Đức Maria Trong Tân Ước XII


ĐỨC MARIA TRONG TÂN ƯỚC XII
BIẾN CỐ TRUYỀN TIN: ĐIỂM HẸN VÀ ĐẤT HỨA
Các bạn thân mến,
GIẢI MÃ BIẾN CỐ TRUYỀN TIN
Theo cha Ignace de la Potterie, ta đừng đọc các bản văn Tin Mừng chỉ như những trình thuật về các biến cố lịch sử trong cuộc đời Đức Giêsu. Thật ra, tất cả những trình thuật này còn giúp chúng tathăm dò và thấu hiểu những chiều sâu của mầu nhiệm cứu độ. Nếu trong Tân Ước, có ai đó gắn bó cách sâu kín nhất với mầu nhiệm cứu độ, thì người đó phải là Đức Maria, Mẹ Đức Giêsu. Bởi vì, chỉ một mình Mẹ đã tham dự cách độc đáo vào mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa, và cũng chính qua Mẹ mà chúng ta có thể hiểu hơn về Con Mẹ và có cơ may gặp được Người.
 
Trong tất cả các bản văn Tân Ước liên quan đến Mẹ, bản văn quan trọng nhất chắc hẳn là trình thuật biến cố Truyền Tin của thánh Luca. Đó cũng là bản văn được truyền thống Kitô giáo biết đến và yêu thích nhiều nhất. Qua nhiều thời đại, biến cố này cũng được đưa vào lãnh vực nghệ thuật, được vô số các nghệ sĩ, họa sĩ hoặc điêu khắc gia thể hiện quacác công trình, kiệt tác của họ. Tuy cuộc đối đáp giữa Mẹ và sứ thần khá ngắn ngủi, nhưng nó lại hàm chứa những ý tưởng hết sức thâm thúy. Nó là nền tảng, là ánh sáng soi sáng nhiều tín điều về ĐứcMaria sau này. Tuy nhiên, không phải người đọc nào cũng hiểu được ý nghĩa sâu xa của nó. Những lời đối đáp, những cử chỉ trong biến cố truyền tin, thật ra, đều đã được mã hóa. Phải có một khả năng chuyên môn, một trình độ hiểu biết Kinh thánh nào đó, người đọc mới có thể nắm bắt được ý nghĩa thâm sâu, kín ẩn của chúng. Vì thế, việc “giải mã” biến cố Truyền tin quả là cần thiết. Để hiểu được những bí mật trong biến cố này, chúng ta hãy cùng phân tích từng lời đối đáp giữa sứ thần của Thiên Chúa và Mẹ.
 
1. “Đức Chúa ở cùng Bà”
"Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1:28) Công thức“Đức Chúa ở cùng bà” xuất hiện nhiều lần trong Cựu Ước. Công thức này chỉ được dùng khi Thiên Chúa sai sứ thần loan báo một lệnh truyền vượt quá sức của con người, mà nếu cứ để mặc họ xoay sở, thì người ấy không thể làm nổi. Thí dụ khi Môsê được báo cho biết ông sẽ phải đưa dân mình ra khỏi Ai-cập (rõ ràng đây là việc làm hoàn toàn ngoài khả năng của Môsê) thì Môsê thưa với Thiên Chúa: "Con là ai màdám đến với Pha-ra-ô và đưa con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập?" Để trấn an Môsê, Thiên Chúa phán: "Ta sẽ ở với ngươi. Và đây là dấu cho ngươi biết là Ta đã sai ngươi: khi ngươi đưa dân ra khỏi Ai-cập, các ngươi sẽ thờ phượng Thiên Chúa trên núi này." (Xh 3:11-12). Hoặc sau khi Môsê qua đời, Thiên Chúa ra lệnh cho Giôsuê -phụ tá của Môsê- đưa dân It-ra-en vượt qua sông Gio-đan tiến vào vùng đất hứa : “Mạnh bạo lên, can đảm lên! Đó chẳng phải là lệnh Ta đã truyền cho ngươi sao? Đừng run khiếp, đừng sợ hãi, vì Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, sẽ ở với ngươi bất cứ nơi nào ngươi đi tới." (Gs 1:9). Hoặc khi ông Ghit-ôn nhận lệnh truyền phải giải thoát dân mình khỏi tay quân Madian, thiên sứ Thiên Chúa đã chào ông: "Chào chiến sĩ can trường! Đức Chúa ở với ông." (Tl 6:12) ; hay khi Giê-rê-mi-a được Thiên Chúa kêu gọi : “Đừng sợ chúng, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi", sấm ngôn của Đức Chúa. (Gr 1:8) v.v… Như vậy chúng ta thấy công thức này là lời hứa giúp đỡ và phù trợ của Thiên Chúa trong những sứ mệnh đặc biệt khó khăn.
 
