Sống Niềm Vui Theo Gương Đấng Sáng Lập Dòng - Đức Cha Paul Seitz Kim


* DẪN NHẬP 
 
Ngày truyền thống Dòng năm nay, chúng ta hướng đến chủ đề: Sống Niềm Vui Theo Gương Đấng Sáng lập Dòng: Đức Cha Paul Seitz Kim kính yêu.
Chắc hẳn đã nhiều lần quý Chị tiền bối của chúng ta đã được diễm phúc diện kiến Đấng Sáng lập Dòng với nụ cười rạng rỡ trên môi. Cũng nhờ nụ cười đó, qua hình ảnh của Ngài, mà Chị em chúng ta đây, dù chưa một lần gặp Ngài, nhưng cũng cảm nhận được tâm hồn Ngài đong đầy niềm vui và bình an của Chúa Kitô.
 

 
Để hiểu rõ hơn nhờ đâu mà Đức Cha luôn tràn ngập niềm vui và đã sống niềm vui như thế, kính mời quý chị cùng lược qua sách “VỊ THỪA SAI CAN TRƯỜNG”, của tác giả Dom Jean-Louis de Robien do một nhóm (CVK) Cựu Chủng sinh Kontum chuyển ngữ.  
 
Ý Nghĩa Niềm Vui Theo Đấng Sáng Lập
 
Chúng ta có thể thấy rõ niềm vui của Đấng Sáng lập được bộc lộ rõ nét qua Hội trại tại Ba Vì, Đức Cha đã đặt 3 cột trụ vững chắc cho ngôi đền hội trại: đó là: Niềm vui, yêu thương và vâng lời. Đức Cha nói: “Cột trụ trước tiên là niềm vui, vì Kitô hữu không phải là người u sầu, buồn bã.”
 
Theo Đức Cha: niềm vui làm giãn nở con tim, làm rực rỡ khuôn mặt, làm cuộc sống trở nên êm dịu và biến những nghịch cảnh nên nhẹ nhàng. 
 
Niềm vui đến từ tâm hồn không phải là một cảm xúc được thỏa mãn. Niềm vui hoàn toàn khác với thú vui. Niềm vui của kẻ biết rằng điều mình làm là lớn lao, là xinh đẹp, là chắc chắn… và không có gì so sánh được. 
 
Niềm vui của con người tự vượt qua chính mình, tự vươn cao, và cảm thấy trong sáng hơn, gần gũi Thiên Chúa hơn, trong ân sủng và trong tình thân với Ngài”. Đó chính là những định nghĩa của Đức Cha về niềm vui đích thực. 
 
* THEO GƯƠNG ĐẤNG SÁNG LẬP- SỐNG NIỀM VUI TIN MỪNG
 
Chúng ta có thể học hỏi nơi Đấng Sáng lập sống niềm vui Tin Mừng trong 3 chiều kích: nhân bản, thiêng liêng và sứ vụ. 
 
1. CHIỀU KÍCH NHÂN BẢN
 
a) Dễ thích nghi và không phàn nàn 
 
Những trang đầu sách Vị thừa sai can trường có viết: Cậu Paul có tính dễ thích nghi nên ở bất cứ đâu, đều thấy thoải mái và làm quen nhanh với mọi thứ. Cậu Paul luôn suy nghĩ tích cực; tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp hơn. 
 
Tháng 11 năm 1926 cậu nông dân tập sự chưa tròn 20 tuổi phải thi hành nghĩa vụ quân dịch trong vòng 18 tháng. Cậu lên đường, không phàn nàn, vì cậu thấy “hoàn toàn bình thường cho một người thanh niên Pháp. 
 
Nơi trường học hạ sĩ quan, khi phải sống chung chạ trong các phòng làm cậu khó chịu, nhưng ý thức rất cao: QUAN TRỌNG NHẤT LÀ CÓ QUAN HỆ TỐT VỚI MỌI NGƯỜI (tr. 13). Trước những khó khăn cậu vẫn luôn lạc quan, luôn mỉm cười vì theo cậu “chúng con biết cười trừ thôi, vì có bực mình cũng chẳng ích lời gì”.
 
