Con Người Trở Nên Vĩ Đại Là Nhờ Quỳ Gối Cầu Nguyện - Tác giả: M. Minh Đức, MRP



 
“Người ta chỉ trở nên vĩ đại khi biết quỳ gối cầu nguyện”. Đó là câu nói của một nhà vật lý nổi tiếng người Pháp, tên là André-Marie Ampère (1775-1836). Ông là một trong những nhà phát minh ra điện từ trường và phát biểu thành định luật mang tên ông (định luật Ampere). Đơn vị đo cường độ dòng điện được mang tên ông là ampere và ampere kế. Ông có nhiều đóng góp trong lĩnh vực toán học, vật lý, hóa học, triết học. Tôi khâm phục ông về những nghiên cứu, những phát minh khoa học của ông đã đóng góp nhiều cho nền văn minh tiến bộ của nhân loại. Nhưng điều làm tôi tâm phục khẩu phục ông hơn nữa là vì ông luôn dành cho Thiên Chúa một chỗ quan trọng trong tâm hồn, trong những nghiên cứu của ông. Sau tất cả những thành công, ông nhận ra rằng tất cả điều đó không làm cho ông vĩ đại, nhưng điều làm cho con người trở nên vĩ đại là nhờ quỳ gối cầu nguyện trước Thiên Chúa. Vì tất cả đều là ân ban từ Thiên Chúa, còn ông chỉ là người lãnh nhận mà thôi. “Tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Chúa mà thôi” (1Cr 15, 10).

Một nhà khoa học nổi tiếng và sau ông còn rất nhiều người nổi tiếng khác - dù bận rộn họ vẫn dành hằng giờ cho Thiên Chúa. Thật đẹp biết bao khi nhìn thấy những tâm hồn đang hướng lòng lên Thiên Chúa để thân thưa cùng Người, hình ảnh đó thật sự có sức lay động lòng người biết bao. 

Trái lại, thực trạng ngày nay có nhiều người nói mình biết Thiên Chúa nhưng chưa bao giờ quỳ gối cầu nguyện cùng Thiên Chúa, chưa bao giờ nhỏ to tâm sự cùng Ngài, chưa từng hỏi Ngài là ai trong cuộc đời tôi. Ta không thể làm điều gì khi ta chưa yêu mên cầu nguyện, chưa yêu mến những giây phút ở lại bên Chúa. Chưa yêu mến Lời của Ngài, thì làm sao tôi có thể nói bằng trái tim khi tôi chưa hiểu được định luật của trái tim. Trong khi đó người môn đệ của Chúa phải là người tường thuật cho anh em mình bằng trái tim yêu mến, ngỏ lời với trái tim yêu mến về những điều kì diệu nơi cuộc đời Đức Giêsu Kitô. 

Con người ngày nay ưa thích các hoạt động, dường như thích ồn ào, thích những gì ăn liền, thích những gì hiện đại… nhưng thực sự chính con người ngày nay đang khát. Vậy ta sẽ lấp đầy cho họ bằng điều gì nếu không phải ở lại bên Chúa Giêsu trong những giây phút thinh lặng để lắng nghe Lời của Ngài. Con người ngày nay sợ, họ sợ nhìn vào chính mình, nhìn thấy những lầm lỗi nơi mình, con người sợ phải quay về đối diện với chính mình và với Thiên Chúa. Nên chẳng thiếu những con người lăng xăng, nhưng lại thiếu những con người của thinh lặng cầu nguyện. Nhưng bao lâu chúng ta còn sợ hãi, sợ gặp gỡ Thiên trong nơi thinh lặng, làm sao ta dám cất bước lên đường trở về cùng Thiên Chúa.

Nhiều giáo dân tôi có cơ hội gặp và tiếp xúc trong các khoá cầu nguyện với Lời Chúa. Phút đầu tiên gặp gỡ, họ nghĩ không thể ngồi hằng giờ cầu nguyện như những nam, nữ tu sĩ. Cầu nguyện với Lời Chúa chẳng có gì thu hút cả. Nhưng Thiên Chúa đã khuất phục họ trong chính Lời của Người. Tôi đã thấy những dòng nước mắt tuôn tràn trên khuôn mặt của họ; tôi đã thấy những biến đổi lớn lao trong đời sống họ; tôi đã thấy sự hăng say lên đường không biết mệt mỏi khi họ được Lời Chúa đụng chạm. Thiên Chúa đã biến đổi tâm hồn họ, làm cho những mảnh đất cằn cỗi trở nên màu mỡ, những màu xanh được ươm trồng vun xới nay đã cho những vụ mùa bội thu. Người cha đã chờ được đứa con trở về. Người mục tử lên đường tìm chiên lạc đã tìm thấy. Khi họ lên đường tìm kiếm Thiên Chúa, Thiên Chúa đã cho họ gặp được Ngài, và Ngài đã tái tạo con người họ trở thành con người mới, lấy khỏi mình họ quả tim chai đá và ban tặng lại cho họ một quả tim biết yêu thương. Họ không còn khép nép, nhưng mạnh dạn tuyên xưng đức tin của chính mình: “Tôi đã thấy và tôi xin làm chứng về điều đó” (1Ga 32,34); họ sẵn sàng chia sẻ, dám đối diện với con người với những mặt tốt, mặt xấu của mình mà không cần che đậy. Họ đã trở về với chính mình, trở về với Thiên Chúa với lòng tin mãnh liệt.

