Đức Maria Trong Tân Ước 15


                 ĐỨC MARIA TRONG TÂN ƯỚC XV
BIẾN CỐ TRUYỀN TIN: ĐIỂM HẸN VÀ ĐẤT HỨA

 
Các bạn thân mến,
Thiết tưởng, chúng ta không thể không nói đến nỗi niềm riêng của Mẹ và cái giá Mẹ phải trả, trong hành trình đức tin của Mẹ, đặc biệt sau biến cố Truyền tin. Cha Louis J. Cameli cho rằng khi theo dõi hành trình đức tin của Mẹ, chúng ta có thể nói được rằng Mẹ chính là bản lề (hinge) và mắt xích (link) giữa Thiên Chúa và nhân loại. Trong Thánh Kinh và lịch sử, chỗ đứng của Mẹ nằm ở trung tâm, như bản lề và mắt xích liên kết của mọi biến cố. Mẹ Maria xuất hiện vào lúc kết thúc Giao Ước Cũ, tức Thánh Kinh Do Thái.

Bộ Thánh Kinh này thuật lại việc Thiên Chúa chọn dân tộc Ít-ra-en, lập Giao ước với họ, và hứa ban cho họ một tương lai mà họ không thể nào tưởng tượng nổi, vượt lên trên mọi ước mơ của họ. Mẹ xuất hiện ngay lúc khởi đầu Giao Ước Mới, tức Thánh Kinh Tân Ước. Bộ Thánh Kinh này kể lại việc Thiên Chúa trung tín với lời hứa của mình và thành toàn nó trong Đức Giêsu Kitô. Hành trình của Mẹ bắt đầu ngay tại chỗ giao nhau của lời hứa và sự thành toàn. Có thể nói Mẹ gánh vác toàn bộ lịch sử của dân tộc Mẹ, cùng với những đấu tranh và thất bại, cùng với những chiến thắng và vui mừng, với những ước mơ và hứa hẹn của nó. Câu chuyện của dân tộc Mẹ, dân tộc Do Thái, khởi đầu với Áp-ra-ham, là người mà Thiên Chúa đã lập giao ước và hứa hẹn: “Phần Ta, đây là giao ước của Ta với ngươi: ngươi sẽ làm cha của vô số dân tộc… Ta sẽ lập giao ước của Ta  giữa Ta với ngươi và với dòng dõi ngươi sau này, từ thế hệ này qua thế  hệ khác. Đây sẽ là giao ước vĩnh cửu, do đó Ta sẽ là Thiên Chúa của  ngươi và của dòng dõi ngươi sau này” (St 17:4,7). Mẹ kéo vào với nhau câu chuyện Giao ước – khởi đầu với Áp-ra-ham rồi tiếp tục với Môsê và các ngôn sứ. Mẹ là ký ức của cả dân tộc. Mẹ nắm giữ và trân trọng lời hứa và sự trung tín của Thiên Chúa khi cất tiếng hát bài ca chúc tụng ‘Magnificat’ : “Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng
 cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời." (Lc 1:54-55).

Mẹ cũng đứng trước sự thành toàn lời hứa và ước mơ của Thiên Chúa và thế giới. Mẹ là Mẹ của Đức Giêsu, Đấng thực hiện và thành toàn lời hứa. Đức Giêsu – Con Mẹ, chính là Giao ước mới và vĩnh cửu, như lời quả quyết của thánh Phaolô: “Quả thật, mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là "có" nơi Người. Vì thế, cũng nhờ Người mà chúng ta hô lên  "A-men" để tôn vinh Thiên Chúa” (2Cr 1:20). Do đó, Mẹ thật sự là một mắt xích và là bản lề giữa lời hứa và sự thực hiện. Và đây chính là vị trí của Mẹ trong câu chuyện tình yêu giữa Thiên Chúa với gia đình nhân loại. Câu chuyện này sẽ nên sống động trong dân tộc Ít-ra-en và đạt đến mức thành toàn trong Đức Giêsu Kitô. Cha Cameli giải thích : “Trong tư cách là cộng đoàn của những người tin trong Giáo Hội, là những kẻ tin,  cầu nguyện, và phục vụ nhau, chúng ta có thể hiểu được bản thân và  hành trình đức tin của mình. Chúng ta ý thức rằng hành trình đức tin  của chúng ta diễn ra ở giữa lời hứa và sự thành toàn. Thực ra, chúng ta  là mắt xích và là bản lề giữa triều đại Thiên Chúa - đã khởi đầu nơi  Đức Giêsu với triều đại Thiên Chúa – hẳn sẽ hoàn toàn nắm giữ cuộc  đời chúng ta".

