Đức Maria Trong Tân Ước X


 ĐỨC MARIA TRONG TÂN ƯỚC X
 BIẾN CỐ TRUYỀN TIN: ĐIỂM HẸN VÀ ĐẤT HỨA

Các bạn thân mến,
Không người Kitô hữu nào lại không biết đến biến cố Truyền Tin. Cả anh em Hồi Giáo cũng không xa lạ, vì biến cố này được nói đến trong Kinh Koran (19:19 và 19:21). Điều này cũng dễ hiểu, vì giả như không có biến cố này thì chắc chắn cũng sẽ không có ngày Chúa Cứu Thế Giáng sinh. Tuy biến cố Truyền tin chỉ đánh dấu một trong ba biến cố trọng đại nhất của niềm tin Kitô giáo, tức biến cố Nhập Thể, nhưng nó lại là biến cố quan trọng nhất và đầy vinh dự, xét về phía con người. Bởi vì, qua biến cố này, con người được hoàn toàn chủ động đứng trước mặt sứ thần của Thiên Chúa, để tự do nói lên lòng tin, lời ưng thuận của mình qua miệng của Đức Maria - người phụ nữ đầy ân sủng - đại diện cho mọi con người đứng ra đón nhận và đưa Con Thiên Chúa vào gia đình nhân loại. Biến cố nhập thể là chiếc triện son niêm phong bản chương trình cứu chuộc và nhờ biến cố này nhân loại được phục hồi căn tính của mình đã đánh mất do nguyên tổ. Nói cách khác, nhờ Thiên Chúa làm người mà chúng ta tìm lại được định mệnh đời mình là con cái Thiên Chúa (Ep 1:5). 

Với biến cố Truyền Tin chúng ta thấy rõ hơn kế hoạch đặc biệt của Thiên Chúa dành cho Mẹ. Thời gian trông chờ Đấng Cứu Độ được hứa ban đã đến hồi kết thúc và việc Thiên Chúa chuẩn bị thực hiện lời hứa của Người đã nên rõ ràng hơn. Bản văn Thánh Kinh cho thấy rõ là sứ thần đã chuyển lời đề nghị của Thiên Chúa và Mẹ đã nhận lời. Điều này cho thấy Mẹ hoàn toàn can dự vào mầu nhiệm làm Mẹ Thiên Chúa đã được định sẵn. Mẹ không chỉ được dành sẵn cho Thiên Chúa, nhưng còn để làm Mẹ mọi người, làm điểm hẹn cho chúng ta gặp gỡ Con Mẹ. Không chỉ là “Điểm hẹn”, Mẹ còn là “Đất Hứa” cho mọi người” như lời quả quyết của thánh Bênađô, tiến sĩ Hội thánh. Có thể nói ngày diễn ra biến cố Truyền Tin chính là ngày của lòng tin, ngày kỷ niệm ơn gọi đặc biệt của Đức Maria, và cũng là ngày vui cho toàn Dân Thiên Chúa. Để hiểu được tại sao qua biến cố Truyền tin, Đức Maria đã trở nên “Điểm hẹn” và “Đất hứa” cho mọi con người, trước hết chúng ta cùng khám phá Tầm cao và Độ sâu của biến cố Truyền Tin. Thứ đến, chúng ta sẽ cùng giải mã những bí mật ẩn chứa trong biến cố “vô tiền khoáng hậu” này. Sau cùng, chúng ta sẽ tìm hiểu hành trình đức tin mà Mẹ đã trải qua và những hệ lụy Mẹ  Mẹ đón nhận, từ ngay sau biến cố đó cho đến cuối đời.

I TẦM CAO VÀ ĐỘ SÂU CỦA BIẾN CỐ TRUYỀN TIN   

Trong toàn bộ Thánh Kinh, không có biến cố nào lớn lao và nhiều nét đẹp, lắm ý nghĩa như biến cố Truyền Tin. Cả Ba Ngôi Thiên Chúa cùng hiện diện để chờ nghe ý kiến của một thụ tạo, mang tính quyết định cho cả một chương trình cứu độ to lớn của Thiên Chúa. Thụ tạo ưu tuyển đó – trong tư thế một Nữ tỳ - đã nói lên lời Xin vâng vô điều kiện. Kỳ lạ thay người Nữ tỳ của Thiên Chúa ấy đã được tiên báo từ ngàn xưa trong Cựu ước.1.Những nét đẹp của biến cố. Biến cố Truyền tin làm toát lên một nét đẹp lộng lẫy vô song, bởi vì mầu nhiệm tối thượng của Kitô giáo được tỏ lộ, tuôn tràn trên một thụ tạo:  “Đấng cứu độ trần gian sẽ xuất hiện như ánh mặt trời, và ngự xuống lòng Đức Trinh Nữ như sương sa ngọn cỏ”. Biến cố này khai mở kế hoạch cứu độ nhân loại của Thiên Chúa. Qua những lời đối đáp với Đức Maria, sứ thần Gáp-ri-en đã cho thấy sự can dự của Ba Ngôi Thiên Chúa: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa [Chúa Cha] ở cùng bà." (Lc 1:28); “Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít,  tổ tiên Người.”(Lc 1:31-32); "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà…” (Lc 1:35).