Phần chúng ta là những người có sứ mạng đánh thức thế giới; những người được Thiên Chúa yêu thương cách đặc biệt, được hiến thánh và yêu thương; được chọn để ở lại với Thiên Chúa và để được sai đi. Chúng ta có ý thức về thời gian mình được ở lại với Thiên Chúa? Hay ta đã để nó trôi qua một cách lãng phí. Tôi có phải là chuyên viên cầu nguyện không? Tôi có để Chúa Giêsu dẫn tôi đi lối riêng, đưa lên cao và tách ra khỏi sự tầm thường. Thiên Chúa chờ tôi, Ngài vẫn chờ tôi, thế những tôi thường đáp trả thế nào: Con bận lắm Chúa ơi, con có hằng tá công việc phải lo, Chúa có biết con đang mệt lắm không…và đôi khi ta còn càu nhàu như Cô Macta: “Thầy nhìn xem, em con để mình con phục vụ mà thầy không để ý tới sao” (Lc 10, 40). Tôi than thở về mọi thứ xung quanh tôi, thế nhưng tôi lại không bao giờ nói với Chúa về gánh nặng của tôi, tôi không bao giờ nài xin Chúa thêm sức cho tôi. Tôi dường như không có giờ để dừng lại để nói lời cám ơn Thiên Chúa, và nói với Chúa “Lạy Chúa Giêsu con yêu mến Chúa”. Chính vì thế, rất nhiều lần trong cuộc sống tôi đã “mệt”, tôi mệt vì tôi thấy lối ra là chính Chúa, nhưng tôi lại không bước tới, khi chính Chúa lại luôn mời gọi tôi “Chính Thầy là đường là sự thật và là sự sống (Ga 14, 6 ). Tôi “mệt” vì tôi thấy đời tôi không sáng sủa lắm khi Lời Chúa không phải là đèn soi bước chân tôi. Tôi mệt, vì tôi thấy đời tôi có gì đó không ổn lắm. Tôi mệt, vì tôi thấy mình đang cô đơn. Tôi mệt, vì tôi thấy mình còn quá nhiều ưu tư. Tôi mệt, do tâm hồn tôi không có Chúa. Lời Chúa lại vang lên trong tôi “Con đang băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá, chỉ có một điều cần thiết mà thôi” (Lc 10, 41 ). Lắng nghe Lời Chúa dạy, để Chúa làm chủ đời mình, đấy là chuyện cần thiết nhất.

Làm sao đời sống của tôi, một con người được thánh hiến có thể đánh thức thế giời nếu tôi không sống với Chúa, không ở lại trong Lời của Ngài, không cưu mang Lời của Ngài. Trong khi đó, sự hiện diện của đời sống thánh hiến mang tính ngôn sứ trong thế giới. Tu sĩ chỉ có thể đánh thức thế giới “bằng chính cuộc sống, cách sống, và cách hành động của chính mình theo gương Đức Giêsu và làm chứng nhân cho Ngài. Đặt Đức Kitô làm trung tâm là lẽ sống, khởi đi từ Đức Kitô, ra khỏi chính mình để đi đến những vùng ngoại ô, đó chính là đánh thức thế giới”. “Làm cho thế giới được nghe, được biết đến, được nói, được nhìn nhận Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Thế bằng đời sống chứng tá của mình. Mục đích của việc đi theo Chúa là gì nếu không phải đánh thức thế giới, nói cho mọi người biết Thiên Chúa yêu thương con người”
. Nhưng làm sao chúng ta có thể cho cái mà chính ta không có. Vậy muốn đánh thức thế giới phải chăng ta phải đánh thức chính mình trước. Muốn đánh thức thế giới ta phải bắt đầu từ chính mình, từ những gì trong sâu thẳm của con người của ta trước. “Giữa một thế hệ gian tà sa đoạ anh em hãy chiếu sáng như những vì sao” (Pl 2, 15). Chúng ta chỉ có thể biến hình khi chúng ta ở lại bên Chúa để mỗi ngày diện đối diện với Thiên Chúa như Môsê trên núi Sinai, đặt Chúa làm trung tâm của cuộc đời ta, để ta được nên giống Chúa mỗi ngày.  
 
Lạy Chúa, xin cho chúng con dám tin những cuộc gặp gỡ với Chúa có sức biến đổi chúng con theo con tim của Chúa. “Chính vì thế sống gần Chúa không có nghĩa là bỏ mặc các vấn đề các sự việc đang xảy ra, nhưng là tập nhìn thế giới với con mắt của Chúa, và thương yêu thế giới với con tim của Chúa. Do đó tiến gần Chúa và sống thân tình với Ngài sẽ giúp chúng con phục vụ thế giới một cách trung thực và hữu hiệu hơn” (Chứng Nhân Tình Yêu). Xin cho chúng con luôn biết ngồi lại với Chúa trong thinh lặng nguyện cầu, để rồi từ nơi Chúa chúng con kín múc được nguồn sức sống cho đời sống thánh hiến của chúng con, xin cho chúng con cũng hiểu được giá trị, niềm vui lớn lao của những giây phút ở lại bên Chúa, để rồi chúng con luôn sống trọn vẹn từng giây phút bên Chúa trong suốt cuộc sống con. Amen.
 
M. Minh Đức, MRP