ đây chỉ một bước chân, một cái nhấc tay, cũng làm cho bà cảm thấy thật khó khăn, mọi cái dường như không dễ dàng chút nào nữa, trí nhớ giảm dần, nói đó rồi quên đó. Tất cả đều cần sự giúp đỡ, sự kiên nhẫn và tình yêu của những người xung quanh. Sự dòn mỏng của con người đứng trước thời gian là một điều không thể tránh được. Nhưng điều con nhận thấy nơi bà, là bà không bao giờ quên mang tràng Chuỗi Mân Côi bên mình, khi ngồi một mình bà thường lần hạt. Mỗi lần vào phòng, bà luôn nhớ hôn lên tấm hình Chúa được dán trên cửa phòng bà, để bà làm dấu phòng bà. Nơi bà luôn hiện lên một sự tỉnh thức đón chờ Chúa đến trong cuộc đời bà.
 
Bà kính yêu, con chưa bao giờ nghĩ ở và chăm sóc bà là một gánh nặng, hay một sự phiền toái, con luôn nhìn thấy đó là một hồng ân lớn lao được dành cho con. Nhiều khi con thầm nghĩ nếu Chúa gọi bà về chắc con buồn lắm, khi phải rời xa người bà, người chị, thân yêu. Mỗi lần nhìn bà con lại nhớ đến những câu thơ của tác giả Tố Hữu trong bài Tiếng Ru đã viết: “Núi cao nhờ có đất bồi, núi chê đất thấp núi ngồi ở đâu. Muôn dòng sông đổ biển sâu, biển chê sông nhỏ biển đâu nước còn”. Vâng, núi có cao vì nhờ có đất bồi, muôn dòng sông đổ vào biển vì thế mới có biển. Chúng con được như ngày hôm nay là nhờ công khó của quý bà và quý chị đi trước để lại, từng tấc đất là từng giọt mồ hôi, là từng dòng nước mắt, từng lời kinh thấm lệ khẩn khoản mỗi ngày. Từng mái nhà được mọc lên là những chắt chiu công khó của quý bà quý chị đi trước đã âm thầm hy sinh chắt chiu cho chúng con hưởng dùng ngày hôm nay. Chúng con đang được hưởng dùng những công khó từ quý bà, quý chị để lại, một sự hưởng dùng bởi tình yêu nhưng không của quý bà quý chị dành cho chúng con là những người em trong gia đình Dòng. Rất nhiều điều nữa chúng con đang được lãnh nhận và hưởng dùng do bao công khó đó, quý bà, quý chị đã viết lên những trang lịch sử cho Hội Dòng. Những trang lịch sử đó đã in hằn những công khó của quý bà, quý chị những giọt mồ hôi, hòa lẫn nước mắt và đôi khi cả máu nữa.
 
Thưa bà, là người em, là người con, người cháu trong Dòng, con luôn nhớ và khắc ghi ơn “Ăn quả thì nhớ kẻ trồng cây”, “uống nước thì nhớ nguồn.” Nên một chút lắng nghe, một chút cảm thông, một chút chia sẻ với bà trong lúc tuổi xế chiều có là gì đâu. Con ngẫm suy, tại sao có sự xung đột giữa các thế hệ, bởi vì người ta thiếu lắng nghe, thiếu cảm thông, thiếu tình yêu, và nhất là thiếu lòng biết ơn? Khi người ta nghĩ rằng tất cả mọi thứ do trên trời rơi xuống, hay đó là điều đương nhiên tôi phải được hưởng mà không biết do đâu mà ta có. Hay họ nghĩ rằng, chỉ có họ là quan trọng hay chỉ có họ mới có thể làm được mọi việc. Nhưng họ đâu biết rằng chối từ những công ơn của thế hệ đi trước là họ tự mình tước đi với những liên hệ gốc rễ của mình; và đang tước đi sự khôn ngoan mà người trẻ không tự mình đạt được.
 
Lạy Chúa, con đã hiểu tại sao Chúa là Thiên Chúa, nhưng Chúa vẫn lắng nghe sự hướng dẫn chỉ bảo của thánh Giuse và Mẹ Maria, tại sao Chúa vẫn ngồi chung với các bô lão để nghe họ dạy bảo. Vì để có một Giêsu trưởng thành về mọi tầm vóc, tinh thần, thể xác trí tuệ, nhân bản- không phải tự dưng mà có, nhưng là từ sự biết học hỏi để trau dồi bản thân mỗi ngày, mới có một Giêsu tuyệt với để rồi “Mọi người sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư” (Mc 1, 22 ) vì “giáo lý của Người thì mới mẻ, Người dạy lại có uy quyền” (Mc 1, 27). Mọi người phải thốt lên “Ông ta không phải là con ông Giuse đó sao, mẹ ông không phải là bà Maria, bà con lối xóm với chúng ta sao, bởi đâu ông ta được như vậy”. Vâng, chính thái độ của lòng biết ơn, thái độ sống uống nước nhớ nguồn, làm cho người ta sống xứng đáng là người hơn, làm cho “những ai đã có thì sẽ được cho thêm, còn những ai không có thì ngay cái họ đang có cũng sẽ bị lấy đi”(Mt 13, 12)
 
Maria Minh Đức, MRP