Ánh Quang Hy Vọng - M. Anna Thúy Vân, MRP



 
Hi vọng thực sự có ý nghĩa lớn lao đối với bất cứ ai. “Ngày qua ngày, con người cảm nhận được những hi vọng lớn nhỏ, đủ loại tùy theo những thời kỳ khác nhau của đời mình”. Hi vọng tạo cho con người động lực để sống, để tồn tại; tạo cho con người niềm tin, sự lạc quan hướng đến thế giới của tương lai. Sau một trải nghiệm đêm tối khổ đau, tật nguyền, cô Helen Keller đã chia sẻ: “Bạn chẳng thể làm gì mà thiếu đi hi vọng”. 

Niềm tin Kitô giáo cho chúng ta xác tín rằng: Hi vọng của chúng ta xuất phát nơi Thiên Chúa mà không phải bởi một thụ tạo nào khác. Nhằm giúp chúng ta sống trong niềm hi vọng trọn vẹn, ngày 30-11-2007, Đức Giáo hoàng Biển Đức 16 đã ký và công bố thông điệp Spe Salvi (Được cứu độ trong niềm hi vọng). Đặc biệt, trong số 31 Đức Thánh Cha quảng diễn rất sâu sắc về Thiên Chúa là nền tảng của hi vọng - Hi vọng là trung tâm đời sống con người:“Tất cả chúng ta đều cần hi vọng, nhưng không phải bất kỳ niềm hi vọng nào. Kinh nghiệm chứng tỏ rằng những phẩm tính cá nhân và của cải vật chất không đủ để bảo đảm niềm hi vọng mà tâm hồn con người luôn luôn tìm kiếm. Niềm hi vọng ấy chỉ có thể là Thiên Chúa, Đấng bao trùm toàn thể vũ trụ trao tặng chúng ta điều mà tự mình chúng ta không thể đạt tới”(31). Thật vậy, dù chúng ta cần đến nhiều hi vọng– lớn hoặc nhỏ– để nâng đỡ ta trên đường đời... nhưng những hi vọng này vẫn không đủ nếu thiếu một hi vọng vĩ đại để chống đỡ. Niềm hi vọng vĩ đại chỉ có là Chúa…

ÁNH QUANG HI VỌNG được xem như dấu chỉ, báo trước đó là biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi Thabor. Dung nhan Chúa Giêsu rạng sáng trong giây lát, ba Tông Đồ được hé thấy vinh quang của Thiên Chúa, làm cho tâm hồn các ông sáng rực nồng nàn đến nỗi thốt lên được: “Chúng con ở đây, thật là đẹp” (Mt 17,4). Trong cơn xuất thần, ba môn đệ nhận ra tiếng Chúa Cha kêu gọi hãy lắng nghe Lời của Đức Kitô, đặt tất cả niềm tin tưởng nơi Người, coi Người là trung tâm đời mình. Quả thế, đời sống Kitô hữu duy nhất, có nhiều ơn gọi khác nhau, con đường ấy bao hàm những gì thuộc về mầu nhiệm thập giá; nhưng đặt trong viễn tượng Thabor, “con đường xuất hành” cam go của cuộc sống được lồng giữa hai luồng ánh sáng: ánh sáng báo trước của cuộc biến hình và ánh sáng vĩnh cửu của cuộc Phục Sinh. Chính Chúa Giêsu Phục Sinh là cội nguồn của mọi hi vọng. Niềm hi vọng ấy nói với chúng ta rằng: “Thiên Chúa có thể biến mọi thứ trở nên tốt lành, vì chưng ngay cả từ ngôi mộ, Ngài cũng đã mang lại sự sống”. Ơn cứu chuộc được ban cho chúng ta theo nghĩa là chúng ta đã được trao cho hi vọng – một niềm hi vọng đáng tin cậy, qua đó, chúng ta có thể đối diện với thực tại của chúng ta: thực tại mà cho dù là cam go đi nữa cũng có thể sống được và chấp nhận được nếu nó dẫn đến một mục đích. (x. Spe Salvi số 1). 

