Đức Maria Trong Tân Ước XIV


ĐỨC MARIA TRONG TÂN ƯỚC XIV
BIẾN CỐ TRUYỀN TIN: ĐIỂM HẸN VÀ ĐẤT HỨA
Các bạn thân mến,
“Đấng Thánh sắp sinh ra”“Thiên sứ đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.” (Lc 1:35)1. Từ “thánh” trong trường hợp này cho chúng ta biết về cách thế người con sẽ sinh ra : sinh ra “cách thánh thiện”. Cha Ignace de la Potterie diễn dịch câu nói của thiên sứ như sau : “Chính vì thế, người Con được sinh ra cách thánh thiện, sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. Vấn đề ở đây không phải là sự thánh thiện của Đức Giêsu trong  tương lai, vì lời loan báo của sứ thần trong biến cố Truyền Tin muốn nhắm đến việc người con của Đức Maria “sẽ được sinh ra cách thánh thiện” theo nghĩa của sách Lêvi. Đó là một sự sinh ra “thánh thiện”, không tì ố, nguyên tuyền, “tinh khiết” theo nghĩa lễ điển.

Nếu chúng ta đọc bản văn theo lối này thì chúng ta có thể hình thành ở đây một luận cứ Thánh Kinh tán đồng điều mà các thần học gia gọi là “virginitas in partu”, tức việc Đức Maria sinh con đồng trinh. Vậy sứ điệp mà thiên sứ truyền cho Mẹ chứa đựng chẳng những lời loan báo sự thụ thai đồng trinh, mà còn sự sinh ra đồng trinh của Đức Giêsu nữa.Nhiều nhân chứng của Truyền thống ủng hộ giải thích này. Chỉ cần trích dẫn một thí dụ thôi cũng đủ, chẳng hạn bản văn “Giáo Huấn về sự Nhập Thể” của thánh Cyrillô thành Giêrusalem. Trong truyền thống giáo phụ, bản văn này là một trong các chú giải đẹp nhất về Lc 1:35: “Sự sinh ra của Người là tinh khiết, không tì ố ; bởi vì, Thánh Thần thổi ở đâu, thì ở nơi đó tất cả những gì là nhơ uế đều bị tẩy sạch. Sự sinh ra về mặt thể lý của Ngừời Con duy nhất của Đức Maria, như thế, đã không bị tì ố”.Cha Karl Rahner xem đây là một trường hợp đặc biệt, và giải thích rằng Kinh Thánh xác định rõ ràng là Đức Maria chịu thai Chúa Giêsu mà không nhờ sự can thiệp của một người nam nào, tức đồng trinh trước khi sinh con (Mt 4:18; Lc 1:35).

Qua sự kiện Chúa Giêsu sinh ra có mẹ mà không có cha, chúng ta nhận thấy với người con của Mẹ, đã diễn ra một điểm mới trong chương trình cứu chuộc. Biến cố này chính là sự kết thúc lịch sử u buồn của một nhân loại đang bị tội lỗi chế ngự mà không được giải cứu. Từ nay lịch sử sẽ đổi mới vì ơn cứu chuộc đã tuôn trào. Qua những trang đầu của lịch sử loài người, được thuật lại trong sách Khởi nguyên, chúng ta thấy khi tội lỗi xâm nhập vào hai con người đầu tiên của nhân loại, thì việc sinh sản con cái của toàn nhân loại phải đi kèm với những đau khổ - xét như hình phạt, hậu quả của tội lỗi (St 3:17). Đức Maria, trong lúc sinh Chúa Giêsu, đã không phải chịu những hình phạt ấy (ơn sinh con đồng trinh), do bởi Mẹ đã tận hiến toàn thân để phục vụ Thiên Chúa và Đức Kitô (1Cr 7:25). Và cũng trong tương quan với lịch sử   chương trình cứu độ của Thiên Chúa và lịch sử Hội Thánh, mà Hội Thánh đã tuyên xưng Mẹ vẫn đồng trinh sau khi sinh con (kể từ thế kỷ thứ III, cách đặc biệt tại Công đồng chung, năm 553).

