Cộng đoàn, nơi thi hành sứ vụ

Cộng đoàn phải là những địa chỉ mở cho những ai muốn tham gia và chia sẻ niềm tin hay chia sẻ hoạt động tông đồ của chúng ta.
Cộng đoàn, nơi cùng nhau thi hành sứ vụ

 * Tông Đồ, nét căn bản của đời sống

Tất cả những đường nét căn bản của đời sống thánh hiến đều hướng tới sứ vụ, như chúng ta đọc thấy trong Hiến Chương: những yếu tố ấy (cộng đoàn, lời khấn, học hành, kinh nguyện chung, kỷ luật tu trì) nâng đỡ sứ vụ tông đồng và được nuôi dưỡng do sứ vụ tông đồ...HC 77) Như thế, cộng đoàn không phải chỉ là một nơi sống chung với nhau, cầu nguyện với nhau… nhưng nhất thiết hướng tới sứ vụ tông đồ.

Hơn nữa, chúng ta xác tín rằng chính đời sống cộng đoàn góp phần củng cố, gia tăng sức mạnh của việc tông đồ, chứ không phải đời sống cộng đoàn làm cản trở đời sống tông đồ như chứng ta thấy trong thực tế cụ thể ở một vài nơi, ở một vài người… Theo tinh thần đó, có thể nói được rằng việc tông đồ của cộng đoàn chính là một thứ “thuốc thử” để chúng ta có thể biết được đời sống cộng đoàn của mình có thực sự có sức sống, có thực sự là một cộng đoàn huynh đệ hiệp thông đúng nghĩa hay không.

Phẩm chất đời sống cộng đoàn giúp chúng ta tự do và mạnh dạn hơn khi rao giảng Tin mừng Vì thế đừng biến cộng đoàn thành nơi “ẩn nấp” giấu diếm những đòi hỏi của cuộc sống, cũng đừng ấp ủ những ảo tưởng sai lầm về đời sống cộng đoàn. Dầu sao, đời sống cộng đoàn không thể coi là chất lượng nếu không đưa ra được những dự phóng tông đồ đích thực.

* Chân dung người truyền giáo

Trong cơ chế thị trường ngày nay, khi giới thiệu và tiếp thị sản phẩm, người ta chú trọng đến chất lượng. Cũng thế, “chất lượng” của chúng ta là Lửa, là Gió, là Hơi thở của Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta là chuyên viên phục vụ (HP số  79).

Tổng thống Pháp Jacques Chirac đã thốt lên khi nghe tin Mẹ Terêxa qua đời như sau: “Thế giới bớt đi tình thương, bớt lòng thương cảm và bớt đi ánh sáng”.

Có thể nói đây là vẻ đẹp nội tâm của nhà truyền giáo.

Cung cách phục vụ bên ngoài. Thư Mục vụ 2003 s.9, HĐGM nhắc nhở chúng ta: “ Để chân lý Phúc Âm trở nên trong suốt, dễ hiểu, ta phải dùng những phương tiện phù hợp với con người ngày nay.

- Đó là biết sử dụng  ngôn ngữ, cách diễn tả phù hợp với văn hóa và tâm lý của người đương thời.

- Đó là cung cách thấm nhuần tinh thần Phúc Âm, được diễn đạt với thái độ khiêm nhu, chân tình.

- Đó là thái độ kính trọng, đối thoại với người nghe.

- Đó là vận dụng sáng tạo những kỹ thuật hiện đại phục vụ cho việ cloan báo TM.

Chúng ta để ý đến:

- Thái độ: khiêm nhu, chân tình thân ái, kính trọng, lắng nghe trong đối thoại.

- Kiến thức, kỹ năng: Sử dụng ngôn ngữ và cách diễn tả phù hợp với văn hóa và tâm lý người đương thời; biết vận dụng cách sáng tạo những kỹ thuật hiện đại phục vụ việc loan báoTin Mừng.