Các bạn thân mến,
Vậy đâu là việc “cực khó” mà Mẹ phải thực hiện, và Thiên Chúa phải ra tay can thiệp? Việc làm mẹ, sinh con và nuôi dưỡng con là ơn gọi thông thường của người phụ nữ, nên Mẹ đương nhiên làm được. Điều mà mọi phụ nữ chắc chắn không thể làm được, là thụ thai và sinh con mà hoàn toàn không có sự can thiệp của một người đàn ông (Lc 1:34), nghĩa là sinh con cách đồng trinh. Điều này dĩ nhiên vượt quá khả năng tự nhiên của Mẹ.
 
Khi nghe lời chào của sứ thần : "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1:28), Mẹ bối rối không hiểu lời chào đó có ý nghĩa gì. Đang lúc Mẹ chưa hết bối rối, sứ thần báo ngay tin thứ nhất : "Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa” (Lc 1:30). Lời trấn an “Xin đừng sợ” xuất hiện thường xuyên trong Cựu Ước, vào lúc bắt đầu những cuộc thần hiện. Thí dụ trong sách Tôbia 12:17, khi hiện ra với hai cha con Tôbia, thiên sứ nói: "Đừng sợ! Bình an cho các ngươi! Hãy chúc tụng Thiên Chúa đến muôn đời!”. Nhưng lời trấn an này cũng xuất hiện ở Tân Ước nữa, trong những lần Đấng phục sinh hiện ra với các môn đệ (với các bà đi viếng mộ: “Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ: "Này các bà, các bà đừng sợ!” (Mt 18:5). Mác-cô thuật lại biến cố đó như sau:“Nhưng người thanh niên liền nói: "Đừng hoảng sợ!” (Mc 16:6). Luca lại viết: "Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực” (Lc 24:38 và các nơi khác).
 
Thiên sứ giải thích thêm rằng con trẻ sẽ lãnh nhận “ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người”. Phải hiểu thế nào về lời giải thích của thiên sứ ? – Cũng nên biết vua Đa-vít và các vua kế vị Đa-vít đều được gọi là “con Thiên Chúa” (2Sm 7,14). Với tước hiệu này, các vua dòng dõi Đa-vít sẽ đóng vai trò trung gian, sẽ đại diện cho Thiên Chúa trước mặt dân và đại diện cho dân trước mặt Thiên Chúa. Chính vì thế mà mỗi lần một vị hoàng tử thuộc dòng tộc Đa-vít sinh ra là mỗi lần người ta hy vọng rằng đó sẽ là vị vua (mà Thiên Chúa đã hứa) đến để thiết lập vương quyền vĩnh cửu, tức vị Vua Thiên Sai (Đấng Mêsia).ưQua thánh Giuse, Đức Giêsu đến trần gian với tư cách là người thuộc dòng dõi vua Đavít. Như thế, với lời giải thích trên đây, thiên sứ đã xác nhận chính Đức Giêsu sẽ thực hiện lời Thiên Chúa hứa với vua Đa-vít : thiết lập một vương quốc vĩnh cửu và phổ quát. Tóm lại, con trẻ mà Mẹ sẽ thụ thai và sẽ sinh ra chính là “Con Đấng Tối Cao”, là Đấng Mêsia.
Mời nghe tiếp bài XIII.