Trong thời gian ở chủng viện, việc học cứ bị trễ hoài Thầy không nuối tiếc. Thầy tâm sự với Chị Anette: Chúa Nhân Lành muốn làm gì em thì làm, tùy ý Người muốn; em là tôi tớ của Người, và nếu như Người không cần đến em, Người hoàn toàn có lý khi tách em qua một bên. Hơn nữa, Chị biết rõ là em không hề có tính than thân trách phận. 
 
b) Khiếu khôi hài và tính khí vui vẻ
 
TÍNH KHÍ VUI VẺ, THÍCH TIẾU LÂM, KHÔI HÀI, HAY BÀY TRÒ với chúng bạn, gần gũi và nhiệt tình với bà con dường như là đức tính thiên phú - Trời ban cho cậu Paul qua ông bà cố. Sách vị thừa sai can trường thuật lại:
“Paul có vẻ giống mẹ, gốc Antilles, gần gũi với thiên nhiên và Đấng Tạo Hóa, không quan tâm đến ngày mai, mang chút tâm hồn thi sĩ, gần gũi và nhiệt tình với bà con, dễ mến và vui vẻ với mọi người, tận tụy và hay bày trò với chúng bạn”. 
 
Thời gian ở chủng viện thầy Paul cũng “nổi tiếng là anh chàng vui tính và thậm chí nghịch ngợm. Cậu làm được mọi sự như đùa, với nụ cười trên môi. Khiếu hài hước và đơn giản hóa mọi sự của cậu được thể hiện trong lần viết thư cho mẹ cậu chia sẻ: “mỗi chiều Chúa Nhật, con đi giặt quần áo dưới suối, gần đây con áp dụng cách thức mới cho việc làm này: con giặt như người Ả rập, nghĩa là bằng chân… và con mong cha mẹ tin rằng đồ giặt con sạch bong”. 
 
Khi đã là linh mục có lần ngài kể: Người ta báo cho tôi là có một phụ nữ và một người đàn ông muốn gặp tôi. Tôi hơi càu nhàu với những người khách không - mời - mà - đến này, và trong lúc thấm mồ hôi lã chã trên khuôn mặt, tôi tìm lại được một nụ cười khá dễ thương để mời họ vào. 
 
c) Tính Lạc Quan
 
Có  thể nói, cuộc sống của cậu Paul Seitz luôn toát lên sự lạc quan và niềm vui vô tận. Mặc dù, bệnh tật có dấu hiệu nặng, việc học tập khó khăn hơn khi sức khỏe đang có dấu hiệu bất ổn. Nhưng cậu vẫn lạc quan để trấn an cha mẹ: “xin hãy cứ vui như con đang vui”.
 
Trong một đoạn thư Thầy nói với Cha Mẹ: Con đoan chắc với cha mẹ rằng, ngay cả trong thời điểm tồi tệ nhất, con đã không để mất tính lạc quan, và bất chấp tất cả, con vẫn giữ nụ cười, vì con nghĩ có người còn khổ hơn mình, không có một tấm lều để trú. Con nghĩ mình được ưu đãi lắm rồi…” 
 
Thầy Paul LUÔN KHÁM PHÁ NIỀM VUI TRONG TỪNG SỰ VIỆC, TRONG MỌI TÌNH HUỐNG. Niềm vui sống, niềm vui làm việc, hăng hái hiến thân. Theo thầy: “Bản chất của người có tâm hồn lớn là: "Hi vọng, lạc quan, tin tưởng vào ngày mai là một chất liệu không thể thiếu được trong cuộc sống của chúng ta".
 
2. CHIỀU KÍCH THIÊNG LIÊNG 
 
a) Thi hành Ý Chúa trong niềm vui và bình an 
 
Cậu Paul luôn tìm kiếm và thi hành thánh ý Chúa, có lần thư viết cho cha mẹ cậu nói: “Thưa cha mẹ kính yêu: cũng vẫn như thế thôi: con sẽ luôn luôn hài lòng, luôn luôn hạnh phúc, vì con xác tín rằng con luôn luôn làm theo thánh ý Chúa, hoàn toàn để cho mình được Chúa dẫn dắt. Con đã tìm được bí quyết mà mọi phàm nhân đều tìm kiếm: bí quyết của hạnh phúc (tr. 38).
 