Những người mà Tin Mừng gọi là anh em của Chúa Giêsu chỉ là những người anh em họ, hay bà con xa gần chứ không phải do Mẹ sinh ra. Vì lý do ấy, Hội Thánh tuyên bố Mẹ hoàn toàn được hưởng ơn cứu chuộc và thân xác Mẹ đã được cứu chuộc cách hoàn hảo ngay lúc đó, chứ không cần đợi tới ngày tận thế  như mọi thân xác khác. Kể từ lúc đó, thân xác của Mẹ đã được đem về trời để chung hưởng sự sống Thiên Chúa. Còn thân xác chúng ta phải đợi tới ngày tận thế mới được hưởng ơn phúc ấy (Tín điều Hồn Xác Lên Trời do Đức Giáo Hoàng Piô XII công bố ngày 1-11-1950). Mẹ quả là mảnh đất đầu tiên mà trên đó ơn cứu chuộc tuôn chảy, là mạch nước đầu nguồn, là hồng phúc Chúa ban cho nhân loại. Nơi Mẹ, chúng ta sẽ được lãnh nhận dồi dào hết ơn này đến ơn khác.Sự thụ thai đồng trinh và sự sinh ra, cả hai đều là công việc của Chúa Thánh Thần. Sự thụ thai đồng trinh đã xảy ra cách âm thầm trong cung lòng Mẹ. Sự sinh ra, và nhất là tình trạng của sự sinh ra này (thể xác   người mẹ không bị thương tổn, và như thế bà không chịu đau đớn và mất máu) là dấu hiệu bề ngoài của việc đó. Trên cơ sở chú giải Thánh Kinh Lc 1:35, chúng ta có thể nói rằng sự sinh ra đồng trinh là một “dấu chỉ” bên ngoài cần thiết để nhân loại chấp nhận tử hệ thần linh của Đức Giêsu:  Người là Con Thiên Chúa, chứ không phải con ông Giuse. Chính Thiên Chúa là Cha duy nhất của Người (Ga 1:12-13 và 6:41-47).             

III. HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN VÀ NHỮNG HỆ LỤY
1. Khởi điểm của hành trình – nơi gặp nhau giữa lời hứa và sự thành toàn

Các bạn thân mến,
Theo tôi, tuy phải trải qua cuộc hành trình khổ đau, đơn độc triền miên từ đầu đến cuối, nhưng Mẹ luôn được Thiên Chúa xoa dịu, nâng đỡ cách đặc biệt trong các hoàn cảnh khó khăn nhất. Thí dụ sau khi thưa lời “Xin vâng”, Mẹ đã phải sống trong nỗi cô đơn cùng cực, vì ai có thể hiểu và tin được rằng  Bà đang mang thai Con Thiên Chúa do quyền năng  Chúa Thánh Thần, kể cả thánh Giuse, người bạn  trăm năm của Mẹ ! Bên cạnh đó, sự nguy hiểm đang chờ đón Mẹ là hình phạt của Luật Môsê, đối với một thiếu nữ đã thất tiết trước khi kết hôn: “Nếu người ta không tìm thấy nơi cô gái những dấu chứng tỏ cô còn trinh, thì họ sẽ lôi cô gái ra cửa nhà cha nàng; người trong thành của nàng sẽ ném đá nàng chết và nàng sẽ phải chết, vì nàng đã làm điều đồi bại trong Ít-ra-en, khi làm điếm trong nhà cha mình. Anh (em) phải khử trừ sự gian ác, không cho tồn tại giữa anh (em)” (Đnl 22:20-21).

Thế rồi, Thiên Chúa đã an ủi Mẹ bằng  cách linh hứng cho bà Ê-li-sa-bét,  để bà không những cảm thông mà còn ngợi khen Mẹ, xác tín với Mẹ về Hài nhi trong bụng là Con Thiên Chúa. Một tình cảnh khó khăn khác : khi Chúa hấp  hối trên thập giá, nghĩa là khi Mẹ đang gánh chịu cái đau đớn tận cùng, thì kìa, ngoài mấy người phụ nữ đứng gần thập giá, thánh Gio-an, người môn đệ Chúa yêu, vẫn can đảm yên lặng đứng dưới chân thập giá, trong lúc mười môn đệ kia đã lẫn trốn. Thiên Chúa đã trao Mẹ cho thánh Gioan và trao thánh Gioan cho Mẹ (và sau đó, ngài đưa Mẹ về nhà  phụng dưỡng). Phải chăng, nhờ lời trối trăn đó, Mẹ đã đứng vững đến cùng, dù phải nghẹn ngào ôm xác con trong tay nhưng không té nhào hay ngất xỉu. Trối Mẹ mình lại cho người khác chăm sóc, phụng dưỡng thay mình là một hành động hết sức hiếu  thảo. Chính Con Thiên Chúa đã dạy chúng ta, và Người đã thực hiện lúc lâm chung. Như thế, kể từ lúc Gioan đón nhận lời trối, mỗi khi ta làm hài lòng Mẹ, ta cũng sẽ làm thỏa lòng Con, mỗi khi gặp Mẹ, ta cũng sẽ gặp được Con chí thánh của Mẹ.

Mời nghe tiếp bài XV.