Rõ ràng cả Ba Ngôi chí thánh đều có mặt trong biến cố kỳ diệu vượt quá trí hiểu nhân loại này. Chính vì thế mà sứ thần đã dùng công thức “Hỡi Đấng đầy ân sủng” để chào Mẹ. Không một ai trong các trình thuật Thánh Kinh được đón nhận từ sứ thần những lời chào này. Một nét đẹp khác không kém phần lộng lẫy: biến cố Truyền tin tiên báo cuộc hợp hoan diệu kỳ giữa Thiên Chúa và con ng ời, giữa Đấng Tạo hóa và loàiƣ  thụ tạo – điều mà trí khôn loài người không thể nghĩ tới. Chính trong cuộc hợp hoan này, Mẹ không chỉ trở thành mẫu mực mà còn là “Đất hứa” và “Điểm hẹn” cho những kẻ tin. -

Trước tiên, Mẹ là “Đất hứa”, nhưng không như vùng đất Ca-na-an, được hứa ban cho Áp-ra-ham và con cháu ông khi xưa. Nơi “Đất hứa Maria”, chúng ta sẽ gặp được Con chí thánh của Mẹ, được ban bình an, sự sống mới tràn trề hy vọng. Thi sĩ Hàn Mặc Tử - có lẽ là người đã đưa tôn giáo vào trong thi ca Việt Nam sớm nhất, trong tập thơ “Xuân Như Ý” – đã ngạc nhiên đến nỗi chất vấn sứ thần:  “Hỡi sứ thần Thiên Chúa Gáp-ri-en Khi người xuống truyền tin cho Thánh Nữ Người có nghe xôn xao muôn tinh tú? Người có nghe náo động cả muôn trời ?”. Còn Linh mục thi sĩ Xuân Ly Băng thì phác họa cảnh huy hoàng của vũ trụ khi điều nhân loại mong chờ đã xảy đến: “Mẹ chấp thuận ý Trời qua Thiên sứ  Lời Xin Vâng bao thế kỷ đợi chờ Cả đất trời reo lên như ngọc vỡ Của mùa nhạc và trăm triệu mùa thơ” 

- Thứ đến, Mẹ còn là “Điểm hẹn” cho những người tin. Là điểm hẹn vì Mẹ là nơi mà con người – với đức tin - có thể thấy và gặp gỡ Con Mẹ - vị Thiên Chúa làm người. Ngày xưa Áp-ra-ham là tổ phụ của những kẻ tin, ngày nay Đức Trinh Nữ Maria chính là tổ mẫu của chúng ta – những kẻ tin. Áp-ra-ham, như thế, là hình ảnh tiên trưng (typology) của Đức Maria. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói đến sự tiên trưng này trong một đoạn văn quan trọng của Thông Điệp Mẹ Đấng Cứu Thế (Redemptoris Mater) :“Chúng ta có thể so sánh lòng tin của Đức Maria với lòng tin của ông Áp-ra-ham, người mà thánh Tông đồ gọi là “tổ phụ chúng ta trong đức tin” (Rm 4:12). Trong nhiệm cục cứu độ được Thiên Chúa mạc khải, đức tin của Áp-ra-ham là khởi điểm cho Giao ước cũ. Trong biến cố truyền tin, đức tin của Mẹ Maria qua tiếng “Xin vâng” đã khởi đầu cho Giao ước mới giữa Thiên Chúa và nhân loại. Áp-ra-ham "tuyệt vọng mà vẫn một niềm cậy trông, ông đã tin là ông sẽ là cha của nhiều dân tộc" (Rm 4:18). Cũng như Áp-ra-ham xưa kia, trong biến cố truyền tin, sau khi nói lên tình trạng đồng trinh (“làm sao có chuyện ấy được, vì tôi không biết đến việc vợ chồng”) của mình, Mẹ tin rằng nhờ tác động của Thánh Thần, Mẹ sẽ trở nên Thân Mẫu của Con Thiên Chúa theo lời sứ thần: “Hài nhi sắp sinh ra sẽ được gọi là Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa” (Lc 1:35). Quả là đức tin của Mẹ qua lời “Xin vâng” đã khởi đầu cho Giao ước mới; và như thế, trở nên điểm hẹn cho những kẻ tin. Nói cách khác, từ nay nhân loại – nhờ đức tin – cũng có thể thấy và gặp gỡ Thiên Chúa bằng xương bằng thịt, khi đến với Mẹ Người.
Mời nghe tiếp bài XI.