Bệnh tật không cho phép tiếp tục học, đề nghị nghỉ thêm sáu tháng.”Suy sụp ư? Không hề! Cam Chịu ư? Cũng không nốt! Nhưng là hăng say, như mọi khi, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Thầy MỈM CƯỜI ĐÓN NHẬN ĐIỀU XẢY ĐẾN CHO MÌNH, vì luôn xác tín: Tất cả những gì Chúa gửi đến đều tốt.
 
Có lần cậu tâm sự: “Nghề” của con (trong ngoặc kép), cha mẹ biết rõ mà, đó là thi hành thánh ý Chúa. Con chẳng có tham vọng nào khác. Một khi thánh ý ấy tỏ hiện, nếu như con không thấy nó phù hợp với con, thì thật là bất hạnh cho con. Điều làm Chúa vui thích, cũng khiến con vui thích, ngay cả khi thế gian gọi nó là đau khổ, vì Thầy Paul  xác tín rằng những gì xảy đến đều là do Chúa muốn.
 
b) Mỉm cười đón nhận điều Chúa gửi đến
 
Vào học trễ hơn các bạn nhưng Thầy tìm thấy việc học không còn là gánh nặng mà còn tìm thấy ở đó một nguồn vui. Cũng trong thư gửi Cha mẹ, cậu viết: Con ngạc nhiên thấy mình chịu được cuộc sống này ngày càng tốt hơn: việc học chẳng những không còn là gánh nặng mà con còn tìm thấy ở đó một nguồn vui.
 
Thầy viết tiếp: “Cái miệng con lúc nào cũng cười và đùa giỡn được”. Thầy cho hay, lúc nào mình cũng hài lòng, từ sáng đến tối và từ tối đến sáng … Đối với con, mọi sự đều có thể khiến con vui, bởi vì tất cả những gì con làm được đều không phải là do ý con, mà là do ý Chúa. Thầy còn quả quyết: Đời sống con biến thành một hành động mãnh liệt trong sự bình an tuyệt hảo. 
 
Vì sức khỏe yếu kém, ngài phải nghỉ học 2 lần để dưỡng sức. Thầy Paul lạc quan nhìn nhận đây như một ân sủng, vui mừng tạ ơn Chúa; chẳng việc gì phải phàn nàn, tốt hơn là cứ chấp nhận một cách vui vẻ. Đây là lời nhắn nhủ của thầy dành cho cha mẹ: “Xin hãy cứ vui như con đang vui, bởi vì con thực sự đang rất vui về những biến chuyển này”. 
 
c) Hoàn hoàn phó thác nơi Thiên Chúa 
 
Nhờ kinh nghiệm, thầy đi đến chỗ xác tín rằng hạnh phúc ở tại tâm; thầy có thể HẠNH PHÚC TRONG KHỔ ĐAU CŨNG NHƯ TRONG LÚC THOẢI MÁI: BỞI VÌ CHÚA ĐANG CHIẾM LĨNH TRONG CUỘC SỐNG CỦA THẦY. Niềm vui của thầy chẳng có chi điệu đà, giả tạo hay gượng ép; nó vỡ òa và lấp lánh mọi lúc. 
 
Có lần thầy cầu nguyện: “Lạy Cha, xin cho ý Cha được thể hiện. Con không muốn xin gì ngoại trừ ơn được biết phó thác - với nụ cười - như một đứa trẻ trong vòng tay của Cha mình. Con không từ chối công việc, con không từ chối cái chết”. 
 
