Chút suy tư về dịch bệnh thời đại


CHÚT SUY TƯ VỀ DỊCH BỆNH THỜI ĐẠI


Rải bước trong màn đêm tĩnh mịch sau giờ kinh tối, tôi thả hồn mình theo những làn gió mát hòa quyện tiếng kêu của côn trùng như bản nhạc du dương, tôi cảm nghiệm Thiên Chúa đang song hành. Bầu khí yên bình và thánh thiêng làm tôi nghĩ về những ngày đầu Thiên Chúa sáng tạo con người và vũ trụ. Con người sống hài hòa với Thiên Chúa và vạn vật, “chiều chiều Thiên Chúa đi dạo với con người”. Tuy nhiên màn đêm tĩnh mịch ấy cũng làm dấy lên trong trái tim nhỏ bé của tôi một nỗi đau đớn xót xa với cái đau chung của cả nhân loại trước đại dịch Corona. Tôi đã từng hỏi Chúa tại sao Chúa lặng thinh? Hơn bao giờ hết, lúc này đây tôi cảm nghiệm một Thiên Chúa đang đau khổ, đang khóc thương cho nhân loại như khi xưa Ngài khóc thương con trai bà góa Naim và anh Lazaro trước cái chết của họ. Chính Ngài là Đấng đau khổ hơn ai hết khi nhìn thấy đoàn con cái đang vẫy vùng trong cơn đại dịch, đang phải đối mặt với sức tàn phá của tử thần. Bởi khi tạo dựng con người, Ngài ước mong con người được sống hạnh phúc và bình an và rồi khi con người sa ngã thì chính Ngài đã dùng mọi cách thế để phục hồi nhân phẩm cho con người, đến nỗi đã hy sinh người Con Một yêu dấu của mình. 

Đại dịch Covid-19 chẳng phải do Thiên Chúa hay thiên nhiên tạo ra  nhưng do sự độc ác của con người. Tuy nhiên, với con mắt đức tin chúng ta tin rằng Thiên Chúa không im lặng nhưng luôn ở bên cạnh và đồng hành với nhân loại. Ngài có thể biến đường cong là sự độc ác của nhân loại thành đường thẳng là niềm vui ơn cứu độ cho những ai tin tưởng vào Ngài. Cảm nghiệm này làm xua tan trong tôi cái ý nghĩ tại sao Chúa cứ im lặng, trái lại, thúc giục tôi đi vào cõi thâm sâu của lòng mình để nhận ra đâu là điều Chúa muốn nơi tôi qua biến cố đau thương này. 

Thiên Chúa ban cho con người sự tự do và trí thông minh, có khả năng sáng tạo, để điểm tô thêm vẻ đẹp cho thế giới và phục vụ lợi ích của con người. Tuy nhiên, sự thông minh ấy nếu không phát xuất từ tình yêu và được thực hiện bởi tình yêu thì sẽ mang đến sự hủy diệt.

Quả thật, sự sống thật quý giá và mọi người đều yêu quý sự sống. Con người có thể hủy diệt sự sống nhưng không thể làm nên sự sống. Chỉ có Thiên Chúa là nguồn mạch và là chủ của sự sống. Thật là nghịch lý khi trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta lao mình kiếm thật nhiều tiền, dùng mọi phương kế để chiếm được địa vị, danh vọng, nhưng trước vực thẳm của cái chết, chúng ta lại đánh đổi mọi thứ để bảo tồn sự sống.

Bên cạnh những con người chỉ biết nghĩ đến lợi ích bản thân với tham vọng làm chủ thế giới, bất chấp cả sự sống, thì vẫn còn đó tình liên đới giữa những con người với trái tim yêu thương. Chúng ta không khỏi bùi ngùi, xúc động và biết ơn những y bác sỹ hy sinh cả gia đình, con cái, người thân và cả chính bản thân bất chấp mối nguy đến tính mạng để lao mình vào chữa trị cho những con người bị lây nhiễm bệnh. Những con người luôn sống cho người khác, dù trong tình trạng nguy kịch vẫn hy sinh nhường máy thở cho tha nhân với hy vọng họ có thể phục hồi. Những người đang mở rộng vòng tay để cứu giúp người nghèo, người vô gia cư. Những con người không quản ngại gian khổ góp phần bảo vệ mọi người trong những vùng cách ly. Những cá nhân cũng như tập thể sẵn sàng ủng hộ, chia sẻ cho những người đang cần đến sự trợ giúp.

 Dịch bệnh bắt đầu và lan tràn khi mọi người đang cùng nhau vui đón mùa Xuân mới, khi ai nấy đều chúc cho nhau một năm mới bình an, hạnh phúc và thịnh vượng. Thế nhưng trong bỗng chốc, niềm vui hội tụ đầy hy vọng ấy lại bị chia cắt trước sự ra đi của biết bao con người, để lại bao hệ lụy đau thương cho nhân loại. Cái chết không phân biệt giới tính, tuổi tác, thân thế, địa vị, chủng tộc! Phải chăng điều ấy đang mời gọi chúng ta phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng?

Và cuối cùng, đại dịch diễn biến phức tạp trong bối cảnh mùa Chay như một lời mời gọi chúng ta hoán cải, canh tân đời sống, là cơ hội để thanh luyện đức tin của chúng ta. Sự tàn phá và hủy diệt sự sống nơi thân xác bởi virus Corona, cũng là lời nhắc nhở chúng ta tìm ra những con virus đang làm tê liệt đời sống thiêng liêng và đời sống thánh hiến của chúng ta.

Là những người đã được thánh hiến, với sứ mạng ôm ấp mọi người trong trái tim yêu thương của mình, chúng ta không thể vô cảm, nhưng cùng chia sẻ nỗi đau với nhân loại. Chúng ta được bao bọc trong một môi trường an toàn, được hưởng tròn đầy những hồng ân thiêng liêng và vật chất mỗi ngày. Có phải chăng Thiên Chúa yêu thương chúng ta hơn những con người đã và đang đối diện với cái chết, đang phải chịu đựng nỗi đau đớn về mặt thể xác và tinh thần ở thế giới bên ngoài kia? Chắc hẳn là không, bởi Thiên Chúa là TÌNH YÊU và Ngài yêu thương tất cả mọi người vì tất cả đều là con cái của Ngài. Tuy nhiên, khi chúng ta được ưu ái như thế, chúng ta lại càng được mời gọi cách khẩn thiết hơn trong cầu nguyện cho thế giới, ẩn náu trong trái tim của Chúa để cảm thấu và chia sẻ nỗi đau của Ngài cho toàn thể nhân loại. Vũ trụ, thế giới này là ngôi nhà chung của chúng ta và tất cả mọi người là anh chị em chúng ta, bởi đó chúng ta hãy cùng khóc với thế giới, chia sẻ nỗi đau của những người phải ra đi trong sự cô đơn, và với người thân của họ khi không thể nói được một lời từ biệt. Chúng ta cùng trăn trở với thế giới khi mọi khía cạnh của đời sống bị đảo lộn. Chúng ta hãy để cho những đau thương này luôn vang vọng trong kinh nguyện và trong những hy sinh hằng ngày của chúng ta.

Xin Thiên Chúa uốn nắn cõi lòng chúng con, giúp chúng con sống đúng với chân tính của mình để Danh Chúa ngày càng được tôn vinh hơn và mọi người cùng nhau xây dựng ngôi nhà chung của mình trên nền tảng TÌNH YÊU, biết để Thiên Chúa ngự trị và làm chủ trái đất này con. Amen.

Phi Uyển NVHB