* Những điều phải làm

Xin tạm nêu lên thử một vài điều cần thiết :

- Trao đổi với nhau về nhu cầu của thời đại : một cộng đoàn có những trao đổi về nhu cầu thời đại một cách thông thoáng sẽ hun đúc tinh thần tông đồ cho các thành viên và góp phần thống nhất tư tưởng để có thể có những dự phóng tông đồ chung của cộng đoàn. Trong lịch sử ơn cứu độ, đường nét “động lòng thương Dân Người” là một phẩm chất của Gia-vê Thiên Chúa. Trong Tin Mừng, chúng ta thấy các thánh ký nhiều lần dùng từ ngữ ấy để nói vể tâm tình của chúa Giêsu. Điều ấy vừa minh chứng sứ vụ của Chúa  Giêsu xuất phát từ Thiên  Chúa, vừa cho chúng ta hiểu được nền tảng của sứ vụ tông đồ. Sứ vụ tông đồ không thể là một sứ vụ thực sự khi thiếu phẩm chất “động lòng thương”. (HC 78)

Khi một cộng đoàn hay bàn tán với nhau về chuyện máy móc tân ký, xe cộ hiện đại… thì sẽ tạo nên một sự ganh đua mua sắm…

Khi cộng đoàn thường bàn bạc với nhau về đời sống kỷ luật thì cũng dễ tạo nên một sự khép lại kỷ luật tu trì… 

Nhưng khi một  cộng đoàn có được một sức sống từ sự thông chia tâm tình về những nhu cầu thời đại, nhu cầu của cuộc sống chung quanh mình … thì cũng tạo nên một mối nhiệt tâm tông đồ cho các thành viên của mình.

- Phát triển phẩm cách sáng tạo : Khi trong một cộng đoàn, có nhiều mũi dùi châm chích, có nhiều những lời xầm xì… thì những thành viên chắc chắc sẽ bị “đào tạo” thành những người có đầy bản lãnh đối phó. Làm việc gì cũng phải ngăn ngừa trước xem có ai chỉ trích, phê bình hay kêu ca điều gì không, (chúng ta thấy một nỗi sợ, sợ chính trị trong các người hoạt động của Nhà Nước XHCN, nên người ta chỉ phát triển bản lãnh đối phó chứ không có bản lãnh sáng tạo). Ngược lại, khi bầu khí cộng đoàn có được một sự cảm thông, hỗ trợ, đón nhận nhau,… thì các thành viên sẽ được phát triển bản lãnh sáng tạo, sáng tạo nên chính bản thân mình trong công việc, và sáng tạo một cách phong phú những các thức thi hành sứ vụ tông đồ. (HC 80.3)

- Dự phóng cộng đoàn :

Cộng đoàn phải là những địa chỉ mở cho những ai muốn tham gia và chia sẻ niềm tin hay chia sẻ hoạt động tông đồ của chúng ta. Phải biết đón nhận những điều hôm nay cần được quyết định dù sau đó bị bãi bỏ. Cộng đoàn chúng ta không bao giờ được trở nên một pháo đài bất khả xâm phạm đến nỗi không ai có thể thâm nhập, và cũng không thể tự tách biệt với những gì xảy ra chung quanh chúng ta.  

* Những điều cần lưu ý:

 - Chúng ta làm việc tông đồ không phải do cử chỉ anh hùng nhưng với ý thức thi hành sứ mạng của dòng, xuất phát từ lòng khát khao dấn thân phục vụ, liên đới với nhau chúng ta tích cực thi hành chứ không phải đôi phó, làm vì bị ép buộc, làm để báo cáo.

- Lưu ý tới chiều kích khó nghèo trong sứ mạng tông đồ: chúng ta khởi đi từ dòng thì cũng trở về với dòng, đừng tách mình ra khỏi cộng đoàn (mọi lợi tức thuộc về dòng, chúng ta làm việc nhân danh dòng chứ không phải danh nghĩa của mình) (HC 80).

- Sẵn sàng cộng tác với những thành phần khác  chứ không cục bộ (HC.79)

Có những lúc, những nơi chúng ta chỉ có thể hiện diện chứ không làm được gì (Các CĐ vùng sâu vùng xa vào thập niên 90) Hiện diện để bày tỏ sự hiện diện, dung nhan của Thiên Chúa qua cuộc sống của mình. Nét độc đáo của dòng là sống tin Mừng bình an của Chúa (Ga 14,27 : ánh sáng, sự thật, niềm vui).

 
(BanbientapwebHD)