Trải qua bao khó khăn thử thách về bệnh tật, cuối cùng thầy cũng đã được bình phục. Xin tạ ơn Chúa. Ngày 4/7/1937 thầy nhận được ân sủng vô song của bí tích truyền chức LÒNG ĐẦY TIN TƯỞNG VÀ HY VỌNG.  Tân linh mục  được sai đi  Hà nội, bắc Kỳ, như thánh Phêrô sau khi nghe lệnh truyền của Đức Giêsu, Cha Paul cũng trả lời ngay: “Vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới” (Lc 5, 5).
 
3. NIỀM VUI TRONG SỨ VỤ
 
a) Hân hoan lên đường
 
Vui quá - Tất cả cho Bắc Kỳ - miền truyền giáo đẹp nhất!. 
Rời khỏi nước Pháp thân yêu với niềm xác tín “Chúa yêu người nào vui mừng cho đi” Cha Paul hăng hái lên đường đi Việt Nam, Bắc Kỳ. 
Cha Paul sẵn sàng thưa vâng với niềm vui và CẢM NHẬN BẮC KỲ NƠI ĐƯỢC SAI ĐẾN LÀ MIỀN TRUYỀN GIÁO ĐẸP NHẤT! 
Hoàn toàn phó thác cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, Cha Paul tận lực làm việc, với cha, đây chính là nguồn mạch của một niềm vui rõ rệt và sâu đậm.
Trang sử đã lật qua. Cha Paul Leon Seizt được bổ nhiệm làm QUẢN HẠT HÀ NỘI, BỀ TRÊN HỘI M.E.P. MIỀN ĐÔNG DƯƠNG  (1951-1952) ĐẠI DIỆN TÔNG TÒA GIÁO PHẬN KONTUM  (1952-1954).
Ngày 1/7/1952 ngài chính thức thông báo về sứ vụ mới tại giáo phận Kontum, giám mục hiệu tòa Caltula, đại diện tông tòa giáo phận Kontum. Mặc dù trái tim tan nát, ngài không muốn xa lìa công việc mà suốt 15 năm qua ngài rất đam mê. Với giáo phận sắp được sai đến ngài không hề biết chút gì, ngôn ngữ, con người và văn hóa. Tất cả đều mới lạ, thế nên, ngài cảm thấy lo lắng và sợ hãi. Nhưng với xác tín rằng chính Thiên Chúa, Đấng dẫn dắt mọi sự và ngài sẵn sàng lên đường. 
 
Nhận giáo phận Kontum trong khủng hoảng kinh tế, chiến tranh khốc liệt. Những vụ tấn công của Việt Minh, Kontum được lệnh giải tỏa và trong nhiều tháng,  KONTUM THẤT THỦ (1972). Đức Cha xác tín: Chỉ có Chúa mới có thể làm cho gió yên biển lặng. Chúng ta vẫn tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Hôm nay là Đêm Thương Khó, nhưng chúng ta biết rằng đêm ấy thực ra là một buổi bình minh, bình minh của Ngày Sống Lại.
 
b) Luôn Hi Vọng
 
Đức Cha đương đầu với những hoàn cảnh éo le nhất bằng tình yêu, lòng khiêm nhường, và sự hóm hỉnh. Đối diện với nỗi khổ của đoàn chiên, Cha luôn suy nghĩ tích cực: “Nhờ ơn Chúa, khó khăn và đổ nát chỉ làm bừng lên ý chí kiên định của tôi; tôi cảm thấy trong tôi luôn nảy sinh niềm hy vọng. Chúng ta sẽ vượt qua.
 
Cha dám nói rằng cuộc đời vẫn đẹp và vẫn đáng sống. Nếu như không phải lúc nào cuộc đời cũng đẹp và đáng sống tự thân nó và cho riêng nó, thì nó vẫn đẹp và đáng sống vì nó là sự cộng hưởng và nối dài tới Cuộc Sống Đời Sau. Tất cả đều tùy thuộc vào đời sống vĩnh cửu. Đó là niềm vui và hy vọng, sự bạo dạn to lớn và lòng tin tưởng vào Thiên Chúa. 
 
c) Can trường vượt thách đố và dấn thân hết mình 
 
Cha Paul tâm sự: Chúa đã cho tôi thực sự nếm trải hầu như mỗi ngày niềm vui được làm chứng tá của Chúa nơi các linh hồn, và cũng là chứng tá cho tác động kỳ diệu và âm thầm của Chúa trên các linh hồn. 
 