Chiêm ngắm cuộc đời Mẹ Maria như biểu tượng sống động cho niềm hi vọng chắc chắn của Hội Thánh, cho ta thêm một ÁNH QUANG HI VỌNG nữa. Như tổ phụ của dân Thiên Chúa, Đức Maria "vẫn luôn hi vọng dù không còn gì để hi vọng", vẫn giữ vững tiếng FIAT mang tính chất là con và là mẹ của mình trong suốt cuộc hành trình (RM số 14). Đặc ân Đức Mẹ Hồn Xác lên trời chính là cơ hội để ánh sáng của ngọn lửa hi vọng tiếp tục bừng cháy trong tâm hồn tín hữu chúng ta; đem đến cho mọi người niềm hi vọng vào hạnh phúc vĩnh cửu. Khi nhìn vào Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta như nhìn thấy đích đến, nhìn thấy viễn cảnh tương lai khi mà niềm ước mơ biến thành hiện thực. Quả vậy, Thánh Công đồng đã viết: “Ðức Maria, dấu chỉ của Dân Thiên Chúa. Ngày nay Mẹ Chúa Giêsu đã được vinh hiển hồn xác trên trời, là hình ảnh và khởi thủy của Giáo Hội sẽ hoàn thành đời sau; cũng thế, dưới đất này, cho tới ngày Chúa đến (x. 2P 3,10), Mẹ chiếu sáng như dấu chỉ lòng cậy trông vững vàng và niềm an ủi cho dân Chúa đang lữ hành.” (LG 68). Thật vậy, nhìn lên Mẹ Maria như dấu chỉ của hi vọng vững bền và an ủi, cho tới khi nào Ngày của Chúa bừng sáng lên. 

Sự lan tràn của dịch bệnh Covid-19 cho chúng ta cơ hội để sống niềm hi vọng này. Hằng ngày, chúng ta đối diện với những vết thương bởi Covid, một bầu không khí hỗn độn: thiếu thốn vật chất, thiếu thốn sự quan tâm, bao nhiêu con người ra đi không một người thân bên cạnh, mất mác người thân, đau khổ tinh thần... “Những gì đã và đang diễn ra cho thấy rằng dường như đại dịch Covid-19 muốn thách thức và đánh đổ tất cả mọi hi vọng của chúng ta. Cho đến hôm nay, chưa ai biết khi nào thì dịch bệnh sẽ chấm dứt; chưa ai biết tiêm chủng vác-xin có khả năng khống chế virus hoàn toàn được không. Mọi sự đều đang trong niềm hi vọng lạc quan và tin tưởng rằng, rồi mọi sự sẽ ổn thôi. Cũng như ông Nô-ê, chúng ta chưa biết phải chờ đến bao giờ, thì nước rút và cuộc sống trở lại bình thường. Nhưng rõ ràng, giữa cơn đại dịch chúng ta đang thấy nhiều dấu chỉ của niềm hi vọng. Những người đang thắp lên ngọn nến hi vọng. Họ là các tình nguyện viên, các y bác sĩ đang trực tiếp đụng chạm đến những gì sâu thẳm của con người. Họ là những ngọn nến hi vọng giữa màn đêm u tối của đại dịch. Đức Thánh Cha cho rằng họ là những người đổ tràn hi vọng, gieo vãi tinh thần tương trợ và đồng trách nhiệm… Giữa cơn đại dịch, niềm vui Chúa Phục Sinh mời gọi chúng ta nhìn về tương lai với niềm hi vọng vững bền. Trong niềm tín thác vào Chúa Phục Sinh, chúng ta không chịu đầu hàng, không chịu buông xuôi, nhưng chung tay thắp lên những ngọn nến hi vọng. Chúa Giê-su Phục Sinh không chỉ ở cùng chúng ta trong mọi hoàn cảnh của kiếp này, Ngài còn chờ đợi và không bỏ rơi chúng ta ở phía bên kia của cánh cổng sự chết. Quyền năng và tình yêu Ngài là sự bảo đảm cho niềm hi vọng vững bền của chúng ta. Bạn có dám buông mình vào niềm hi vọng ấy không?  Bình an cho anh em!”… (Ga 20,29) (x. https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2020-04/covid-19-va-hy-vong-cua-ngay-mai.html)

Cuộc sống nhân sinh vẫn làm chúng ta chao đảo, con người cần một điểm tựa để có thể sống an lành; chính niềm tin cho chúng ta niềm hi vọng giữa biết bao thách đố. Chúng ta được chữa lành không phải bằng cách tránh né hay trốn tránh đau khổ, mà là nhờ khả năng chấp nhận nó, trưởng thành nhờ nó và tìm thấy ý nghĩa, nhờ sự kết hợp với Chúa Kitô, Đấng đã chịu đau khổ với tình yêu thương vô bờ bến, cuối cùng Người đã sống lại hiển vinh. Chính Người cũng đã trấn an các môn đệ: "Hãy can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian”. (Ga 16,33) 

Để kết, xin mượn lời Đức Thánh Cha Biển Đức 16: “Đời người như một hải trình trên đại dương của lịch sử, thường tối tăm và giông tố, một hành trình trong đó chúng ta tìm kiếm những ngôi sao dẫn đường... Chắc chắn, Chúa Giêsu Kitô là ánh sáng thật, là mặt trời đã lên cao vượt trên tất cả các bóng tối của lịch sử." (Thông điệp Spe Salvi, số 49). 
LẼ SỐNG CỦA CHÚNG TA LÀ CHÍNH CHÚA GIÊSU KITÔ PHỤC SINH.

Maria Anna Thúy Vân, MRP