2. Hành trình và cái giá phải trả

Bất cứ ơn gọi nào cũng có cái giá kèm theo mà chính người chấp nhận nó phải trả, cho dù đó là ơn gọi đời sống gia đình hay độc thân vì nước trời…

Ơn gọi càng quan trọng bao nhiêu thì cái giá phải trả càng lớn bấy nhiêu, và không ai được miễn trừ, kể cả Mẹ Thiên Chúa. Khi Mẹ tự do và quảng đại đáp lại lời đề nghị làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ đã phải chấp nhận trả một cái giá thật đắt và cái giá đó sẽ còn kéo dài đến hết cuộc đời Mẹ. Trước hết, đó là cái giá phải trả trong tương quan với thánh Giuse. Khi tự do và quảng đại đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa qua thiên sứ, Mẹ chấp nhận bị hôn phu của mình hiểu lầm. Hẳn là với thánh Giuse, việc này hết sức khó hiểu : làm thế nào mà vị hôn thê của mình, một trinh nữ mà mình hết lòng tin tưởng lại mang thai mà mình chẳng hề hay biết?!

Cứ thử đặt mình vào hoàn cảnh của Mẹ lúc đó, phải đối diện với sự hiểu lầm của thánh Giuse, chúng ta mới thấy Mẹ khổ tâm biết chừng nào.Khi bị thánh Giuse hiểu lầm, Mẹ cảm nghiệm được sức nặng đến lạ thường của ơn gọi. Lời Xin Vâng năm xưa “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời Thiên sứ nói” (Lc 1:38) hẳn đã được Mẹ lặp đi lặp lại. Mẹ đã phải  đưa ơn gọi của mình vào trong toàn bộ cuộc sống và đưa vào trong những quan hệ, ngay cả trong quan hệ mật thiết của người sẽ là chồng của mình. Nói cách khác, Mẹ phải tìm cách hòa nhập ơn gọi của Mẹ vào toàn bộ đời sống của mình.

Các bạn thân mến,

Dù sao đi nữa, trong lúc Thánh Giuse đang cố gắng hiểu ra sự thật, Mẹ đã phải sống với điều Mẹ đã quyết định và những hậu quả của quyết định đó. Mẹ sống ng  ược lại với những điều mà thiên hạ thường trông chờ vào thời đó, ngược với nền văn hóa, với phong tục tập quán và xã hội thời đó. Mẹ đã sống với quyết định của mình, đã chọn một lối sống mà chúng ta có thể gọi là đi ngược lại truyền thống văn hóa.

Sở dĩ Mẹ đã có thể tiếp tục nói lời “Xin vâng” suốt cả cuộc đời mình là nhờ Mẹ đã sử dụng thứ tự do, được quyện lẫn với “ân sủng tràn đầy”. Những ơn đặc biệt này cũng đã giúp Mẹ trung thành và phó thác đến cùng trong đức tin, dù phải đối diện với biết bao hiểu lầm nghiệt ngã.Cha Raniero Cantalamessa giải thích cách chí lý : “Lòng tin thật sự không khi nào là một đặc quyền hay một vinh dự. Nó có nghĩa là chết  đi từng chút một, và điều này đặc biệt đúng với Mẹ Maria vào thời điểm  đó”. Dĩ nhiên, không riêng Mẹ, mà những ai được Chúa chọn, những kẻ tin tưởng vào Người, đều phải bước đi trên con đường thập giá. Cứ nhìn vào cuộc đời của Áp-ra-ham hay các ngôn sứ thời Cựu Ước thì rõ. Xin nêu vài thí dụ điển hình về việc Thiên Chúa đã báo trước, không chút dấu diếm, về con đường phải đi :

1/Với Ngôn Sứ Giê-rê-mi-a, Ngài nói: “Chúng sẽ giao chiến với ngươi” (Gr 1:19).

2/ Thiên Chúa nói với Kha-na-ni-a về Saolô: “Thật vậy, chính Ta sẽ chỉ cho người ấy thấy tất cả những đau khổ người ấy phải chịu vì danh Ta." (Cv 9:16).

3/ Ông Si-mê-on nói với Đức Mẹ: “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn  bà." (Lc 2:35).
Mời nghe tiếp bài XVI