Mặc dù phải trải qua đau khổ bách hại, hiểm nguy thậm chí ngài phải thốt lên rằng: “Ôi lạy Chúa, nhiều lúc con cảm thấy sự khủng khiếp và ghê tởm tột cùng. Phải, con đã học được sự hiểu biết về người Việt, vì họ đã và đang làm con đau khổ. Nhưng nhờ ơn Chúa  niềm vui của con cũng lớn vì con có thể YÊU THƯƠNG HỌ, VỚI TẤT CẢ CÁI XẤU VÀ CÁI TỐT NƠI HỌ, ĐỂ TẬN TÂM, TẬN LỰC PHỤC VỤ HỌ, CHO ĐẾN CHẾT VÌ HỌ, Đức Cha tâm sự tiếp: DÙ BAO NHIÊU BẤT TRUNG, BAO NHIÊU LỖI LẦM, CHÚA VẪN LÀM VANG VỌNG TRONG LÒNG HỌ LỜI KÊU GỌI NÊN THÁNH. (tr.124) Đó chính là điều làm cho tôi bối rối, nhưng cũng làm tôi tràn ngập niềm vui và hy vọng.
 
d) An Vui Trở Về 
 
Được lệnh phải rời khỏi Việt Nam, rời khỏi giáo phận Kontum, nhưng được thúc đẩy bởi một tinh thần đức tin Đức Cha đã nhận ra bàn tay của Đấng Quan Phòng giữa các thử thách tồi tệ nhất, VĨNH BIỆT, VIỆT NAM YÊU DẤU! (1975) NIỀM VUI TRONG NƯỚC MẮT.
 
“Khổ đau, chắc chắn rồi! Khổ đau muôn vàn vì cảm thấy mình bị phản bội trong các xác tín sâu thẳm nhất và chính đáng nhất. Nhưng “đời sống là niềm vui trong đau khổ của tình yêu”: câu nói này của một đan sĩ thần bí dòng Biển Đức, Ngài đã sống lời ấy từng ngày, và sẽ còn sống lời ấy cho tới giây phút cuối. Ngài nói: Vâng, kìa bình minh đang ló dạng… Nó cho thấy Thiên Chúa!
 
Nhờ hi vọng vào bình mình của ngày cánh chung, Đức Cha đã sống các ngày giờ chờ đợi này trong sự thanh thản và vui tươi. 
 
Chúng con xin hoà chung niềm vui và cảm tạ Chúa với Đức Cha đã hoàn thành sứ vụ trong mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Chúa Kitô. 
 
* KẾT LUẬN 
 
Chị Nữ Tu NVHB Noi Gương Đấng Sáng lập Sống Chứng Tá Niềm Vui
1) Sống Niềm Vui - Giữ Nụ Cười Trên Môi trước những thách đố trong cuộc sống
2) Sống trọn vẹn giây phút hiện tại để lắng nghe, đón nhận và thi hành Thánh ý Chúa.
Để kết thúc bài chia sẻ, giờ đây kính mời chị Tổng Phụ trách và quý chị em cùng cầu nguyện với tâm tình của thánh Têrêxa HĐGS, vị thánh mà Đấng Sáng lập đã chọn và hằng noi gương trên con đường tu đức: 
Lạy Chúa, xin cho con biết mỉm cười, để vơi nhẹ gánh nặng của cuộc sống, cho tha nhân cũng như cho chính mình; để tỏa rạng niềm vui cho tha nhân, để khơi dậy cho họ niềm hy vọng và tin tưởng. Xin cho con biết mỉm cười khi sống và khi chết, khi sáng sủa và khi tối tăm, cười với Chúa và với mọi người. Và, lạy Chúa, cả Chúa nữa, xin hãy mỉm cười với con nhé; với nụ cười độc đáo của Chúa, tức là nụ cười của tình yêu! Amen
 
Nt. M Thúy Nga và M Kim Hương, MRP